Trước khi lên chuyến bay Việt Nam chưa từng mở đường băng, qua vùng chiến sự, đón 120 đồng bào nhiễm Covid-19 về nước, bác sĩ ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nhận hai cuộc điện thoại “căng não”.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi với bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương bắt đầu khi hành trình dài hơn 30 tiếng sang đón công dân ở xứ xa xôi ở Tây Phi - Guinea Xích Đạo đầy nguy hiểm vừa kết thúc. Nhưng lạ thay, không có dấu hiệu nào cho thấy sự mệt mỏi len lỏi trong cuộc trao đổi. Thay vào đó là sự gấp gáp, tinh thần khẩn trương và trái tim “rực lửa” hy vọng. Đó là tinh thần của những chiến binh trong cuộc chiến sinh tử.
“Giữa những trận chiến, có lẽ chúng tôi cũng như các bạn, chúng ta không có nhiều thời gian cho những phút giây riêng tư. Cuộc điện thoại đầu tiên của chúng tôi là báo cáo lãnh đạo bệnh viện: “Chuyến bay đã an toàn, tình hình nằm trong tầm kiểm soát. Về cơ bản bệnh nhân không có diễn biến nặng”. Lâu sau đó, mới là cuộc điện thoại cho mẹ và vợ con”, bác sĩ Hùng mở đầu câu chuyện.
Trước khi lên đường, đoàn y tế được cấp trên cung cấp đầy đủ chi tiết thông tin tình hình của đồng bào bên đó. Khi virus Corona xuất hiện ở công trường xây dựng tại Guinea Xích Đạo, những lao động Việt làm thợ hồ, lắp giàn giáo xây dựng, thợ hàn, đổ bê tông… rất lo lắng.
Đi làm trên xe bus công cộng, lao động người Việt Nam đeo khẩu trang nhưng lao động các nước khác thì lơ là. Phân nửa số công nhân Việt Nam ở đây nhiễm Covid-19, số còn lại chưa xét nghiệm. Đồng bào khao khát sớm được trở về quê nhà.
Chúng tôi hỏi: Có lẽ, phải có thần kinh thép sau nhiều năm làm ở khoa cấp cứu, xử lý nhanh chóng những tình huống mà sự sống và cái chết mong manh như sợ tóc mới có đủ sức khỏe, nghị lực để thực hiện chuyến công tác này?
“Cũng không đến mức nặng nề như vậy đâu”, bác sĩ Hùng nhỏ nhẹ trả lời. “Bốn người của tổ y tế phải đảm bảo sức khoẻ cho hơn 200 con người, trong đó có những người bệnh nặng. Như bạn biết rồi, môi trường trong máy bay hẹp, tỉ lệ bệnh nhân càng cao thì khả năng lây nhiễm cho phi hành đoàn, đội ngũ bác sĩ càng lớn.
Không những vậy, trước khi về nước, chúng tôi nắm được nhiều công dân đã phải vào bệnh viện chữa trị, thở máy. Khi lên máy bay, môi trường kín, hẹp, áp lực lớn thì dù là người bệnh nhẹ cũng sẽ khó thở. Điều chúng tôi lo lắng nhất là xảy ra tình huống có người tử vong”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Theo nhận định của chuyên gia cấp cứu, chuyến bay từ Guinea Xích Đạo sẽ có 7 đến 10 ca có biểu hiện nặng.
“Để đảm bảo an toàn chuyến bay, lúc đầu chúng tôi dự định sẽ đánh giá tình trạng bệnh nhân rồi mới đưa lên máy bay. Tuy nhiên, theo chỉ đạo, đoàn sẽ đưa tất cả về. Chúng tôi đã chuẩn bị tư trang, thiết bị nhưng sẽ không thể đầy đủ như ở bệnh viện. Vì thế, 1 tới 2 bệnh nhân diễn biến nặng thì có thể xoay sở nhưng 3,4 bệnh nhân nặng cả chuyến bay có thể sẽ dẫn tới cảnh hỗn loạn. Đặc biệt, chúng tôi đã được lệnh, dù có tình huống gì xảy ra cũng không được hạ cánh.
Thật may, khi về tới Nội Bài thì chỉ có 5-6 bệnh nhân khó thở nhẹ, chưa cần can thiệp sâu”, Trưởng đoàn y tế của chuyến bay cho hay.
Cho tới thời điểm này, khi đã ở trong phòng cách ly trên tầng 8 của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Hùng mới tin rằng, đoàn đã vượt qua những giây phút dây thần kinh căng như dây đàn. Để đến được với đất nước Guinea Xích Đạo đón đồng bào về nước, đoàn đã có chuyến bay khó quên. Đây là nơi Việt Nam chưa từng mở đường bay.
