“Chuồng cọp” đang bọc kín hàng vạn ngôi nhà dù chủ nhân biết rõ nó sẽ chặn đường thoát khi có cháy; người ta sợ mất của hơn cả sợ mất mạng do bị giam trong hỏa hoạn.
Sau vụ cháy thảm khốc lấy đi tính mạng của 56 người tại chung cư mini Khương Hạ đêm 12/9, một số người dân ở Hà Nội bắt đầu cưa chuồng cọp để mở lối thoát cho ngôi nhà ống, căn hộ tập thể hoặc khu nhà cho thuê của mình.
Ở quy mô địa phương, cách đây mấy ngày, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cũng giao Sở Xây dựng đôn đốc, giám sát các quận, huyện xử lý trật tự xây dựng, an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu đô thị, khu chung cư và nhà ở riêng lẻ, trong đó có việc tháo dỡ chuồng cọp, buồng lồi.
Vậy là nỗi sợ hãi cần phải có trước cái chết đã được đánh thức sau khi rất nhiều sinh mệnh trả giá đắt cho sự coi thường an toàn PCCC tại các công trình nhà ở. Ham sống sợ chết là bản năng gốc của con người, giúp loài người không bị diệt vong. Nhưng kỳ lạ thay, mấy chục năm qua, ở nhiều gia đình, bản năng bảo mạng lại bị lép vế trước nhu cầu bảo toàn của cải.
Sự tồn tại của những chiếc chuồng cọp cho thấy một nghịch lý oái oăm, cười ra nước mắt: Nhiều người không sợ mất mạng bằng sợ mất của!
Những khu nhà tập thể cũ chi chít chuồng cọp thế này là hình ảnh quen thuộc ở Hà Nội nhiều năm qua. (Ảnh: Hải Minh)
Hàng vạn lồng sắt được lắp đặt tại các ngôi nhà với mục đích nới rộng không gian sống và chống trộm. Những thanh sắt to, kiên cố bít đường thoát hiểm của con người, có thể khiến họ bị mắc kẹt trong cái bẫy do chính mình giăng ra.
Khi có đám cháy, họ bị nhốt chặt trong lồng, người bên ngoài dù sớm phát hiện và gắng hết sức nhưng có lúc cũng bất lực vì bỏ lỡ khoảng thời gian quý giá nhất để cứu nạn nhân.
Trong nhiều đám cháy ở đô thị, lực lượng cứu hộ đã thao tác rất nhanh để phá chuồng cọp, nhưng đôi khi lửa và khói còn nhanh hơn họ.
Như trong vụ cháy ngôi nhà 4 tầng ở quận Hà Đông (Hà Nội) hồi tháng 5, cảnh sát PCCC khó tiếp cận vì khung sắt bịt kín mặt tiền tầng 2 và tầng 3. Họ mất khá nhiều thời gian cắt sắt và khi vào được phía trong thì người phụ nữ 67 tuổi cùng 3 cháu nhỏ đã chết.
Sau vụ cháy khiến 5 người thiệt mạng, 2 người bị thương xảy ra ngày 21/4 tại nhà B9 Kim Liên (phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội), nhiều người rùng mình khi nhận ra khu tập thể này chi chít “chuồng cọp”, hầu như nhà nào cũng có.
Hồi chuông báo động về mối nguy hiểm của “thiết kế tử thần” này lại được báo chí gióng lên, và rồi cũng như mọi khi, lời cảnh báo lại như viên sỏi rơi tõm xuống ao bèo.
Những lồng sắt xấu xí vẫn ngạo nghễ hiện diện khắp Hà Nội và ở nhiều địa phương khác. Các ông bà chủ dường như không hề đặt lên bàn cân để so sánh giá trị mạng sống của cả gia đình với những chiếc máy tính, lò nướng, tivi hay chút tiền bạc được khung sắt kia bảo vệ.
Thảm kịch Khương Hạ khiến bao người thức tỉnh, nhận ra sự quý giá vô ngần và cũng mong manh vô cùng của sự sống. Nhưng chỉ một số người dân cưa chuồng cọp thì không đủ. Ngay lúc này, cơ quan quản lý cần phát động một chiến dịch phá chuồng cọp ở khắp Thủ đô. Cần đưa ra một hạn định, trong khoảng thời gian bao lâu, những khung sắt giết người này phải hoàn toàn vắng bóng ở Hà Nội.
Không chỉ là vận động, chuyện xóa chuồng cọp phải là lệnh, cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt và ngay lập tức. Không gì khẩn cấp bằng cứu hỏa. Các đám cháy vẫn liên tiếp xảy ra sau vụ Khương Hạ, vì thế chúng ta không thể chần chừ thêm một ngày nào nữa.
Hải Phòng đã bắt đầu vào cuộc, Hà Nội và nhiều địa phương khác cũng nên xắn tay vào xóa sổ chuồng cọp ngay hôm nay.
https://vtc.vn/han-them-chuong-cop-so-bi-trom-hon-so-chet-ar821409.html
Ngày đăng: 08:54 | 21/09/2023
Lê Dũng / VTC News