Theo Tổng cục Thống kế, các ngành kinh tế Việt Nam, trong hai tháng đầu năm, có nhiều tín hiệu khả quan so với cùng kỳ.
Mới đây, Tổng cục Thống kê (cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố 6 điểm sáng về kinh tế Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, Tổng cục Thống kê nêu tiến độ gieo cấy lúa đông xuân tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi ổn định; hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan.
Tính đến ngày 15/2, cả nước gieo cấy được 2.693,4 nghìn ha lúa đông xuân; các địa phương phía Bắc đạt 823 nghìn ha, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi trong tháng phát triển ổn định. Tính đến cuối tháng 2/2023, tổng số lợn cả nước tăng 8,6% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số gia cầm tăng 3%; tổng số bò tăng 3,4%.
Hoạt động trồng rừng và khai thác gỗ phát triển tốt. Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 2/2023 ước đạt 10,7 nghìn ha, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.026,8 nghìn m3, tăng 4,2%. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung của cả nước ước đạt 18,8 nghìn ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.982,1 nghìn m3, tăng 3,1%.
Sản lượng thủy sản tháng 2/2023 ước đạt 593,4 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 1.185,5 nghìn tấn, tăng 1,3%; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 665,9 nghìn tấn, tăng 2,8%.
Các ngành kinh tế Việt Nam tăng trưởng so với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 2/2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản xuất đồ uống tăng 52,3%; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 37%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 30,3%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 23,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 21,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 21,2%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 21%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 17,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 17,4%.
Hoạt động thương mại, dịch vụ hai tháng đầu năm 2023 tiếp tục xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%); cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD); vận chuyển hành khách tăng 34,3% và luân chuyển hành khách tăng 69,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 15,7% và luân chuyển hàng hóa tăng 20,3%; khách quốc tế đến nước ta ước đạt 1.804,1 nghìn lượt người, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm trước do các chương trình thu hút khách du lịch quốc tế được đẩy mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,3% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước cho thấy Việt Nam tiếp tục là thị trường tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 8% và tăng 14,6%).
Tính đến ngày 20/02/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới vào Việt Nam đạt 1,76 tỷ USD, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước; có 261 dự án cấp mới, gấp 1,4 lần.
Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 02/2023 tăng 4,31%, thấp hơn CPI tháng Một (tăng 4,89%). Bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông nâng cao ý thức chấp hành của người dân nên đã giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm cả về số vụ và số người bị tai nạn. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong hai tháng đầu năm nay giảm 17,5%; số người chết giảm 11,6%; số người bị thương giảm 7,6% và số người bị thương nhẹ giảm 24,2%.
Ngày đăng: 09:46 | 06/03/2023
/