Dù bị đình chỉ hoạt động do không đảm bảo điều kiện, hơn 300 quán vẫn phớt lờ để hoạt động.
Chiều 9/7, Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong hơn 500 cơ sở kinh doanh karaoke đã bị đình chỉ hoạt động do không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy, trên 300 cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động lén lút. Các quán này tập trung nhiều ở các huyện ngoại thành như: Đông Anh, Thạch Thất, Mê Linh. Bà Ngọc đề nghị cơ quan công an cùng Sở Văn hoá, Thể thao kiểm tra, xử lý nghiêm.
Lãnh đạo các địa phương bị nêu tên đều thừa nhận có tình trạng cơ sở karaoke không đủ điều kiện vẫn hoạt động trên địa bàn. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cho hay, huyện có trên 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke song chỉ 36 cơ sở đủ điều kiện hoạt động bình thường. Đông Anh đã yêu cầu dừng hoạt động với 66 cơ sở không đủ điều kiện.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên, sáu tháng đầu năm, huyện đã kiểm tra, xử lý 16 cơ sở không phép, phạt tiền gần 200 triệu đồng. Với những cơ sở vẫn lén lút hoạt động, huyện đề xuất biện pháp thu giữ phương tiện hoạt động.
Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao Tô Văn Động thông tin, thành phố có hơn 1.600 cơ sở kinh doanh karaoke nhưng chỉ trên 500 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh.
Sở đã trực tiếp thanh tra, kiểm tra gần 400 cơ sở; xử lý vi phạm hơn một tỷ đồng. Sau khi lập biên bản vi phạm, Sở chuyển hồ sơ cho chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động và theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ sở này. Nhưng có địa phương buông lỏng quản lý, chưa xử lý nghiêm và kiên quyết đối với các vi phạm mới phát sinh như báo cáo của công an thành phố Hà Nội đã nêu.
|
|
Hà Nội đã chú trọng đầu tư trang thiết bị cho công tác phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Bá Đô. |
Về công tác phòng cháy chữa cháy, bà Ngọc đề nghị cần rà soát và có báo cáo phương án thay thế cho 28% số xe chữa cháy đang bị hỏng, theo báo cáo của công an thành phố.
Theo bà Ngọc, tính cả hôm nay là năm lần liên tục tại nhiệm kỳ này HĐND chất vấn về công tác phòng cháy chữa cháy. Qua mỗi lần, công tác phòng cháy chữa cháy đã có nhiều thay đổi tích cực, trong đó có việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Từ năm 2014 đến 2018 ngân sách thành phố đã bố trí 254 tỷ đồng cho công tác phòng cháy chữa cháy, có 5 dự án đầu tư cơ sở vật chất.
Trong sáu tháng đầu năm, toàn thành phố Hà Nội xảy ra trên 270 vụ cháy làm 14 người thiệt mạng, 21 người bị thương, thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.
Trong đó khu vực nội thành xảy ra 170 vụ (chiếm trên 60%); ngoại thành 108 vụ (trên 38%).
So với cùng kỳ năm 2018, giảm 130 vụ nhưng tăng số người chết (tăng 10 người chết, 13 người bị thương); thiệt hại về tài sản giảm khoảng 200 tỷ đồng.
Tiếp viên đường sắt giải cứu 2 cô gái bị ép làm thuê tại quán karaoke
Biết con gái và người bạn bị nhóm quen qua mạng xã hội ép đưa ra Huế làm việc tại quán karaoke, người mẹ đã ... |
Quán karaoke không được hoạt động sau 0h
Nghị định 54 quy định cơ sở kinh doanh karaoke không được hoạt động từ 0h đến 8h, không được chốt cửa bên trong phòng ... |
Võ Hải
Ngày đăng: 08:38 | 10/07/2019
/ https://vnexpress.net