Hàn Quốc đầu tư hàng tỷ USD với tham vọng trở thành công xưởng vaccine của thế giới và biến sản xuất vaccine trở thành động lực mới của nền kinh tế.
Tuần trước, Seoul tuyên bố sẽ đầu tư 1,9 tỷ USD vào lĩnh vực này, nhằm bắt kịp các nhà sản xuất vaccine lớn bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, EU và Mỹ trong 5 năm tới.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 5/8, Tổng thống Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc đã lên kế hoạch giúp thu hẹp khoảng cách thiếu hụt nguồn cung vốn là nguyên nhân khiến các nước nghèo chật vật trong nỗ lực tiếp cận vaccine.
“Nếu không có đủ nguồn cung vaccine cho tất cả các quốc gia, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong bối cảnh liên tục xuất hiện các biến thể mới. Hàn Quốc sẽ đi đầu trong việc giải quyết vấn đề này bằng cách trở thành trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu", ông Moon nhấn mạnh.
Khoảng 200 nhà khoa học y tế, 10.000 chuyên gia thử nghiệm lâm sàng và 2.000 nhân viên sản xuất sinh học sẽ được "nuôi dưỡng" hàng năm như một phần của chính sách.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới thăm công ty phát triển vaccine của Hàn Quốc SK Bioscience. (Ảnh: EPA-EFE) |
Xứ kim chi đang hy vọng sẽ ra mắt loại vaccine do Hàn Quốc sản xuất vào nửa đầu năm 2022.
“Việc có trong tay loại vaccine do riêng Hàn Quốc sản xuất cũng là điều quan trọng để chúng tôi đảm bảo bản quyền vaccine. Chính phủ sẽ hỗ trợ cả về mặt tài chính và quy định để đẩy nhanh việc tung ra loại vaccine đầu tiên của Hàn Quốc”, ông Moon cho hay.
Yoon Sung-suk, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Chonnam cho rằng, điều quan trọng với Hàn Quốc hiện tại là phải trang bị cho mình khả năng phát triển và sản xuất vaccine để đối phó với dịch bệnh hiện tại.
“Chúng tôi không biết sẽ có thêm đại dịch nào xảy ra trên thế giới trong thời gian tới và việc phát triển ngành công nghiệp vaccine của riêng mình giữ nền kinh tế sống sót trong tương lai càng trở nên quan trọng hơn đối với Hàn Quốc", Yoon nói.
Theo vị giáo sư Hàn Quốc, thành công trong nỗ lực này sẽ nâng cao tầm quan trọng của Hàn Quốc với tư cách là nhà cung cấp toàn cầu cho một sản phẩm chiến lược khác, bên cạnh chất bán dẫn và pin trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.
Cả Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách nâng cao hình ảnh của mình bằng cách xuất khẩu nguồn cung cho các đồng minh của minh và các quốc gia đang phát triển.
Theo Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol, số tiền 1,9 tỷ USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ phát triển vaccine nội, bao gồm cả việc đảm bảo công nghệ gốc cho các sản phẩm mRNA. Hàn Quốc cũng đang tính tới việc giảm thuế và đưa ra các ưu đãi khác để giúp các công ty nội có thể cung cấp nguyên liệu, thiết bị sản xuất vaccine.
Cùng với việc đẩy mạnh, tập trung vào sản phẩm vaccine nội, Seoul tìm cách hợp tác quốc tế bằng việc tạo dựng quan hệ đối tác vaccine với Anh, Đức và các quốc gia khác, đồng thời thu hút vốn đầu tư và các công ty nước ngoài.
Mỹ-Hàn hồi tháng 5 cũng nhất trí thiết lập mối quan hệ đối tác vaccine toàn diện toàn cầu, kết hợp giữa công nghệ tiên tiến của Washington và năng lực sản xuất của Seoul.
Nhiều chuyên gia Hàn Quốc, trong đó có Giáo sư danh dự Lee Hoanjong tại Bệnh viện Nhi đồng Đại học Quốc gia Seoul hoan nghênh kế hoạch tham vọng của Trung Quốc.
“Sẽ là một ý tưởng hay nếu kết hợp cơ sở hạ tầng sản xuất vaccine của Hàn Quốc với khả năng nghiên cứu và phát triển của Mỹ và các nước châu Âu", ông Lee nói.
Lee tin rằng tham vọng biến sản xuất vaccine trở thành động lực tăng trưởng cho Hàn Quốc là khả thi vì nước này là nhà sản xuất y sinh lớn thứ 2 thế giới và là quê hương của các nhà sản xuất thuốc toàn cầu như Samsung Biologics và SK Bioscience.
Nhân viên y tế cầm ống tiêm chứa vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Hàn Quốc. (Ảnh: YNA) |
Nhưng cũng có những quan điểm, như của Kim Woo-joo - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Guro Đại học Y Hàn Quốc, cho rằng kế hoạch cạnh tranh với các nhà phát triển vaccine lớn của Hàn Quốc là quá tham vọng.
“Hàn Quốc có thể đóng vai trò là cơ sở sản xuất cho các nhà phát triển nhưng khó có thể cạnh tranh với các công ty Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. AstraZeneca, Moderna và Pfizer có thể sản xuất vaccine COVID-19 của riêng họ trong một thời gian ngắn vì họ đã nỗ lực nghiên cứu trong nhiều thập kỷ", Kim phân tích.
Hiện tại, Hàn Quốc đang phụ thuộc vào vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer. Hôm 9/8, Bộ trưởng Y tế nước này phải xin lỗi về tình trạng thiếu hụt vaccine sau khi hãng dược Moderna cho biết có thể giao ít hơn một nửa lô vaccine theo kế hoạch là 8,5 triệu liều trong tháng này do các vấn đề sản xuất.
Khoảng 41% trong số 52 triệu dân Hàn Quốc được tiêm ít nhất 1 liều vacicne COVID-19, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hơn 70% ở các quốc gia giàu có khác như Anh và Singapore. Xứ củ sâm mới chỉ chích ngừa đầy đủ cho 15%. Mục tiêu của Hàn Quốc là nâng con số này lên 70% vào tháng 9.
SONG HY (Nguồn: SCMP)
Triều Tiên cảnh báo Hàn Quốc về "khủng hoảng an ninh" |
Hàn Quốc ân xá cho "Thái tử Samsung" Lee Jae-yong |
Phớt lờ cảnh báo từ Triều Tiên, Hàn Quốc - Mỹ tập trận quân sự chung |
Ngày đăng: 10:30 | 11/08/2021
/ vtc.vn