Hàng chục hộ dân tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) có nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, đất canh tác nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió đang ngóng chờ từng ngày được bồi thường, hỗ trợ để yên tâm sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, hàng chục hộ dân xã Ia Le, huyện Chư Pưh liên tục có đơn kiến nghị gửi các cơ quan cấp huyện, tỉnh và cả trung ương phản ánh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 (chủ đầu tư Nhà máy điện gió Ia Le 1) thi công trụ điện gió không đảm bảo an toàn về khoảng cách tới khu dân cư 300m; chưa giải quyết xong việc bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân có đất nằm trong hành lang an toàn công trình điện gió.
Mới đây, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cũng đã có phiếu chuyển đơn của các hộ dân đến UBND tỉnh Gia Lai để giải quyết theo thẩm quyền.
Chị Trần Thị Hồng (SN 1977, trú thôn Phú Bình, xã Ia Le) cho biết, nhà tôi có gần 3 ha nhà ở, chuồng dê, chuồng bò và đất sản xuất bị ảnh hưởng bởi trụ điện gió. Qua đo đếm, khoảng cách từ chân trụ điện gió đến nhà ở của gia đình tôi là 65m.
Vào mùa mưa, nước theo cánh quạt dội thẳng vào nhà khiến cho căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó, gia đình tôi có 6 người đang sinh sống tại đây, nếu có ảnh hưởng tính mạng thì ai chịu trách nhiệm, mùa mưa thì sắp đến rồi.“Họ dự kiến hỗ trợ hơn 150 triệu nhưng với số tiền này là quá ít để gia đình tôi di dời đi nơi khác sinh sống, đảm bảo sản xuất”, chị Hồng nói.
Tương tự, chị Phạm Thị Hòa (SN 1979, trú thôn Phú Bình, xã Ia Le) bức xúc: Trụ điện gió cách nhà ở, chuồng nuôi dê và đất canh tác của nhà tôi là 80m, trong đó cánh quạt nằm trong phần đất của gia đình là 70m. Nhà tôi có 3ha đất sản xuất, nhà ở, chuồng trại bị ảnh hưởng nhưng tôi chưa nhận bất cứ khoảng bồi thường, hỗ trợ nào từ nhà máy điện gió. Tôi được biết công ty dự kiến hỗ trợ cho gia đình tôi hơn 100 triệu đồng để di dời đi nơi khác nhưng số tiền này là quá ít, không đủ dựng nhà, mua đất khác để canh tác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nhà máy điện gió Ia Le 1 có công suất thiết kế 100 MW gồm 28 trụ điện gió, trạm nâng áp, đường giao thông nội bộ, khu nhà quản lý…Đến nay, nhà máy đã có 14 trụ điện gió quay, phát điện.
Qua thống kê cuối năm 2022, chính quyền địa phương xác định có 37 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nhà máy điện gió (nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió). Kết quả rà soát mới đây, cơ quan chức năng xác định có thêm 9 hộ dân bị ảnh hưởng và đang tiếp tục rà soát để có phương án bồi thường, hỗ trợ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Việt - Chủ tịch UBND xã Ia Le thông tin: Địa bàn xã có 1 dự án điện gió là Nhà máy điện gió Ia Le 1. Khu vực các hộ dân đang bị ảnh hưởng bởi nhà máy điện gió trước đây là nhà phụ của người dân. Khi cây hồ tiêu chết hàng loạt, nhiều người lâm cảnh nợ nần, nhà cửa bị kê biên nên phải vào khu sản xuất sinh sống.
Cũng theo ông Việt, địa phương đã có nhiều giải pháp tuyên truyền để tránh việc người dân bức xúc, dẫn đến gây ra điểm nóng ANTT tại địa phương. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng là công ty cần có hướng thỏa thuận phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tứ - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh thông tin thêm: Chủ đầu tư nhà máy điện gió cam kết sẵn sàng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vướng mắc hiện tại là bộ ngành trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể mức giá bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản trên đất nằm trong hành lang an toàn cột tháp gió, hạn chế sử dụng đất như thế nào thì được hỗ trợ… Do đó, chủ đầu tư chưa có cơ sở để thỏa thuận với người dân.
“Đề nghị các hộ dân bình tĩnh, tránh gây mất ANTT tại địa phương. Sau khi có hướng dẫn hỗ trợ thiệt hại từ cấp trên, địa phương sẽ tích cực phối hợp với công ty thực hiện bồi thường, hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân”, ông Tứ nói thêm.
Liên quan đến vấn đề này, giữa tháng 4/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân xã Ia Le về các nội dung khiếu nại, kiến nghị dự án điện gió trên địa bàn.
Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cam kết sẽ làm hết trách nhiệm với các hộ dân. Đồng thời, trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan thẩm quyền trung ương, đề nghị các hộ dân hạn chế đi lại lên tỉnh nhằm đảm bảo an toàn, không gây ảnh hưởng đến công việc và gây mất ANTT trên địa bàn tỉnh.
Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá công ty đề xuất hỗ trợ 10% là chưa thỏa đáng. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Công ty phối hợp với chính quyền địa phương xem xét, đánh giá, tính toán nâng mức hỗ trợ vật kiến trúc và tài sản trên đất của một số hộ dân sinh sống trong phạm vi hành lang an toàn trụ tháp gió; hỗ trợ di dời đến nơi ở khác trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, công ty cần sớm triển khai xây dựng hệ thống tiêu âm xung quanh các trụ điện gió nhằm hạn chế tiếng ồn, giảm thiểu tác động đến đời sống, sức khỏe và sinh hoạt của các hộ dân.
Ngày đăng: 14:15 | 22/05/2023
Chí Hào / cand.com.vn