Dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, đặc biệt giảm mạnh số ca mắc mới, số ca bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, theo WHO, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, nhất là nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể làm cho dịch bệnh phức tạp, gia tăng trở lại.
Hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 đang xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, làm gia tăng ca mắc ở một số quốc gia và biến thể này có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Thực tế trong nước đang xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác cộng với tiến độ tiêm vaccine chậm.
Nhiều người tái nhiễm
Trung bình trong 7 ngày qua, Việt Nam ghi nhận 693 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày. Tỷ lệ bệnh nhân nặng phải thở oxy và thở máy trên 30 ca; tỷ lệ tử vong trong 7 ngày qua là 0 ca. Số ca mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố. Trong cộng đồng đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Cách đây hơn 3 tháng, anh Nguyễn Văn Trường (Tây Hồ, Hà Nội) cùng với những người trong gia đình đã nhiễm COVID-19, lần này anh và con trai tái nhiễm. "Triệu chứng của tôi nặng hơn lần trước với biểu hiện đau như xé họng, nghẹt mũi, mệt mỏi", anh Trường cho hay. Do đã tiêm 3 mũi vaccine, lại từng mắc COVID-19 nên thời gian gần đây anh chủ quan hơn, do thời tiết nóng bức, đến nơi đông người anh tháo khẩu trang. "Lây từ ai thì mình không biết vì bây giờ bình thường mới, mọi người gặp gỡ, tiếp xúc "tay bắt, mặt mừng" là bình thường", anh Trường nói.
Chị Nguyễn Thị Hậu (Hà Nội) bị tái nhiễm tới lần thứ 3. Gia đình chị có 5 người đã nhiễm COVID-19 từ tháng 12/2021, nhưng đến nay 3 người trong gia đình đã tái nhiễm, riêng chị trở thành F0 tới lần thứ 3. "Mọi hoạt động đã bình thường trở lại nên người dân cũng chủ quan hơn. Việc đeo khẩu trang không còn được chú trọng nhiều nữa, vì vậy dễ dàng tiếp xúc với người dương tính và lây bệnh", chị Hậu chia sẻ.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày từ 600-700 F0, nhưng thực tế có nhiều F0 không thông báo; hoặc có người không có triệu chứng không biết mình mắc bệnh nên đếm ca bệnh chưa phản ánh được hết số ca mắc thực tế trong cộng đồng. Số tái nhiễm có nhưng phần lớn vẫn là người chưa mắc. "Sở dĩ tử vong gần như không có là do tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao, chủng Omicron triệu chứng nhẹ hơn Delta, dẫn tới ca bệnh nặng giảm mạnh, không gây quá tải hệ thống y tế nên gần như không có tử vong", ông Phu nói.
COVID-19 có biến mất hay không?
Dịch COVID-19 giảm mạnh trong gần 3 tháng qua khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu COVID-19 có biến mất? PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, COVID-19 có thể trở thành bệnh lưu hành như cúm mùa. Người dân tuy thả lỏng nhưng vẫn phải phòng bệnh. "Nếu thả lỏng như bệnh lưu hành thì không được vì chúng ta không dự báo được dịch", ông Phu nhấn mạnh.
Đặc biết, thế giới cũng lo ngại khi xuất hiện biến thể phụ BA.4 và BA.5 khi Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, trong đó tại Bồ Đào Nha biến thể phụ BA.5 đã chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
ECDC cảnh báo 2 dòng biến thể phụ này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm, nhất là những chỉ số nhập viện, nặng, tử vong, đặc biệt là đối với người từ 65 tuổi trở lên.
Tại Việt Nam, từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, qua theo dõi, việc xuất hiện 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5 không quá nguy hiểm, vì vậy không nên lo lắng quá nhưng cũng không chủ quan, cần phải theo dõi thêm. "Chúng ta đã mở cửa quốc tế, khôi phục kinh tế xã hội. Việc xuất hiện những biến chủng mới này cũng đã được tính toán từ trước. Vì vậy, trước diễn biến dịch COVID-19 mới cần phải cẩn trọng theo dõi. Khi dịch có chuyển biến cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp kịp thời, tránh lo ngại quá mà đưa ra cấm đoán hoặc đưa ra những quy định, cách giải quyết không phù hợp, gây tổn hại đến công sức và kinh tế", ông Phu cho biết.
Theo chuyên gia, để phòng dịch trong tình hình mới, người dân cần phòng tránh bệnh bằng cách khử khuẩn, đeo khẩu trang ở những nơi nguy cơ cao, hạn chế hoặc không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ. Đặc biệt, những người chưa tiêm vaccine mũi 3 thì nên đi tiêm; những người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch… thì tiêm vaccine mũi 4 để phòng bệnh trước các biến chủng mới có thể xuất hiện trong tương lai.
Ngày đăng: 09:08 | 25/06/2022
Trần Hằng / CAND