Cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 22 của Hàn Quốc sẽ diễn ra ngày 10/4 tới đây với rất nhiều những biến số mới có thể làm thay đổi bộ mặt chính trị quốc gia này trong tương lai.
Quốc hội lưỡng đảng
Nền chính trị hiện đại Hàn Quốc được định hình bởi hai đảng chính: đảng Dân chủ đồng hành (DP) và đảng Quyền lực nhân dân (PPP). Đảng Dân chủ là chính đảng đang nắm quyền ở Quốc hội thời điểm hiện tại với 167 ghế. Tuy nhiên, hệ thống chính trị của Hàn Quốc ưu tiên quyền lực cho Tổng thống thông qua một cuộc bầu cử riêng biệt, ngay cả Thủ tướng Hàn Quốc cũng do Tổng thống lựa chọn. Vì thế dù đang nắm đa số tại Quốc hội nhưng DP chỉ là đảng đối lập. Trong khi đó đảng cầm quyền thực sự là đảng PPP của đương kim Tổng thống Yoon Suk-yeol. Đây là hệ thống lưỡng đảng đặc trưng của những nhà nước có Tổng thống giữ vai trò mạnh mẽ. Nhưng Quốc hội cũng có vai trò của riêng mình.
Ngoài quyền thông qua các luật, pháp lệnh hay ngân sách hàng năm thì quyền lực lớn nhất của Quốc hội là giám sát các cơ quan nhà nước bao gồm cả Tổng thống. Trong quá khứ, Hàn Quốc nổi tiếng với những vị Tổng thống độc tài xuất thân từ giới quân sự như Park Chung-hee, Chun Doo Hwan hay Roh Tae-woo cầm quyền trong một thời gian dài lấn át vai trò của Quốc hội. Tuy nhiên kể từ khi những nhà lãnh đạo dân sự như Kim Dae-jung lên lãnh đạo Hàn Quốc vào năm 1998, nền dân chủ đã được phục hồi mạnh mẽ và Quốc hội Hàn Quốc lấy lại tiếng nói của mình. Nhiều vị Tổng thống Hàn Quốc kể cả khi đang cầm quyền hay đã nghỉ hưu đều đã bị Quốc Hội luận tội, bỏ tù thậm chí là phế truất như bà Park Geun-hye vào năm 2017.
Nền kinh tế Hàn Quốc sau giai đoạn dài phát triển cũng đang lộ ra những vấn đề nghiêm trọng như khoảng cách giàu nghèo tạo ra phân cực trong xã hội ngày càng lớn. Sự bất mãn của cử tri do những bê bối chính trị của hai chính đảng lớn gần đây đang tạo cơ hội cho các đảng chính trị nhỏ hơn trong cuộc bầu cử quốc hội, nơi mà những lá phiếu được chia đều theo từng khu vực bầu cử và người dân cũng ngày càng quan tâm đến việc bày tỏ tiếng nói của mình thông qua các đại diện trong Quốc hội.
Những cuộc đấu đá nội bộ cũng thúc đẩy phong trào ly khai từ hai đảng lớn. Chính vì vậy dù đang nắm tới 270 ghế trong Quốc hội gồm 300 ghế, nhưng hai chính đảng lớn nhất Hàn Quốc vẫn bước vào kỳ bầu cử mới ngày 10/4 tới đây đầy lo lắng. Bởi một cơ quan lập pháp đa đảng có thể làm thay đổi chương trình nghị sự trong nước và quốc tế của đất nước.
Tình thế bế tắc
Cuộc cạnh tranh quyền lực tại Hàn Quốc bắt đầu bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2016 khi đảng đối lập PPP thành công trong việc tiến hành luận tội đương kim Tổng thống khi đó là bà Park Geun-hye nhờ cuộc điều tra của một công tố viên là Yoon Suk-yeol. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc kết án cựu Tổng thống Park Geun-hye với các tội danh lạm dụng quyền lực, hối lộ và tham ô, ông Yoon còn đứng đầu cuộc điều tra một cựu tổng thống khác là ông Lee Myung-bak của đảng Đại dân tộc vì trốn thuế, tham nhũng và hối lộ cùng nhiều quan chức khác.
Những cuộc điều tra này đã làm mất uy tín của đảng Đại dân tộc khiến cho đảng này phải đổi tên vào năm 2017 để trở thành đảng DP cũng như đánh mất quyền lực để trở thành đảng đối lập chính như hiện nay. Ông Yoon sau đó đã gia nhập đảng PPP và trở thành Tổng thống thứ 13 của Hàn Quốc vào năm 2022. Tuy nhiên, đây lại là khởi đầu cho một cuộc đấu tranh chính trị mới ngay tại Quốc hội Hàn Quốc.
Kể từ khi ông Yoon Suk-yeol được bầu làm tổng thống vào năm 2022, chương trình nghị sự lập pháp của ông liên tục vấp phải sự phản đối của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Kế hoạch cải cách hệ thống giáo dục, lương hưu và lao động của đất nước đã bị đình trệ. Tổng thống Yoon cũng phủ quyết nhiều dự luật đã được Quốc hội thông qua, chẳng hạn như dự luật lao động, luật về điều dưỡng hay luật quản lý ngũ cốc trong khi lại đưa ra đề xuất tăng cường quyền quản lý các cơ quan phát thanh truyền hình vào tay chính phủ gây nhiều phẫn nộ trong công chúng.
