Chỉ ba chữ “LCS” thôi cũng đã ám ảnh Hải quân Mỹ gần 20 năm nay. Dự án Tàu chiến gần bờ (tên viết tắt tiếng Anh là LCS) được “thai nghén” từ những năm đầu thập niên 2000 với tham vọng “lấp đầy chỗ trống” trong chiến lược tác chiến mới của Mỹ, nhưng chưa đầy 20 năm sau, Lầu Năm Góc đã phải cho “nghỉ hưu” hàng loạt LCS.
Điều gì đã khiến cho một trong những chương trình phát triển vũ khí đắt đỏ nhất của Mỹ đi đến thất bại?
Không hết chuyện
Như đã thành lệ, tàu chiến của Mỹ, Anh, Canada, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc lại tập hợp ngoài khơi quần đảo Hawaii và bang California để tham dự RIMPAC, cuộc tập trận hải quân thường niên lớn nhất thế giới. Từ RIMPAC 2016 được Mỹ chọn để giới thiệu với các đồng minh lớp tàu LCS Freedom của họ. Tàu đầu tiên của lớp Freedom, chiếc USS Freedom, được Lầu Năm Góc hy vọng sẽ đảm nhiệm một loạt các nhiệm vụ gần bờ như tuần tra, rà phá mìn, chống tàu ngầm,...
Vậy nhưng ngay trước ngày RIMPAC khai mạc, thủy thủ trên tàu Freedom vẫn còn đang phải làm việc cật lực để vừa học cách vận hành tàu, vừa sửa chữa các lỗi kỹ thuật. Thuyền trưởng Michael Wohnhass “chạy đôn chạy đáo” tìm mọi cách khiến cho chiếc động cơ tàu chạy nhưng không được. Tàu Freedom có 4 động cơ mà một cái đã hỏng thì kể cả có xuất cảng được cũng không thể tác chiến theo đúng thiết kế.
Nguyên trung úy Renaldo Rodgers từng đóng trên tàu Freedom nhớ lại: “Chúng tôi phải làm việc từ bình minh đến hoàng hôn chỉ để sửa tàu. Cứ sáng dậy là tàu lại gặp vấn đề. Tôi chẳng thể hiểu sao một chiếc tàu bị đội giá gấp đôi giá thiết kế lại hỏng nhiều đến vậy”.
Đây là ý kiến chung của nhiều thủy thủ khác đóng trên những chiếc tàu LCS. Ngay cả Lầu Năm Góc cũng phải thừa nhận vấn đề này. Họ loại bỏ chức năng tìm và diệt tàu ngầm khỏi LCS để tập trung vào việc sửa chữa các lỗi thiết kế của mẫu tàu. Vậy nhưng ngay cả hành động trên cũng không giúp những chiếc tàu LCS trở nên tốt hơn. Hải quân Mỹ cuối cùng cũng chịu cho “nghỉ hưu sớm” hai lớp tàu LCS Independence và Freedom. Cần phải nói là một chiếc tàu LCS được thiết kế để phục vụ ít nhất 25 năm.
“Cha đẻ” của LCS là nguyên đô đốc Vernon Clark. Ông nảy ra ý tưởng về LCS sau khi quan sát thủy thủ hải quân Đan Mạch lắp đại bác lên tàu chiến khi tàu đang ở cảng. Người Đan Mạch chỉ cần 40 phút để lắp xong đại bác, còn nếu là tàu chiến Mỹ thì việc này cần đến vài ngày. Đô đốc Clark bèn mơ tưởng đến một chiếc tàu chiến nhỏ chuyên hoạt động gần bờ và sở hữu hệ thống vũ khí có thể tháo lắp, thay đổi dễ dàng.
