Ngày 14/8, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, càng về cuối năm, xác suất xuất hiện La Nina lại càng lớn, tăng nguy cơ xảy ra mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm từ tháng 9 trở đi với nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các sân bay khu vực miền Trung.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo từ tháng 9 và tháng10 trở đi, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 70%. Từ tháng 11 năm 2024 đến tháng 1 năm 2025, dự báo hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 70 - 80%.
Dự báo từ nay đến tháng 10 năm 2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trong đó có khoảng 1-3 cơn đổ bộ vào đất liền. Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời gian này là từ 6-7 cơn đổ bộ vào Việt Nam khoảng 03 cơn.
Từ tháng 11 năm 2024 đến tháng 1 năm 2025, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 3-4 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 1-2 cơn đổ bộ vào đất liền. Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời kỳ này là từ 3-4 cơn đổ bộ vào Việt Nam khoảng 01 cơn.
Càng về cuối năm, xác suất xuất hiện La Nina lại càng lớn, tăng nguy cơ xảy ra mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm từ tháng 9 trở đi với nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các sân bay khu vực miền Trung, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngày 14/8, Cục HKVN yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP và Cảng HKQT Vân Đồn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không, hệ thống thông tin liên lạc... để kịp thời phát hiện và xử lý các hư hỏng (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn khai thác khi điều kiện thời tiết bất lợi do thiên tai gây ra.
Đồng thời triển khai phương án phòng chống mưa, bão, các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy của hệ thống thoát nước trong cảng hàng không, sân bay, bảo vệ cho các công trình, phương tiện, thiết bị tại cảng hàng không, hạn chế thiệt hại do mưa, bão gây ra đến mức thấp nhất và bảo đảm nhanh chóng ổn định mọi hoạt động hàng không phục vụ các nhu cầu của hành khách.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Cục HKVN yêu cầu rà soát, tăng cường công tác kiểm tra các công trình phục vụ quản lý, điều hành bay để kịp thời phát hiện và xử lý các hư hỏng (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn khai thác khi điều kiện thời tiết bất lợi do thiên tai gây ra.
Chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường công tác đảm bảo chất lượng thông tin khí tượng; liên tục theo dõi tình hình thời tiết trong khu vực trách nhiệm, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong ngành hàng không.
Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Cục HKVN yêu cầu tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết để có phương án điều chỉnh kế hoạch bay hoặc thay đổi lịch bay cho phù hợp; cập nhật đầy đủ thông tin khí tượng từ các cơ sở khí tượng hàng không liên quan và căn cứ tình hình thực tế để triển khai các hành động ứng phó cần thiết, giảm thiểu tác động và bảo đảm an toàn khai thác trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Ngày đăng: 08:49 | 15/08/2024
Phạm Huyền / cand.com.vn