Hơn hai năm chống chọi đại dịch COVID-19, doanh nhân Việt Nam càng thể hiện bản lĩnh, sự kiên cường khi vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức.
Đó là nhận định của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Lộ tầm vóc giữa hiểm nguy
"Phải trải qua khó khăn, hiểm nguy như đại dịch COVID-19 mới thấy hết vai trò, ý thức, trách nhiệm và tinh thần dân tộc, tương thân, tương ái của đội ngũ doanh nhân Việt Nam", ông Công nói.
Ông Công nhớ lại, trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động. Dù đối diện chồng chất khó khăn nhưng vẫn có hàng chục nghìn doanh nghiệp tích cực chung tay cùng Nhà nước chống dịch.
“Doanh nghiệp nào có tiền thì ủng hộ tiền để Nhà nước ngoại giao vaccin, thiết bị y tế, khẩu trang...Trong số đó, có hàng trăm doanh nghiệp của các doanh nhân đã ủng hộ số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam rất trách nhiệm, tâm huyết vì cộng đồng, vì đất nước. Khi đất nước cần, họ sẵn sàng dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh để chung tay chống dịch. Khi dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn, họ lại tiếp tục bắt tay vào sản xuất, kinh doanh”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đánh giá.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI
Theo ông Công, quá trình sản xuất kinh doanh giữa đại dịch đã thể hiện tầm vóc của doanh nghiệp, trí tuệ của doanh nhân Việt Nam. Những thay đổi về chiến lược để thích ứng linh hoạt và chung sống với COVID-19 được ra đời rất kịp thời, giúp giải vây cho chính doanh nghiệp.
“Nếu không thì thiệt hại kinh tế rất lớn, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ “ra đi”. Doanh nghiệp của chúng ta phục hồi nhanh là do họ chưa bị ngã quỵ”, ông Công chia sẻ.
Nói về bản lĩnh, sự chủ động, nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, ông Công dẫn chứng: Khi Đảng, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay, chưa có chính sách ưu đãi trong vay vốn thì các doanh nghiệp đã tự tìm nguồn vốn bằng mọi cách, nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh.
“Bản thân họ không ỉ lại, trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước. Họ cũng đã chủ động đào tạo lại đội ngũ nhân sự để đáp ứng yêu cầu công việc sau giai đoạn gián đoạn vì COVID-19. Đó chính là bản lĩnh, tầm nhìn xa của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam”, ông Công nói.
Cũng theo ông Công, việc triển khai Nghị quyết 128 chuyển từ "Zero COVID-19" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả” là một bước ngoặt lịch sử trong nhận thức và chiến lược chống COVID-19 của Việt Nam. Từ sau Nghị quyết này, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng chớp thời cơ, biến nguy cơ, thách thức thành cơ hội; xây dựng các chuỗi cung ứng, xây dựng chỗ đứng cho mình; giành lại thế lực, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước.
“Nhờ sự nhanh nhạy của cộng đồng doanh nghiệp mà kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2022 đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD. Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt trên 163.000, tăng 38,6% so cùng kỳ, gấp 1,44 lần số doanh nghiệp rút lui. Đặc biệt, 85% số doanh nghiệp tin tưởng trong quý 4/2022 hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt hơn. GDP quý 3/2022 tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83% - mức cao nhất từ năm 2011 đến nay”, ông Công thông tin.
Vươn mình ra biển lớn
Không chỉ tăng trưởng kinh tế trong thị trường nội địa, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày càng muốn khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp trong nước chủ động mở rộng đầu tư ra nước ngoài, không chỉ trông chờ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào như trước đây nữa.
Đây chính là tiền đề để Việt Nam có 6 doanh nhân lọt vào top tỷ phú USD toàn cầu năm 2021, để Việt Nam có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường toàn cầu như: Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, TH, gạo ST25…
Thương hiệu ô tô VinFast của Việt Nam đã vươn tầm quốc tế. (Ảnh minh họa)
Theo thống kê của VCCI, 7 tháng đầu năm 2022, có 67 dự án của doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 313,8 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Như vậy, tính chung cả vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký mới và tăng thêm, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 358,76 triệu USD, bằng 62,9% với cùng kỳ năm 2021.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 12 ngành, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 10 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư trên 218,4 triệu USD.
Có 23 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào với 3 dự án đầu tư mới và 3 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 65,92 triệu USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Singapore với tổng vốn đầu tư gần 41,5 triệu USD, chiếm gần 11,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Mỹ, Đức, Hà Lan…
Nhận định về xu hướng này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính bày tỏ sự tin tưởng, lạc quan về sức chống chịu cũng như tinh thần mạnh mẽ, vượt khó, dám nghĩ, dám làm của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
"Việt Nam đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn, năng lực quản trị tốt, công nghệ hiện đại trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp... Điều quan trọng là họ không chỉ đầu tư trong nước mà còn mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đó chính là khát vọng làm giàu, tinh thần mạnh mẽ, mạnh dạn đầu tư để khẳng định vị thế, tiếng nói đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam với bạn bè quốc tế", ông Thịnh nói.
Đồng tình quan điểm này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Sĩ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính - Học viện Tài chính đánh giá việc đầu tư ra nước ngoài có thể là phương án phân tán rủi ro trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đó không chỉ đơn thuần là mở rộng sản xuất, kinh doanh mà lớn hơn, nó còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của doanh nhân Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp Việt, của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, VCCI đã tôn vinh các doanh nhân tiêu biểu năm 2022, trong đó TOP 10 gồm các đại diện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải, Tổng Công ty Thành An, Tổng Công ty 789, Tập đoàn GELEXIMCO, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, Tập đoàn BRG-BRG Group, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC, Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Long 1.
Ngày đăng: 08:29 | 13/10/2022
PHẠM DUY / Theo VTC News