Giếng đào, ao hồ, sông suối trên địa bàn nhiều tỉnh miền Trung đã khô cạn ở mức không còn khả năng cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Tất bật bê can nước để lên xe đẩy, bà Nguyễn Thị Tứ (trú thôn 11, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chia sẻ, giếng trong nhà đã cạn trơ đáy, nhiều tuần qua bà phải đi hơn 1 km xuống cuối thôn xin nước về nấu ăn, còn tắm giặt thì đành múc nước ao, hồ gần nhà để dùng.
Bà Tứ múc nước ao hồ gần nhà để tắm giặt. Ảnh: Đức Hùng |
"Xã tôi hiện có khoảng 500 hộ gia đình thiếu nước sạch. Dùng nước ao, hồ không đảm bảo vệ sinh, có thể gây các bệnh ngoài da nhưng giờ không có cách nào khác", bà Tứ cho hay.
Cách đó 3 km, tại xã Hương Thủy, hàng trăm người dân cũng đang vật lộn vì thiếu nước trong nắng hạn. Toàn thôn 2 chỉ còn 5 giếng khoan có nước, đem phục vụ cho 186 hộ lấy về nấu ăn. Với nước để tắm giặt, họ phải ra sông Ngàn Sâu múc về.
"Mạch nước ngầm ở đây đang cạn kiệt. Tôi làm nhiều cách như đào mới, cải tạo giếng cũ, bỏ tiền ra thuê người khoan đến 60 m vẫn không có nước nên phải bỏ cuộc, đi xin nước sạch của hàng xóm về sinh hoạt", ông Lê Đình Thông (trú xóm 9) nói.
Nhà chức trách Hà Tĩnh cho hay, nắng nóng kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay đã khiến mực nước trong các giếng đào, ao trữ nước, sông suối trên địa bàn xuống thấp, không còn khả năng cấp nước. Toàn tỉnh có hơn 2.700 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các huyện Kỳ Anh, Hương Khê.
Tại xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), giếng nước của gần 400 hộ dân ở thôn Lạc Thắng chỉ còn đọng lại vài chục cm dưới đáy, người dây chỉ có thể chắt những gáo nước vàng đục làm nước uống cho gia súc, gia cầm.
"Sông, suối đang cạn dần, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì cả người dân và cây cối, vật nuôi đều bị ảnh hưởng nặng nề", bà Nguyễn Thị Văn (xã Kỳ Lạc) nói.
Tại Nghệ An, hạn hán cũng khiến hàng nghìn hộ dân lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nghiêm trọng nhất là các xã Mậu Đức, Đôn Phục, Thạch Ngàn và Yên Khê của huyện Con Cuông. Tại khu vực này, hàng trăm hộ dân thiếu nước sạch gần hai tháng qua.
Để nấu ăn và tắm giặt, hàng ngày người dân phải đi xe máy và mang can nhựa tới các sông, suối gần nhà chở nước về dù bị cảnh báo tình trạng bùng phát dịch bệnh do nước không đảm bảo vệ sinh.
Gần đây, UBND huyện Con Cuông đã trích gần 300 triệu đồng để đào 32 giếng khơi dọc khe suối các xã Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn và Yên Khê; 6 tẹc nước có dung tích 2.000 lít được sử dụng để dẫn nước từ các công trình này về bản phục vụ người dân.
Tại Quảng Bình, giữa trưa nắng như đổ lửa, ông Nguyễn Chiến (trú thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch) vẫn xách thùng nhựa ra giếng làng để lấy nước về sinh hoạt.
Hai tháng nay, gia đình ông Chiến và hơn 400 hộ dân thôn Tam Đa phải dùng giếng nước này để sinh hoạt. Nhìn mực nước chỉ còn khoảng một mét, ông Chiến lo âu trời không mưa thì giếng nước cuối cùng của thôn sẽ cạn kiệt.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn Tam Đa cho hay thôn có ba giếng công cộng, vốn lâu nay không bao giờ cạn, nhưng năm nay nắng hạn đến sớm, trời không mưa nhiều tháng qua khiến hai giếng đã khô nước.
Người dân ra giếng làng để lấy nước sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Táo |
Mực nước tại các hồ chứa nước lớn của huyện Quảng Trạch như Vực Tròn, Tiên Lang, Trung Thuần chỉ đạt 17 đến 18%. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới thì hàng ngàn hộ dân của huyện Quảng Trạch phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Tại Quảng Nam, trưa ngày cuối tháng 7, bà Nguyễn Thị Cảnh, tổ phố Đồng Trường, thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) ra bờ sông Trường kiểm tra chiếc máy bơm nước ở giếng đào dẫn nước về nhà.
Theo bà Cảnh, huyện miền núi này thường xuyên đối diện với thiếu nước mùa nắng nóng, nhưng chưa năm nào khô hạn như năm nay. Hầu hết giếng đào trong vườn nhà bị cạn nên người dân phải chung tiền ra bờ sông đào giếng.
"Khúc sông qua thị trấn Trà My có khoảng 10 cái giếng được đào vì nguồn nước ở đây tương đối trong, sạch", bà Cảnh nói.
Người dân thị trấn Trà My bơm nước từ giếng đào sông Trường dẫn về nhà. Ảnh: Đắc Thành. |
Ông Phùng Văn Nam, Chủ tịch thị trấn Trà My cho hay, hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn đang thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước ngầm cạn kiệt. Gia đình có điều kiện kinh tế thì bỏ vài chục triệu đồng để khoan giếng mới. Tuy nhiên, không phải giếng nào cũng có nước để dùng vì một số khu vực bị nhiễm phèn nặng.
Nhiều người dân đã phải lên thượng nguồn các con suối để lấy nước về nhà. Nhưng trong mùa khô hạn, lượng nước không đủ nên thượng nguồn và hạ du đều thiếu nước; có những hộ đã phải mua nước sạch để dùng tạm qua ngày.
"Huyện đã xin chủ trương và được tỉnh Quảng Nam phê duyệt phương án xây dựng nhà máy nước tại trung tâm thị trấn với công suất 4.000 m3/ngày đêm. Hy vọng người dân ở đây sẽ sớm chấm dứt tình trạng thiếu nước vào mùa khô", ông Nam nói.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, đợt nắng nóng ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện gay gắt từ tháng 4/2019 đến nay; trong đó, đợt nắng nóng từ 3/6 đến 1/7 là một trong những đợt kéo dài nhất trong 30 năm qua.
Tình trạng này đã khiến hàng nghìn ha lúa và hoa màu ở các tỉnh miền Trung có nguy cơ mất trắng; đáng chú ý, nếu nắng nóng còn kéo dài tới cuối tháng 7 ở Bắc Trung Bộ và cuối tháng 8 ở Nam Trung Bộ thì sẽ có khoảng 138.800 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Đức Hùng - Nguyễn Hải - Hoàng Táo - Đắc Thành
Nắng hạn cực điểm, 12 vạn hộ dân khát nước |
Hàng nghìn hộ dân Bình Định, Phú Yên thiếu nước sinh hoạt vì nắng hạn |
Người dân Gia Lai vật lộn với nắng hạn |
Người dân Ninh Thuận vật lộn trong nắng hạn |
Ngày đăng: 17:25 | 27/07/2019
/ vnexpress.net