Từ tháng 5, Vùng Vịnh liên tục chứng kiến những vụ bắt tàu dầu, phá hoại tàu và bắn hạ máy bay không người lái do căng thẳng liên quan đến Mỹ và Iran. 

hai thang vung vinh suc soi vi cang thang my iran

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh: CNN.

Kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979, Tehran bước vào thời kỳ thù địch kéo dài với Washington. Tuy nhiên, quan hệ song phương trở nên tan băng dưới thời tổng thống Mỹ Barack Obama, khi hai quốc gia và các cường quốc thế giới ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ((JCPOA), theo đó Iran kiềm chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng trừng phạt.

Nhưng mọi việc lại chuyển biến theo chiều hướng xấu kể từ khi Trump lên nắm quyền tổng thống Mỹ. Trump ngày 8/5/2018 rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với đánh giá rằng đây là "thỏa thuận tệ nhất mọi thời đại" và tiến hành chiến dịch gây áp lực tối đa, tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran.

Căng thẳng leo thang tại Vùng Vịnh từ đầu tháng 5, khi Mỹ triển khai thêm quân và khí tài tới Trung Đông, cáo buộc Iran có kế hoạch tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ.

4 tàu chở dầu ngày 12/5 bị hư hại trong các cuộc phá hoại bí ẩn ở ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Washington và Riyadh đổ lỗi cho Iran trong khi Tehran bác bỏ cáo buộc.

Ngày 13/6, hai tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Oman. Trump và Arab Saudi tiếp tục cáo buộc Iran đứng sau vụ phá hoại. Tehran phủ nhận có liên quan và bày tỏ nghi ngờ Mỹ gây ra vụ tấn công để đổ lỗi cho họ nhằm gia tăng áp lực.

Một tuần sau, Iran bắn hạ máy bay không người lái trị giá 200 triệu USD của Mỹ, cáo buộc nó xâm phạm không phận Iran gần eo biển Hormuz. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nói rằng máy bay này hoạt động ở vùng trời quốc tế.

Trump ngày 20/6 ra lệnh không kích vào ba địa điểm quân sự của Iran để trả đũa nhưng hủy chiến dịch vào phút chót. Trump giải thích rằng khi được các tướng thông báo 150 người Iran có thể bị giết, ông cảm thấy "không đáng" khi gây ra thương vong lớn như vậy vì một sự cố không có thiệt hại về người. Ông cảnh báo Iran sẽ bị xóa sổ nếu xung đột với Mỹ nhưng nhấn mạnh rằng ông không muốn chiến tranh.

Căng thẳng tiếp tục sục sôi vào tháng này khi thủy quân lục chiến Anh hôm 4/7 bắt tàu dầu MT Grace 1 chở hàng cho Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ hải ngoại Gibraltar. Anh cáo buộc Grace 1 chuyển dầu thô tới nhà máy lọc dầu tại Syria, quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Iran bác cáo buộc này, khẳng định đích đến của tàu là cảng Basra tại Iraq. Tehran coi vụ bắt tàu là hành động "không khác gì cướp biển" và đe dọa sẽ trả đũa bằng cách bắt tàu dầu Anh.

Iran ngày 7/7 thông báo họ bắt đầu vượt qua giới hạn làm giàu uranium 3,67% được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. (3,67% là mức vừa đủ để sản xuất năng lượng và thấp hơn nhiều so với mức hơn 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân). Các cường châu Âu chỉ trích động thái của Iran là vi phạm quy định, kêu gọi nước này giữ đúng cam kết.

Ngày 14/7, Iran bắt tàu dầu Riah treo cờ Panama ở eo biển Hormuz với cáo buộc buôn lậu dầu. 4 ngày sau, Mỹ cho biết một máy bay không người lái Iran tiếp cận tàu đổ bộ USS Boxer ở phạm vi nguy hiểm và tàu chiến Mỹ đã bắn hạ nó để tự vệ. Tuy nhiên, Iran bác thông tin này, nói rằng họ không mất máy bay không người lái nào.

hai thang vung vinh suc soi vi cang thang my iran

Vị trí eo biển Hormuz. Đồ họa: NYTimes.

Iran ngày 19/7 bắt tàu dầu Stena Impero mang cờ Anh, do Thụy Điển vận hành ở eo biển Hormuz với cáo buộc không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết họ sẽ giải quyết vấn đề một cách thận trọng nhưng mạnh mẽ, nhấn mạnh Anh "không cân nhắc các lựa chọn quân sự mà xem xét biện pháp ngoại giao". Tuy nhiên, ông Hunt cảnh báo "sẽ có hậu quả nghiêm trọng" nếu tình hình không được xử lý nhanh chóng.

