Hai tháng chưa có mưa khiến nhiều giếng đào hơn chục mét ở huyện miền núi Nghệ An cạn trơ đáy.
Nhiều ngày nay, tranh thủ sáng sớm hoặc xế chiều, ông Lang Văn Tần, trú bản Kẻ Sùng, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông (Nghệ An) dùng xe máy chở ba chiếc can nhựa loại 20 lít ra suối cách nhà hai km, hoặc tới nhà hàng xóm để xin nước phục vụ sinh hoạt cho cả gia đình.
Ông Tần hàng ngày đi xin nước về phục vụ sinh hoạt gia đình. Ảnh: Phạm Bá.
"Nhà có đào hai cái giếng sâu hơn 10 m nhưng nửa tháng nay đã trơ đáy. Nước lấy về chỉ đủ ăn uống, còn tắm rửa thì phải ra suối. Lo nhất là nước suối cũng cạn dần, nếu nắng nóng kéo dài thì chưa biết lấy nước đâu để dùng", ông Tần nói.
Chung cảnh thiếu nước sinh hoạt như gia đình ông Tần là nhiều hộ dân khác ở các bản Kẻ Sùng, Kẻ Nóc và Kẻ Trắng (xã Mậu Đức). Chỉ còn vài giếng ở bản còn nước, song không đủ phân phát cho những hộ thiếu.
"Hàng ngày lên rẫy, chiều về lại phải đi gánh thêm vài xô nước về sinh hoạt khiến cuộc sống thêm vất vả", một người dân nói và cho biết từng bỏ tiền thuê máy khoan nhưng không có kết quả.
Một giếng nước của hộ dân ở Mậu Đức cạn trơ đáy. Ảnh: Phạm Bá.
Huyện Con Cuông là một trong những địa bàn nắng nóng gay gắt nhất ở khu vực Bắc miền Trung dịp này, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến phổ biến 37 đến 39 độ, có lúc trên 40 độ. Theo khảo sát, toàn xã Mậu Đức của huyện này có hơn 1.400 hộ thì khoảng 500 hộ rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. "Chúng tôi khoan sâu đến 70 m, thậm chí 100 m gặp lớp than bùn mà không có nước", cán bộ xã Mậu Đức nói.
Xã Đôn Phục cạnh bên xã Mậu Đức cũng rơi vào cảnh tượng tự. Hơn hai tháng qua trên địa bàn chưa có trận mưa nào. Toàn xã có gần 1.000 hộ thì khoảng 300 hộ có giếng nước đang cạn, không đủ sinh hoạt. Theo chính quyền, việc thiếu nước sinh hoạt dù chưa nguy cấp song khiến cuộc sống nhiều hộ dân bị đảo lộn, nguy cơ phát sinh bệnh tật về đường ruột, đau mắt đỏ và ô nhiễm môi trường.
Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, các hồ đập tại một số huyện như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Đô Lương hiện tại chỉ đạt 30-50% dung tích.
"Hàng nghìn ha đất nông nghiệp ở nhiều huyện đã và đang bị ảnh hưởng do hạn hán. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài trong thời gian tới thì ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp rất lớn", cán bộ Chi cục cho hay.
Nắng nóng và khô hạn cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng. Hai ngày trước, đám cháy bùng phát tại khu rừng sản xuất ở xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn) rồi nhanh chóng lan sang xã Chiêu Lưu. 200 người mất 7 giờ mới khống chế được đám cháy, song hơn 8 ha rừng sản xuất bị thiêu rụi.
Người dân miền núi Nghệ An đi lấy nước ở hồ ao về sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Hải.
Theo cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn, đợt nắng nóng ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung bắt đầu từ 4/6 và sẽ kéo dài đến ngày 13/6. Tại Nghệ An, ngày 10/6 trạm đo ở huyện Con Cuông ghi nhận 41 độ C; TP Vinh 39,5 độ C...
Dự báo từ ngày 11 đến 20/6, nhiệt độ Bắc Trung Bộ cao hơn 0,5 đến một độ so với trung bình nhiều năm, các khu vực khác phổ biến xấp xỉ.
Nguyễn Hải - Phạm Bá
Hà Nội: Hàng nghìn người nhiều ngày vạ vật xếp hàng xách nước
Hàng nghìn cư dân sống tại khu đô thị Tân Tây Đô (Đan Phượng – Hà Nội) bị mất nước do rò rỉ đường ống ... |
Hơn 2.000 hộ dân lao đao vì nước sinh hoạt vừa thiếu vừa bẩn
Xã Trung Đông có làng nghề, dân cần cù nên kinh tế hộ xếp ở mức khá của huyện Trực Ninh, Nam Định. Tuy nhiên, ... |
Ngày đăng: 16:36 | 12/06/2019
/