Ngay từ lúc đô đốc Clark trình bày ý tưởng của mình, nhiều chuyên gia đóng tàu đã tỏ ra nghi ngờ. Họ cho rằng với khả năng kỹ thuật của Mỹ vào năm 2002, họ không thể nào đóng một chiếc tàu theo ý ông Clark với giá thành phải chăng. Vậy nhưng vị đô đốc vẫn tìm mọi cách để hiện thực ý tưởng. Cuối cùng ông cũng đạt được nguyện vọng. Vào năm 2004, Washington ký kết hợp đồng với hai liên doanh General Dynamics-Austal và Lockheed Martin-Marinette Marine. General sẽ đóng tàu LCS lớp Independence, còn Lockheed đóng lớp Freedom. Cả hai mẫu tàu đều dựa trên “bộ khung” phà cao tốc vốn trước nay chỉ dùng để chuyên chở hành khách.
Sau khi đô đốc Clark nghỉ hưu vào tháng 7/2005, hải quân Mỹ liền thay đổi thiết kế LCS nhằm tăng tính phòng thủ của tàu. Hành động này khiến giá thành tàu nhảy vọt từ 220 triệu USD lên 500 triệu.
Chuyên gia, nguyên sỹ quan hải quân John Pendleton đã dành nhiều năm để nghiên cứu về LCS. Ông cho rằng LCS là dự án phát triển vũ khí phung phí nhất của Mỹ trong lịch sử: “Tôi từng tính toán rằng để sửa chữa và bảo trì những chiếc tàu LCS hoạt động theo đúng công suất thiết kế thì Mỹ sẽ phải tiêu tốn tổng cộng 100 tỷ USD. Lúc này mỗi tàu LCS chỉ hoạt động đúng 30% tiềm năng của nó... Ai cũng biết dự án LCS có vấn đề. Nhưng mà có quá nhiều lợi ích kinh tế và chính trị liên quan đến LCS nên chẳng ai dám công khai phản đối”.
Chỉ trong năm 2016 đã có 5 tàu LCS hỏng hóc đến mức không thể tác chiến. Lấy ví dụ tàu USS Milwaukee. Tàu dự tính được hạ thủy ở hồ Michigan (bang Milwaukee) rồi sẽ đi ra Thái Bình Dương nhận nhiệm vụ. Vậy nhưng tàu vừa mới chạy được 3 tuần thì đã hỏng khung gầm vì lý do phần mềm. Hải quân phải dùng xà lan kéo tàu Milwaukee đến căn cứ ở Norfolk, bang Virginia để sửa chữa.
Một tàu LCS khác là chiếc USS Fort Worth còn hỏng nặng hơn. Vào ngày 5/1/2016, động cơ tàu bất ngờ rò rỉ hàng trăm lít dầu. Thủy thủ phải phun bọt cứu hỏa từ sàn đến trần phòng động cơ để tránh hỏa hoạn, rồi dùng giẻ lau để dọn dẹp. Không ít thủy thủ bị ngất vì hơi xăng hay kiệt sức. Phó thuyền trưởng tàu phàn nàn: “Anh em thủy thủ dọn dẹp không lúc nào nghỉ cả. Chúng tôi đã yêu cầu hải quân phái thêm người, nhưng lần nào họ cũng nói là không có. Trong khi đó cấp trên gây áp lực buộc chúng tôi phải sửa xong tàu trước ngày 12/1 để tàu di chuyển đến Hồng Kông”.
Tàu Fort Worth cập bến Hồng Kông là cách để Mỹ phô trương sức mạnh với Trung Quốc. Cuộc viếng thăm này bị đình lại vì tai nạn trên tàu. Fort Worth phải nằm ở cảng đúng 7 tháng để sửa chữa xong. Vụ việc phản chiếu những vấn đề cố hữu của hai lớp tàu LCS: thiết kế kém, thủy thủ đoàn thiếu người và không có sẵn bộ phận sửa chữa.
