Việc Heineken tài trợ thực hiện chương trình “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” đã nhận nhiều ý kiến khác nhau của dư luận.
Ngày 12/5, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh Heineken là nhà tài trợ cho chương trình "Đã uống rượu, bia thì không lái xe". Việc này khiến cho dư luận hoài nghi liệu hãng bia này có phải là nhà tài trợ cho một chương trình trùng tên gọi được tổ chức cùng ngày hay không.
Dư luận cũng dấy lên những tranh cãi gay gắt về việc tài trợ này.
Theo tìm hiểu của PV, chương trình mà Heineken tài trợ đã kéo dài nhiều năm, tuy trúng về khẩu hiệu nhưng hiệu quả hầu như chưa có.
Thậm chí chúng ta đã và đang phải chứng kiến ngày càng nhiều hơn những chiếc xe do người say xỉn phóng điên cuồng trên đường, gây nên những cái chết đau thương, biết bao gia đình trở nên bất hạnh.
Heineken là nhà tài trợ cho chương trình "Đã uống rượu bia thì không lái xe"
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường, với tỷ lệ 26,1/100.000 người. Và năm 2018 có hơn 8.200 người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam cũng là thị trường tiêu thụ rượu, bia tiềm năng cho những doanh nghiệp sản xuất nước có cồn. Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Đây là con số quá khủng khiếp.
Rượu bia và tai nạn giao thông vốn có liên quan mật thiết với nhau. Những nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông phần lớn là những người sử dụng rượu, bia.
Rõ ràng, bất cứ ai cũng thấy rằng để ngăn chặn và đẩy lùi những nỗi bất hạnh mà tai nạn giao thông gây nên, đặc biệt là những tai nạn do lái xe sau khi uống rượu, bia, mỗi người dân đã uống rượu, bia thì không nên lái xe.
Chính vì vậy, không ai phủ nhận chương trình "Đã uống rượu, bia thì không lái xe" là sự kiện đầy tính nhân văn và có ích cho xã hội, nhưng tại sao lại là một hãng bia đi tài trợ cho chương trình về an toàn giao thông mà không phải là một nhãn hàng nào khác?
Việc một hãng bia như Heineken tài trợ cho chương trình "Đã uống rượu, bia thì không lái xe" không sai. Nhưng tai nạn giao thông và rượu, bia là mối quan hệ nhân - quả và ai cũng hiểu rằng chúng ta cần có trách nhiệm hơn khi sử dụng chất có cồn, thậm chí là tiến đến hạn chế nó.
Một nhãn hàng khi tài trợ cho một sự kiện chỉ mong bán được nhiều sản phẩm, đưa thương hiệu của mình đến gần hơn với người tiêu dùng. Thế nên khi một hãng bia tài trợ cho một chương trình, mục đích chính cũng chỉ mong bán được nhiều bia hơn, sản phẩm đến gần hơn với những người trực tiếp tham gia và quan tâm đến chương trình đó.
Một doanh nghiệp tham gia tài trợ cho những chương trình công ích, có lợi cho cộng đồng là việc làm tốt, nhưng việc một hãng bia tài trợ sự kiện này thì có hợp lý?
Cũng tai hại như rượu, bia, nhưng thuốc lá đã không có nhiều cơ hội đến gần với người tiêu dùng bằng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được quy định rõ ràng. Theo đó, thuốc lá bị cấm quảng cáo, hoạt động tài trợ, khuyến mại và tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.
Ai cũng biết rượu, bia chính là nỗi bất hạnh của mọi gia đình, thứ nước có cồn này không chỉ gắn với giao thông theo một nghĩa đen, không tích cực mà còn là nguyên nhân của hàng loạt vụ án mạng thương tâm.
Một quốc gia mà quán nhậu nhiều hơn trường học, bệnh viện thì chắc chắn quốc gia đó sẽ thụt lùi, nhếch nhác và bê tha. Chính vì vậy hạn chế tiến tới loại bỏ rượu, bia chính là cứu cánh cho sự tồn vong của một thế hệ người Việt văn minh, một xã hội an toàn và nhân văn.
Chính các cơ quan chức năng nên là đơn vị đi đầu trong việc hạn chế rượu, bia, chất có cồn bằng hành động chứ không phải là khẩu hiệu.
Không phải chỉ kêu gọi xuống đường nữa, mà quan trọng hơn là các cơ quan có trách nhiệm nên thực hiện các biện pháp hành chính mạnh tay vào những doanh nghiệp đang làm giàu trên chính sức khỏe, trí tuệ người Việt.
Forbes: Tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới
Trong 7 năm (2010 - 2017), tốc độ tăng tiêu thụ rượu tại Việt Nam lên tới 90%. |
Người Việt tốn tiền uống bia rượu nhiều gấp 3 lần chi phí chữa ung thư
Tổng chi phí điều trị 6 loại ung thư phổ biến ở Việt Nam gần 26.000 tỷ đồng, trong khi thiệt hại kinh tế do ... |
‘Cấm quảng cáo bia rượu, dân có còn được xem bóng đá nữa không?’
Nhiều chính sách được đề xuất trong dự thảo luật Phòng chống tác hại rượu biakhông nhận được sự đồng tình của các thành viên Ủy ... |
Ngày đăng: 09:41 | 14/05/2019
/ https://vtc.vn