Nhiều hãng hàng không liên tục kiến nghị tăng trần giá vé máy bay, thêm phụ thu, giảm thuế... để chống đỡ việc giá xăng tăng liên tục.
Trong văn bản gửi các Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) cho biết, doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc giá nhiên liệu tăng cao.
Hàng không phải chi thêm hàng nghìn tỷ đồng trong 2022 vì giá xăng cao ngất ngưởng |
Theo đó, giá dầu đã không ngừng tăng nhanh, giá nhiên liệu máy bay Jet A1 tăng từ mức trung bình khoảng 73 USD/thùng năm 2021 lên mức hơn 100 USD/thùng. Việc giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình đầu tháng 3/2022 đạt trên 130 USD/thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh.
Theo tính toán, nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng và nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến của hãng này trong năm 2022.
Trước tình hình trên, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay nội địa, áp dụng từ 1/4 và chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép các hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa theo thông lệ của hàng không quốc tế trước đây khi giá nhiên liệu biến động.
Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay trong năm 2022 (hiện đang áp dụng mức giảm 50%) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không. Hãng bay này dự tính sẽ giảm được 600 tỷ đồng chi phí nhiên liệu trong năm 2022.
Tương tự, Hãng hàng không Vietravel Airlines vừa có văn bản gửi Thủ tướng và các cơ quan liên quan đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không.
Theo Vietravel Airlines, ngành hàng không hiện đang gặp nhiều khó khăn khi chi phí nhiên liệu tăng, lạm phát và người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu do kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch. Vietravel Airlines đề xuất đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không. Đồng thời, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường.
Vietravel Airlines cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (so với mức 7% hiện nay) và điều chỉnh giảm thuế môi trường về 1.000 đồng/lít. Thời gian áp dụng kiến nghị từ nay cho đến hết năm 2022.
Ngoài ra, hãng cũng mong muốn được hỗ trợ giảm 50% giá dịch vụ ngành hàng không; bổ sung điều khoản cho phép hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu đối với các đường bay nội địa nếu giá Jet A1 tăng cao từ 100 USD/thùng trở lên.
Chia sẻ với VTC News, hãng Bamboo Airways cũng cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải hàng không nên việc giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn tới giá thành và chi phí sản xuất kinh doanh của tất cả các hãng bay trong nước.
Đây là là điều bất lợi cho toàn ngành giao thông vận tải nói chung khi đang trên đà phục hồi sau dịch. Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu cũng giống như dịch bệnh, đều là các yếu tố khách quan bất khả kháng và đòi hỏi các doanh nghiệp linh hoạt ứng biến, thích nghi.
Liên quan đến giá vé, đại diện Bamboo Airways cho hay giá vé phụ thuộc vào cung cầu thị trường và nhiều yếu tố khách quan. Hãng đã xây dựng bộ quyền lợi nhóm giá vé với 8 nhóm giá. Mỗi nhóm giá tương ứng với các bộ quyền lợi khác nhau như số cân hành lý, suất ăn; quyền đổi tên, đổi hành trình, thời gian bay; quyền chọn chỗ, ưu tiên check-in, sử dụng phòng chờ thương gia; tích lũy điểm trong chương trình khách hàng thân thiết Bamboo Club… Tùy theo nhu cầu của bản thân, mỗi hành khách có thể lựa chọn hạng vé với các quyền lợi đi kèm phù hợp, đồng thời loại bỏ các dịch vụ không cần thiết, để tối ưu trải nghiệm và chi phí.
Hiện Bamboo Airways sử dụng đội tàu bay thế hệ mới như Boeing 787-9 Dreamliner, Airbus A321neo, Embraer... hiện đại với tuổi đời bình quân thấp, được thiết kế tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời, đội tàu đa dạng chủng loại, với các tầm bay và tải trọng khác nhau cho phép Bamboo Airways linh hoạt điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp với từng chặng bay, qua đó tối ưu hóa nhiên liệu tiêu hao.
“Chúng tôi tin tưởng các những giải pháp tích cực, cơ chế phù hợp, điều chỉnh kịp thời của Chính phủ sẽ góp phần giảm bớt áp lực, trợ giúp cho các doanh nghiệp hàng không hồi phục sau dịch”, đại diện Bamboo Airways nói.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, cơ quan này đang nghiên cứu kiến nghị của các hãng hàng không về tăng trần giá vé máy bay, thêm phụ thu nhiên liệu do giá xăng dầu tăng cao.
Tuy vậy, hiện tại, chưa nên tăng trần giá với vé máy bay nội địa, do giá này đang được áp dụng ổn định và có khả năng tác động tới giá tiêu dùng, lạm phát. Thay vào đó có thể cho phép các hãng áp dụng phụ thu nhiên liệu vào giá vé ở những thời điểm giá nhiên liệu bay tăng cao, để các hãng linh hoạt áp dụng.
"Muốn thêm phụ thu phí nhiên liệu vào giá vé máy bay phải xin ý kiến Bộ Tài chính, chúng tôi đang nghiên cứu, đánh giá”, ông Thắng nói.
Ngày đăng: 20:19 | 22/03/2022
/ vtc.vn