Về chính sách đối ngoại, đảng Dân chủ đối lập đã chỉ trích việc chính phủ theo đuổi mối quan hệ ngày càng thân thiết với Nhật Bản bất chấp những căng thẳng trong quá khứ. Cụ thể, phe đối lập chỉ trích thỏa thuận về bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến tranh ở Hàn Quốc do chính Tổng thống Yoon đề xuất cũng như chỉ trích mạnh mẽ chính phủ vì đã chấp nhận việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.
Đỉnh cao của cuộc đối đầu giữa là tháng 9/2023, Quốc hội đã thông qua kiến nghị bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Han Duck-soo, mặc dù sau đó Tổng thống Yoon từ chối cách chức thủ tướng của mình. Những cuộc đối đầu qua lại này khiến cho nền chính trị Hàn Quốc trở nên hỗn loạn. Thay vì cùng hành động đưa kinh tế thoát khỏi giai đoạn khó khăn thì chính trường lại biến thành “chiến trường” giữa hai đảng.
Tình trạng này khiến Tổng thống Yoon lẫn phe đối lập đều phải đối mặt với sự phản đối của công chúng. Theo những cuộc khảo sát mới nhất được thực hiện tháng 2/2024 thì tỷ lệ người dân ủng hộ Tổng thống Yoon đã ở dưới 40% và đa số cử tri bày tỏ quan điểm buộc chính phủ của ông phải chịu trách nhiệm trong cuộc bầu cử sắp tới bằng cách ủng hộ các đảng đối lập. Tuy nhiên, đảng đối lập chính là DP cũng không tận dụng được sự xuống dốc của PPP khi phải nhận sự phản đối tương tự của công chúng đối với lãnh đạo đảng, Nghị sĩ Lee Jae-myung, người phải chịu cuộc điều tra về tội hối lộ từ tháng 9/2023. Cuộc điều tra này cũng được tiến hành theo yêu cầu của chính Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Chia rẽ và thay đổi
Sự trì trệ của nền chính trị Hàn Quốc cũng như sức ảnh hưởng lớn hơn của Quốc hội trong thời gian qua bất ngờ đem đến một làn gió mới trong chính trị Hàn Quốc. Các cuộc thăm dò từ đầu năm 2024 đều cho thấy dân chúng Hàn Quốc quan tâm tới cuộc bầu cử Quốc hội lần này hơn hẳn những cuộc bầu cử trước đây. Theo giáo sư Kim Hyeong-jun thuộc Đại học Paichai: “Sự phân cực rõ ràng hơn giữa hai trường phái cấp tiến và bảo thủ đã thúc đẩy xu hướng cử tri tích cực đi bỏ phiếu hơn”.
Ủy ban Bầu cử quốc gia Hàn Quốc (NEC) thống kê các cuộc bầu sớm với cử tri ở nước ngoài và những đối tượng cử tri đặc biệt cho đến ngày 6/4/2024 cho thấy mức tăng cử tri đi bỏ phiếu từ 3-15% so với hai cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất. Những con số cho thấy sự quan tâm của cử chi tới cuộc bầu cử đồng thời cũng có nghĩa là nhiều tiếng nói mới sẽ được cất lên. Một cuộc thăm dò năm 2022 cho thấy niềm tin vào quốc hội hiện nay chỉ ở mức cực thấp (24%) .
Việc hai chính đảng lớn đánh mất uy tín trong mắt người dân đã thúc đẩy một làn sóng ly khai mới trong chính giới Hàn Quốc. Vào tháng 1/2024, Nghị sĩ Lee Jun-seok, cựu chủ tịch PPP, thành lập đảng Cải cách mới với các thành viên phản đối sự lãnh đạo của Tổng thống Yoon Suk-yeol. Cùng thời gian đó, ông Lee Nak-yon, cựu thủ tướng dưới thời chính phủ Dân chủ trước đây của Tổng thống Moon Jae-in, đã thành lập đảng Tương lai mới cũng vì bất đồng với đường lối của lãnh đạo Lee Jae-myung. Những đảng mới này mang theo sự ủng hộ của không ít đảng viên cựu trào tạo ra thách thức không nhỏ trong cuộc bầu cử 10/4 tới đây.
Trong cuộc bầu cử năm 2000, dù chỉ có 10% ghế trong Quốc hội thuộc về các đảng nhỏ nhưng cũng tạo nên một làn sóng mạnh mẽ từ bên trong. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy hai đảng PPP và DP đang dành được sự ủng hộ sít sao với tỷ lệ phiếu bầu lần lượt là 37,7% và 36,9%. Điều này có nghĩa là có khả năng họ sẽ đánh mất 20-30% số ghế trong cuộc bầu cử tới.
Với cơ chế hoạt động cần đa số phiếu thì việc mất đi số lượng ghế lớn như vậy có thể sẽ dẫn đến tình trạng một "quốc hội treo", do không đảng chính nào có thể chiếm đa số. Điều này sẽ dẫn đến những cuộc thảo luận chính trị chưa từng có tiền lệ tại Hàn Quốc khi các đảng phái phải tìm kiếm thỏa hiệp với nhau trong những liên minh lợi ích. Đây chính là bài toán khó cho bất cứ nhà lãnh đạo chính trị nào của Hàn Quốc trong thời gian tới, một thời kỳ mới đầy thách thức.
Ngày đăng: 18:23 | 10/04/2024
Tử Uyên / CAND