Giới phân tích đánh giá nguyên nhân Iran có một loạt hành động cứng rắn là chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Mỹ đang bóp nghẹt kinh tế nước này. Nguồn thu dầu mỏ của Iran giảm, giao dịch thương mại của họ bị kìm hãm vì chính quyền Trump đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt với bất kỳ thực thể nào làm ăn với Tehran.

Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào năm ngoái, Tehran đã hy vọng các cường quốc châu Âu có thể giúp họ thoát khỏi sức ép kinh tế từ lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy nhiên, EU đã không xây dựng được cơ chế thương mại đặc biệt với Iran, khiến Iran cho rằng châu Âu làm quá ít để cứu vãn hiệp ước.

Vì vậy, Iran gần đây tiến hành các động thái cứng rắn nhằm thể hiện họ đã hết kiên nhẫn. Họ muốn đẩy căng thẳng trong khu vực lên cao, khiến các nước khác lo lắng và phải can thiệp để kiềm chế Mỹ. Mục tiêu của Tehran là buộc Washington chấm dứt chiến dịch gây áp lực tối đa và trở lại với thỏa thuận hạt nhân.

Dù vậy, những diễn biến gần đây làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến ở Vùng Vịnh. Benjamin H. Friedman, giám đốc chính sách của tổ chức Defense Priority, cảnh báo rằng dù Iran và Mỹ đều nói rằng họ không muốn chiến tranh, "tính toán sai lầm có thể xảy ra và nhanh chóng biến thành một cuộc chiến lớn".

Nguy cơ đụng độ giữa hai bên càng lớn hơn nữa khi Mỹ muốn thành lập một liên minh gồm tàu chiến của nhiều quốc gia để hộ tống tàu dầu, tàu hàng đi qua eo biển Hormuz. Sự gia tăng hiện diện của tàu chiến nước ngoài ở eo biển này sẽ bị các tướng Iran coi là động thái khiêu khích từ phương Tây.

Tuy nhiên, Mỹ và Iran đều để ngỏ khả năng đối thoại. Trump nói rằng chiến dịch gây áp lực tối đa có thể dẫn đến các cuộc đàm phán và nhấn mạnh tất cả những gì Mỹ muốn là "một thỏa thuận công bằng".

Một số quan chức và cựu quan chức "diều hâu" trong chính quyền Iran đã có sự thay đổi giọng điệu khi nêu khả năng giới lãnh đạo Iran đối thoại trực tiếp với Trump. Nổi bật trong số đó là cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, người thường có nhiều phát biểu gay gắt chống phương Tây.

"Trump là một người đàn ông của hành động. Ông ấy là một doanh nhân và do đó có khả năng tính toán lợi - hại và ra quyết định", Ahmadinejad nói.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người từng nhiều lần khẳng định không thể có cuộc đàm phán nào với Mỹ trừ khi họ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân, hôm 18/7 nói rằng ông sẵn sàng gặp các thượng nghị sĩ Mỹ để thảo luận về lối thoát cho khủng hoảng.

"Đối thoại trực tiếp với Trump là ý tưởng ngày càng được ủng hộ ở Iran", Ali Vaez, giám đốc dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết. "Không phải vì họ cho rằng có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn JCPOA, mà họ nghĩ rằng việc đó sẽ giúp giảm sức ép họ đang gánh chịu".

Phương Vũ (Theo AFP/NYTimes)

hai thang vung vinh suc soi vi cang thang my iran Trên tàu chiến Mỹ ở Vùng Vịnh, một lỗi nhỏ đã đủ châm ngòi chiến tranh

Vụ máy bay không người lái bị bắn hạ gần eo biển Hormuz, dù Mỹ và Iran có những tuyên bố trái ngược, vẫn cho ...

hai thang vung vinh suc soi vi cang thang my iran Anh tiếp tục "đổ thêm dầu" vào chảo lửa Vùng Vịnh

Bộ Quốc phòng Anh hôm 16/7 xác nhận sẽ gửi tàu chiến thứ 3 tới Vùng Vịnh để tăng cường sự hiện diện của Hải ...

Ngày đăng: 17:51 | 20/07/2019

/ https://vnexpress.net