Cuộc chiến chính trị
Nguyên Đô đốc hải quân Mỹ Ray Mabus từng nhiệt tình ủng hộ dự án LCS. Ông tin rằng Hải quân Mỹ phải có thêm nhiều tàu LCS nữa để đối mặt với các thách thức mới trên biển. Vị cựu Bộ trưởng ca ngợi LCS trước cử chi: “LCS là cơn ác mộng đối với tàu ngầm lẫn bọn buôn lậu ma túy”.
Ở phía “bên kia chiến tuyến” với Ray Mabus là một số sỹ quan hải quân và chính trị gia từng ở trong quân ngũ, trong đó phải kể đến cố Thượng nghị ỹ John McCain. Những người này tỏ ý nghi ngờ về khả năng của LCS trong khi giá thành tàu đã nhảy lên mức 750 triệu USD/chiếc. Cuối cùng cả hai bên đi đến một thỏa thuận: hai lớp Independence và Freedom sẽ được đóng tại hai nơi khác nhau, một ở bang Wisconsin, một ở Alabama. Có hai lý do cho quyết định trên: Thứ nhất, trong trường hợp xảy ra sự cố ở một xưởng đóng tàu, xưởng kia vẫn có thể hoạt động bình thường. Thứ hai, dự án LCS tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 người lao động, từ đó buộc các thượng nghị sỹ từ phản đối sang ủng hộ dự án.
Tàu USS Freedom được hạ thủy vào ngày 23/9/2006 và nhận nhiệm vụ vào 8/11/2008. Trong mấy năm đầu hoạt động ngoài khơi phía nam nước Mỹ, tàu liên tục gặp phải vấn đề như vụ động cơ tuốc bin khí bị hỏng vào tháng 9/2010, buộc tàu phải chạy bằng động cơ diesel dự phòng. Sau đó vì lỗi hàn mà thân tàu bất ngờ rạn nứt, rồi một cơn giông khiến nhiều chỗ trên tàu bị ngập. Do thủy thủ đoàn tàu Freedom chỉ vỏn vẹn 40 người, trong đó đa số chưa được huấn luyện bài bản về cách bảo dưỡng lớp tàu mới nên việc sửa chữa diễn ra rất lâu.
Vào năm 2012, nguyên phó đô đốc Sam Perez được lệnh viết một bản báo cáo về tàu LCS cho Lầu Năm Góc. Ông trả lời phóng viên tờ ProPublica: “Tôi nhớ mãi cảnh một cấp dưới lấy tay giả làm súng rồi chĩa vào đầu mình. Ai cũng hiểu rằng nói thật đồng nghĩa với việc tự mình giết chết sự nghiệp của bản thân”.
Tuy nhiên ông Perez vẫn nói thật. Trong bản báo cáo của mình, phó đô đốc đã chỉ ra một loạt các vấn đề, đơn cử như thủy thủ đoàn quá nhỏ khiến các sĩ quan chuyên nghiệp phải tự tay bảo dưỡng tàu thay vì tập trung vào chuyên môn. Mặt khác hệ thống vũ khí trên tàu - vốn được thiết kế để dễ dàng thay ra lắp vào - lại cần đến vài tuần chỉ để tháo ra bảo dưỡng. Tóm lại khả năng tác chiến của tàu LCS không thể bằng với các mẫu tàu tuần dương truyền thống.
Phó đô đốc Perez kể lại: “Tôi đem bản báo cáo đó đến trình từng cấp trên một. Không ai muốn công bố nó cả. Chúng tôi bàn đi tính lại suốt nhiều tuần mà vẫn chưa tìm được cách xử lý đúng đắn. Cuối cùng một vị cựu đô đốc đang làm cho công ty đóng tàu nói với tôi là nên đặt bản báo cáo vào diện “tối mật” và chỉ công bố một phần nhỏ cho giới báo chí”.
Ngay cả khi làm như vậy, đô đốc Perez vẫn phải chịu trừng phat. Ông bị rút khỏi vị trí chỉ huy và thuyên chuyển sang Cục Quan hệ công chúng của Hải quân. Trong khi đó Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng đóng 24 chiếc LCS và không hề tỏ thái độ sẽ tạm dừng việc đóng tàu mới.
