Dù cực khổ đến mấy thì cũng phải ráng giữ lấy thân. Đừng cố liều mình kiếm tìm, cưa xẻ bom mìn mà mang thương tật, thậm chí bỏ mạng, để lại sự đau buồn vô hạn cho người thân
Đó là lời ông Hồ Văn Ba (SN 1963; trú tại thôn Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), người có 2 con trai chết vì cưa bom. "Bốn năm đã qua, thi thể 2 con tôi đã tan vào đất, không tìm thấy gì dù là manh áo nhưng lòng tôi vẫn không nguôi nỗi đau" - ông trăn trở.
Nắm xương cũng không còn…
Căn nhà ông Hồ Văn Ba cũng cô độc như cuộc đời ông vậy, muốn vào phải lội qua 2 khe suối rồi men theo đến cuối con đường đất đỏ ngoằn ngoèo mới đến nơi. Vợ mất sớm, ông Ba tần tảo nuôi nấng 7 con nhưng 5 người lần lượt bỏ ông đi. Trong đó, 2 người con trai giỗ chung một ngày vì trót dại cưa bom là Hồ Ly Va (SN 1993) và Hồ Ly Na (SN 1996).
Hỏi ngày tháng năm sinh của ông Ba, ông nói chỉ nhớ mang máng nhưng nhắc đến hôm nhận tin 2 con trai thiệt mạng vì bom nổ, ông nhớ như chôn trong ruột. "Lúc đó là 9 giờ 20 phút ngày 29-7-2013. Tôi đang làm cỏ ruộng thì người thân chạy đến báo tin 2 đứa con cưa bom bị nổ chết ở đất Lào. Tôi điếng người, đứng khựng một lúc lâu mới chạy về nhà để sang bên ấy tìm con" - ông Ba kể như chuyện vừa xảy ra hôm qua.
Nhớ con, ông Hồ Văn Ba thường ôm tấm chăn bông này vào lòng
Theo ông Ba, Ly Va lúc đó đã lập gia đình và có một bé gái tên Hồ Thị Dược, còn Ly Na đang học lớp 10. Va và Na sang bản May, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet - Lào chơi với bạn thì phát hiện một quả bom nên rủ nhau cưa để lấy vỏ bán. Trong lúc cưa, quả bom phát nổ, cả Va và Na chết ngay tại chỗ, đến mảnh vải cũng không tìm thấy. "Không tìm được xác nên gia đình đành lấy 2 nắm đất về lập mộ cho con. Đau lắm… Con tôi sinh ra lành lặn nhưng lúc chết, đến nắm xương cũng không còn" - ông Ba nghẹn ngào.
Chuyện trò một lúc, ông Ba vào giường của mình lấy ra tấm chăn bông mà ông mua cho Na hồi con trai học lớp 5. "Theo phong tục, cái gì người chết đã sử dụng thì phải đốt nhưng tôi thương nó quá nên giấu lại. Nhớ con, tôi nằm ôm tấm chăn này. Đến giờ, nó là kỷ vật cuối cùng của Na" - ông rầu rĩ.
Ngoài việc giữ lại tấm chăn, ông Ba còn chôn quả bom đã nổ trước nhà, đuôi nổi lên trên mặt đất. Theo ông, ngoài việc làm đe rèn dao, rựa, ông dùng quả bom này còn nhằm "tố cáo" tội ác của bom đạn vì đã giết 2 con mình. Giọng ông đanh lại, ánh mắt như găm vào quả bom ở góc sân: "Sau khi con mất, tôi nhặt được quả bom đã nổ này. Nhiều người đã hỏi mua nó nhưng tôi không bán. Chính quả bom này đã giết con tôi nên tôi chôn nó trước nhà để mọi người cùng biết".
Ông Ba cho biết khi Va mất, vợ anh đi thêm bước nữa và bé Dược ở với bà ngoại, năm nay đã vào lớp 1. Nhắc đến "kỷ vật" mà con trai để lại, ông cám cảnh: "Mỗi lần tôi qua thăm, con bé hay hỏi ba nó đi làm ở đâu, sao chưa thấy về? Tôi đắng họng, chẳng biết trả lời sao… Hoàn cảnh côi cút của bé Dược là lời cảnh tỉnh cho những người đang mưu sinh bằng nghề tìm kiếm, cưa xẻ bom mìn".
Cả thôn bỏ nghề
Rất nhiều vụ nổ liên quan đến bom mìn sót lại sau chiến tranh đã ám ảnh người dân thôn Trằm. Đến nay, thôn đã có 4 người bỏ mạng vì bom mìn; một số người bị tàn tật, cuộc sống lâm cảnh khốn khó.
Theo ông Hồ Văn Chung, Trưởng thôn Trằm, vài năm trước, thôn có đến hơn 80% người dân chuyên rà phá, tìm kiếm phế liệu chiến tranh nhưng nay hầu hết đã bỏ nghề. Ngay cả ông Chung trước đây cũng hành nghề rà tìm phế liệu. "Sau một nhát cuốc trúng bom, tôi bị cụt một lóng tay nên đã quyết định bỏ nghề. Làm nghề này cũng chẳng giàu được đâu" - ông Chung tâm sự.
Một phần quả bom đã nổ giết chết 2 con của ông Ba được ông chôn ở góc sân
Ông Trần Văn Thành, Đội trưởng Đội Rà phá bom mìn lưu động Quảng Trị (thuộc Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam), cho biết gần 100% diện tích đất ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông bị ô nhiễm bom mìn. Trung bình mỗi năm, đội xử lý hơn 3.000 quả bom mìn các loại ở đây. Riêng năm 2017, tính đến nay, đội đã xử lý trên 2.500 quả bom mìn chưa phát nổ. "Không những còn trong lòng đất, các cơ sở phế liệu ở khu vực đông dân cư cũng thu mua bom mìn chưa nổ " - ông Thành lo ngại.
Năm 2015, một cơ sở thu mua phế liệu ở huyện Hướng Hóa bỗng nhiên phát nổ nhưng may mắn không gây thiệt hại về người. "Thỉnh thoảng, các cơ sở phế liệu lại gọi điện báo chúng tôi đến xử lý nhiều quả bom mìn chưa phát nổ mà họ mua nhầm. Mua phế liệu chiến tranh mà không hiểu biết các loại bom mìn thì cực kỳ nguy hiểm" - ông Thành băn khoăn.
Đưa bom đi bán, 5 nông dân lãnh án TAND tỉnh Quảng Trị vừa xét xử sơ thẩm vụ 5 nông dân - cùng trú huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng. Trước đó, khi họ dùng xe ba gác vận chuyển quả bom còn nguyên ngòi nổ nặng 340 kg đi bán thì bị công an phát hiện bắt giữ. Tại tòa, cả 5 người đều thành khẩn khai báo. Chỉ vì muốn có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình nên họ làm liều. Do họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ như gia đình nghèo khó, có công với cách mạng…, HĐXX đã tuyên phạt 5 người từ 9 đến 15 tháng tù cho hưởng án treo. |
Đùa với tử thần
Sự việc cưa đạn pháo dẫn đến phát nổ làm 6 người thiệt mạng và một số người khác bị thương ở thôn Tà Lương, ... |
Khánh Sơn: Bom nổ 6 người tử vong
Nguyên nhân chưa được xác định rõ, tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng nhận định sơ bộ do người dân cưa vật liệu nổ ... |
http://nld.com.vn/thoi-su/hai-ky-vat-buon-20171028213056205.htm
Ngày đăng: 15:30 | 29/10/2017
/ Hà Phong/nld.com.vn