Có thể F1 nhiễm nCoV nhưng đã qua giai đoạn kháng nguyên dương tính, trở thành âm tính. Hoặc, chính người được cho là F1 thực ra là F0, lây cho bệnh nhân 1979 và các "F2".

Hai giả thiết này được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra trong cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch của TP HCM với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chiều 10/2.

Thứ trưởng Sơn một lần nữa nhấn mạnh TP HCM đã xảy ra "tình huống rất phức tạp", bởi các F1 sau khi xét nghiệm âm tính thì lại phát hiện F2 liên quan F1 này dương tính nCoV, bằng phương pháp RT-PCR. Như vậy, các F2 trở thành các F0.

Để giải bài toán "vì sao F1 âm tính mà F2 dương tính", Thứ trưởng Sơn nêu hai giả thiết được xem là nổi trội nhất hiện nay.

Giả thiết thứ nhất, các trường hợp là F1 từng mắc bệnh, đã qua giai đoạn kháng nguyên dương tính, lây cho F2. Sau đó F1 khỏi bệnh, trở thành âm tính. Còn F2 được phát hiện khi đang ở giai đoạn kháng nguyên dương tính.

Gỉa thiết thứ hai, F1 chính là F0 đầu tiên lây cho "bệnh nhân 1979", sau đó lây cho các F2, nhưng các F1 đã khỏi bệnh và âm tính. Từ các F2, dương tính trở thành các F0 mới.

"Chỉ có thể truy vết nguồn gốc các ca F2 đặc biệt này thông qua xét nghiệm kháng thể", Thứ trưởng Sơn nói.

Do đó, Bộ phận Thường trực Đặc biệt chống dịch tại TP HCM đã lấy mẫu máu và làm các xét nghiệm kháng thể nCoV đối với tất cả nhân viên công ty VIGAS ở sân bay Tân Sơn Nhất (nơi có chùm ca 1979, 2002, 2004, 2005 phát hiện đầu tiên).

Tối 9/2, trong số 570 mẫu xét nghiệm kháng thể đã phát hiện hai trường hợp có kháng thể đối với nCoV. Thứ trưởng Sơn đã đề xuất TP HCM truy vết tất cả người nhà liên quan đến hai trường hợp này.

Bộ phận Thường trực kỳ vọng có thể xét nghiệm kháng thể diện rộng ở TP HCM, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất và các cộng đồng có 25 người là F2 dương tính. Từ đó sẽ giải được bài toán vì sao xuất hiện chuỗi lây truyền Covid-19 trong nhóm bốc xếp sân bay Tân Sơn Nhất và 25 ca cộng đồng.

Hiện, hơn 1.600 nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được lấy mẫu máu để xét nghiệm kháng nguyên. Người nhà của những người này cũng được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ "rất lo lắng". Tuy nhiên ông cũng đán giá việc truy vết ổ dịch từ sân bay Tân Sơn Nhất ra ngoài cộng đồng đang được tiến hành rất tốt.

"Cách tốt nhất là xét nghiệm cho toàn bộ 10 triệu dân TP HCM, nhưng điều này là rất khó. Phải đánh giá liệu thành phố còn nhiều ổ dịch khác, ngoài sân bay Tân Sơn Nhất hay không?", Phó thủ tướng Đam nói.

Phó thủ tướng chỉ ra các nguồn gây dịch ở TP HCM hiện nay có thể từ nhập cảnh, xâm nhập trái phép theo đường bộ, đường biển. Lo ngại nhất là "có sự trùng hợp ngẫu nhiên". Trong thành phố đã có nguồn bệnh từ lâu nhưng không bùng phát mạnh mà âm ỉ, len lỏi trong cộng đồng nhỏ, khi xét nghiệm tầm soát trên diện rộng ở sân bay Tân Sơn Nhất thì mới phát hiện ra.

0017 san bay tsn

Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 9/2, hành khách mặc đồ bảo hộ chuẩn bị lên máy bay về quê ăn Tết. Ảnh: Cao Hà.

Hôm nay, Bộ Y tế đã đồng ý ưu tiên cấp ngay 30.000 test nhanh kháng nguyên cho TP HCM trong tình hình dịch bệnh bùng phát phức tạp, nhằm truy vết nhanh các trường hợp nguy cơ cao, đặc biệt là nhân viên làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trưa cùng ngày CDC TP HCM ghi nhận thêm một ca nghi nhiễm mới, là nhân viên đội bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất, cùng nơi làm việc của 8 ca nhiễm trước.

Năm ngày qua, TP HCM ghi nhận 32 ca dương tính liên quan đến ổ dịch Tân Sơn Nhất và hai bệnh nhân cách ly ngay khi nhập cảnh. Tổng số bệnh nhân Covid-19 ghi nhận từ năm 2020 đến nay là 202 người, trong đó 159 trường hợp đã khỏi, 43 trường hợp đang điều trị.

Thư Anh

Ông Vũ Đức Đam: Ông Vũ Đức Đam: "Lo nhất TP HCM còn ổ dịch khác"
Thứ trưởng Y tế: Thứ trưởng Y tế: "Dịch ở TP HCM phức tạp hơn nơi khác"
33 địa điểm bị phong toả ở TP.HCM liên quan các ca mắc COVID-19 33 địa điểm bị phong toả ở TP.HCM liên quan các ca mắc COVID-19

Ngày đăng: 20:02 | 10/02/2021

/ vnexpress.net