Quay trở lại tàu USS Freedom. Trước thềm RIMPAC 2016, thủy thủ tàu Freedom còn đang phải vật lộn với việc sửa chữa. Đáng lẽ ra tàu phải ở lại căn cứ hải quân San Diego ít nhất hai tuần để sửa chữa động cơ, nhưng các cấp lãnh đạo hải quân một mực ra lệnh tàu phải tham gia cuộc tập trận chung bằng mọi giá. Bộ tổng chỉ huy hiểu rằng nếu tàu Freedom không có “màn ra mắt” đồng minh thật tốt, dư luận Mỹ sẽ càng phản đối mạnh mẽ việc đóng tàu LCS.
Thay vì sửa chữa dứt điểm động cơ tàu Freedom, thủy thủ đoàn buộc phải cắt đi một phần động cơ rồi dùng nước “rửa” các bộ phận còn lại. Vậy là khi tàu xuất cảng để đi đến nơi tập trận, trong động cơ tàu vẫn còn nước biển. Ai trên tàu cũng hiểu rằng chẳng mấy chốc động cơ sẽ bị rỉ sét và ngừng chạy, nhưng vì áp lực của cấp trên nên ai cũng chỉ biết ngậm miệng.
Cuộc tập trận RIMPAC 2016 vừa kết thúc thì cũng là lúc tàu Freedom phải vào cảng sửa chữa. Việc sửa chữa tàu Freedom kéo dài tới tận 2 năm do phải thay động cơ mới 100%. Thuyền Michael Wohnhass và một số sĩ quan khác trên tàu bị cách chức và hạ cấp bậc.
Hồi kết cho LCS?
Dưới thời tổng thống Donald Trump, lưỡng viện Mỹ mở rộng hợp đồng đóng tàu đã ký với General Dynamics và Lockheed Martin lên 52 tàu, mặc cho sự phản đối kịch liệt của dư luận lẫn chính các sĩ quan hải quân. Quyết định này được cho là cách Lầu Năm Góc và đảng Cộng hòa “lấy lòng” các nghị sĩ để thông qua dự luật tăng ngân sách quốc phòng. Đến khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền thì các vấn đề liên quan đến LCS nhiều đến mức hải quân buộc phải cho nghỉ hưu sớm một số tàu không còn khả năng tác chiến nữa. Tính đến thời điểm này, họ mới chỉ được phép cho ngừng hoạt động năm tàu LCS. Một số thượng nghị sĩ tại các bang nơi đóng tàu đang tìm mọi cách để cản trở hải quân Mỹ cho nghỉ hưu tàu.
Giáo sư quân sự Lyle Goldstein tại Đại học Brown nhận xét: “Có quá nhiều tiền bạc và quyền lợi chính trị liên quan đến LCS. Nhưng mà LCS chỉ là một ví dụ cho điểm yếu “chết người” của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ... Khi mà một dự án vũ khí đã đạt đến “vận tốc” nào đó thì rất khó để ngừng nó lại. Quốc hội và Lầu Năm Góc thà bỏ thêm thật nhiều, nhiều tiền để giải quyết vấn đề cấp tốc thay vì ngừng lại nghiên cứu kỹ càng”.
Vẫn có những chiếc tàu LCS mới đang được đóng. Mới đây nhất tàu USS Augusta vừa mới nhận nhiệm vụ đầu tiên vào ngày 30/9 (hạ thủy 23/5/2022). Câu hỏi hiện nay là liệu Lầu Năm Góc có chịu lắng nghe ý kiến của dư luận để ngừng lại việc đóng tàu LCS mới không hay họ sẽ lại một lần nữa chịu để các quyền lợi nhóm chi phối?.
https://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/hai-quan-my-lcs-vi-sao-that-bai--i715880/
Ngày đăng: 08:07 | 05/12/2023
/