“Theo lịch trình, sáng 28/7 chuyến bay sẽ cất cánh từ Nội Bài để tới Bata. Tối hôm trước, chúng tôi tới bệnh viện nghỉ để sáng hôm sau đi sớm. 22h, tôi nhận được điện thoại từ Cục Hàng không thông báo hoãn chuyến bay do 2 nước chưa cho phép chúng ta bay qua không phận.
Lòng dạ tôi bồn chồn lo lắng, không biết bao giờ sẽ thực hiện được chuyến bay đưa công dân về nước. Tôi trằn trọc chẳng thể ngủ được, 1h sáng hôm sau mới ngả lưng.
1h30 sáng 28/7, chuông điện thoại lại vang lên, lần này Cục Hàng không thông báo, đã hoàn tất các thủ tục, chuyến bay xuất phát theo đúng kế hoạch. Anh em thở phào, thế rồi thức trắng đêm. Tình huống căng như thời chiến và chúng tôi thì ở tư thế sẵn sàng, có lệnh là lên đường”, Phó khoa Cấp cứu chia sẻ.
Khởi hành từ Nội Bài lúc 7h sáng ngày 28/7, sau 13 tiếng đoàn đã đến sân bay Bata. Khi tới nơi, thấy các công dân đang chờ rồi hồ hởi vẫy tay chào, các thành viên trong đoàn đều xúc động. Bác sĩ Hùng tâm sự: “Lúc ấy, tôi thấy thấm thía làm sao hai tiếng đồng bào và tự nhủ “đất nước sẽ không bỏ rơi ai ở lại”.
Khi tới sân bay Bata, các bác sĩ phân chia nhau để đón bệnh nhân. Những bệnh nhân âm tính lên trước ở khoang thứ 3, dương tính lên sau, ở khoang đuôi máy bay, 2 khoang còn lại để vật tư, trang thiết bị và dành cho phi hành đoàn, nhân viên y tế.
“Những công dân xa xứ nhìn chúng tôi đầy cảm động. Dù chỉ thoáng chốc, ánh mắt đó đủ để lấp đầy trong chúng ta hy vọng, yêu thương, đủ để giúp vượt qua gian nan, thử thách, hiểm nguy và giúp ta băng qua những suy nghĩ nhỏ nhen thường nhật. Tổ quốc này luôn mang theo mình những ánh mắt bao dung như thế. Tôi thấy lòng mình cũng vui theo”, bác sĩ giãi bày.
Theo lịch trình, máy bay được nạp nhiên liệu và các công dân Việt Nam sẽ được hướng dẫn lên máy bay trong vòng 2 tiếng và ngược về Nội Bài. Thế nhưng chuyến bay đã về trễ 6 tiếng. Do không có sẵn xăng đổ cho máy bay nên các đơn vị đã hỗ trợ chở xăng ở nơi khác đến. 6 tiếng dài dằng dặc, tổ ý tế vừa thương vừa lo cho sức khoẻ của các bệnh nhân sức đã yếu phải chờ ở sân bay.
Trước khi đoàn xuất phát, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ TS.BS Phạm Ngọc Thạch cũng đầy lo lắng. Xác định hành trình bay kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ, bệnh nhân có thể có diễn biến bất thường nên bệnh viện quyết định cử những nhân sự ở khoa cấp cứu.
Toàn bộ 4 nhân sự gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng đều là nam giới có nhiều năm kinh nghiệm. Do đó, hai bác sĩ, hai điều dưỡng thuộc Khoa Cấp cứu, được "chọn mặt gửi vàng".
Trước câu hỏi “anh có lo bị nhiễm Covid-19 không?”, bác sĩ Hùng cười xoà: “Thú thực là có. Môi trường trong máy bay khả năng lây nhiễm cao hơn rất nhiều so với việc chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân ở bệnh viện. Mình có sao thì còn mẹ, còn con, còn vợ nữa…
Nhưng khi lãnh đạo cử đi, tôi chẳng may may chần chừ. Bởi mỗi người có một số phận, một sứ mệnh. Bác sĩ mang trong mình sứ mệnh phải cứu bệnh nhân. Và còn gì tự hào hơn, khi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó. Vì thế, làm sao bác sĩ có thể ngại khổ, ngại khó, ngại nguy hiểm trong lúc sức khoẻ, sinh mạng đồng bào đang gặp nguy ở nơi xa xôi thế.
Chúng tôi, người an ủi động viên gia đình nhưng cũng có người giấu bố mẹ để đi làm nhiệm vụ. Lỡ không may bị nhiễm bệnh, tôi tin, những đồng nghiệp sẽ không bỏ rơi mình”.
V-League nghỉ vì Covid-19, Ban trọng tài VFF hãy tự kiểm điểm |
Nữ điều dưỡng Đà Nẵng ngủ gục trên tấm các tông |
Bệnh nhân Covid-19 thứ ba tử vong |
Ngày đăng: 10:27 | 01/08/2020
/ vietnamnet.vn