Chỉ còn khoảng 2 tháng là đến Tết Giáp Thìn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị hàng hóa, phục vụ mùa mua sắm cao điểm.

Tại Hà Nội, các hệ thống siêu thị lớn đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, trong đó có các chương trình giảm giá đến 45% cho các mặt hàng gia dụng, may mặc…; khuyến mãi từ 15 - 25%, đối với nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, gia vị.

Hàng hóa Tết dồi dào, nhiều khuyến mãi -0
Sức mua hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với siêu thị tổ chức chương trình "Gian hàng 0 đồng", gửi 1.200 phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng/phiếu cho 1.200 bà con có hoàn cảnh khó khăn tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tổng trị giá chương trình lên đến 400 triệu đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Thành phố cho biết tiếp tục kích hoạt hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường với 45 doanh nghiệp lớn tham gia và hơn 10.000 điểm bán hàng.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang cùng các đơn vị chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm đa dạng hàng hóa cung ứng thị trường dịp Tết. Trong tháng 12/2023, Sở sẽ phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức hội nghị kết nối cung cầu phục vụ Tết; tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung để doanh nghiệp bán được số lượng hàng lớn và người tiêu dùng tiếp cận được hàng với giá cả hợp lý.

Tổng cộng, các doanh nghiệp đã chuẩn bị và dự trữ hơn 22.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ 2 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn, đảm bảo đủ hàng tiêu dùng, tránh sự thiếu hụt, tăng giá đột biến dịp Tết. Trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% - 43%. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết; tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…

Theo Bộ Công Thương, sức mua hàng dịp Tết Giáp Thìn 2024 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước và khó có thể xảy ra biến động mạnh về giá.

Đến nay, một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024.

Trong đó, địa phương đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay người dân với giá cả ổn định.

"Các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn cung những mặt hàng thiết yếu từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2022, tùy mặt hàng. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết", bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thông tin.

Bà Nga cho biết sự chuẩn bị đồng bộ của các đơn vị nhằm bảo đảm giá cả hợp lý, không có những biến động lớn. Bộ Công Thương cũng phối hợp với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và những địa phương khác để có được nguồn cung hàng hóa rẻ hơn so với thị trường 5 - 10%.

https://cand.com.vn/Kinh-te/hang-hoa-tet-doi-dao-nhieu-khuyen-mai-i716566/

Ngày đăng: 16:01 | 11/12/2023

PV / CAND