Sở Công Thương Hải Dương kiến nghị Bộ Công Thương triển khai các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa cho tỉnh này.
Ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, do cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất giữa các địa phương khiến các phương tiện đến hoặc đi từ tỉnh để thu mua nông sản, cung cấp vật tư, nguyên liệu đầu vào...qua địa bàn tỉnh bạn gặp rất nhiều khó khăn.
"Nhiều địa phương thông tin với truyền thông là tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá nhưng thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các cửa ngõ vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào Hải Dương. Nhiều xe hàng vẫn phải nằm chờ rất lâu, sau đó buộc phải quay đầu", ông Hải nói.
Không chỉ nông sản, hiện nhiều mặt hàng khác cũng gặp khó khăn. Trước đó, hôm 18/2, ông Hải nhận được tin nhắn của một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi nhựa ở Gia Lộc nhờ giúp đỡ. Xe hàng của người này bị vướng chốt ở Thái Bình, mấy ngày liền không trung chuyển được.
"Bọn em thuê xe bên Thái Bình để vận chuyển tiếp cũng không được. Xe đến chân cầu xuống hàng để chuyển sang cũng không được phép", người này giãi bày qua tin nhắn rồi kết luận "họ làm khó mình quá".
Tin nhắn như thế này theo ông Hải là không hiếm trong thời gian gần đây. Hiện Sở Công Thương đang đi "gỡ" từng xe hàng cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Hậu quả của việc tắc nghẽn giao thương, theo Sở Công Thương Hải Dương là nông sản bị hư hỏng, vứt bỏ; vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng nhưng không vận chuyển thức ăn đến để tiếp tục duy trì nuôi sống đàn; nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm; hàng xuất khẩu đến hạn phải giao nhưng không đưa xuống cảng...Tất cả những điều này gây thiệt hại rất lớn, tác động lâu dài đến sản xuất kinh doanh và đời sống dân sinh.
Từ ngày 16/2 cho đến 3/3, tất cả công nhân và hàng hóa từ Hải Dương vào Hải Phòng đều phải quay đầu. Ảnh: Giang Chinh. |
Sở cho biết, có địa phương yêu cầu lái xe, người giao hàng phải có xét nghiệm Covid-19 (xét nhiệm PCR) âm tính trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, năng lực xét nghiệm PCR cả Hải Dương còn rất hạn chế vì phải ưu tiên xét nghiệm cho F1, F2 nên thông thường sau 1-2 ngày mới có kết quả. Khi đó, giấy xác nhận đã gần hết hiệu lực để đi được qua chốt.
Vì vậy, Sở công thương Hải Dương đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Chính phủ chỉ đạo các địa phương xem xét, thống nhất cách áp dụng các biện pháp phòng dịch cho người, phương tiện, hàng hoá. Điều này giúp tạo điều kiện để phương tiện vận chuyển thuận lợi lưu thông qua địa bàn các tỉnh nói chung, vùng dịch nói riêng.
Tạm thời, Hải Dương đề xuất áp dụng các biện pháp như mặc quần áo bảo hộ y tế, sát khuẩn xe... giúp các xe hàng được lưu thông trong ngắn hạn, khoảng 1-2 ngày trước khi các doanh nghiệp có thời gian kịp chuẩn bị.
Tại cuộc họp chiều 19/2, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 nhấn mạnh quan điểm "không coi toàn tỉnh Hải Dương là vùng dịch". Theo đó, Ban chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế công bố lại trên Cổng thông tin điện tử những vùng dịch mà người ra vào phải kiểm soát, đến nơi khác phải khai báo, giám sát y tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, việc Hải Dương cách ly xã hội để ngăn chặn dịch, "điều đó không có nghĩa các tỉnh lân cận ngăn sông, cấm chợ". Bộ sẽ có văn bản gửi các địa phương và báo cáo Thủ tướng vấn đề này. Hiện Hải Dương có 5 ổ dịch lớn tại Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và TP Hải Dương.
Phương Ánh
Hải Phòng hỗ trợ Hải Dương 5 tỷ đồng và 500.000 khẩu trang y tế |
Lãnh đạo huyện ở Hải Dương bị phê bình vì lơ là chống dịch |
Ngày đăng: 15:03 | 20/02/2021
/ vnexpress.net