TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ là chìa khóa để Việt Nam hóa rồng.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhìn nhận, trong số các nước đang kỳ vọng hóa rồng, Việt Nam là một trong những nước có cơ hội rất lớn. Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ là chìa khóa để mở ra điều đó.

Hạ tầng giao thông hiện đại - Chìa khóa để đất nước hóa rồng 1

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Quyết tâm tạo đột phá

Theo ông, hạ tầng giao thông có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước?

Hạ tầng giao thông chính là nền tảng xương sống của các hoạt động GTVT, giúp luân chuyển hàng hóa, dịch vụ giữa các vùng, miền, thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo động lực cho các hoạt động kinh tế.

Cơ sở hạ tầng giao thông tạo ra sự kết nối địa lý, kéo gần khoảng cách giữa các vùng miền và các thực thể kinh tế. Điều này giúp thông thương thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận với thị trường của các vùng có giao thông kết nối, giúp phân bổ hợp lý các nguồn lực.

Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông giúp tạo cơ hội việc làm cho rất nhiều ngành nghề, người dân đi lại dễ dàng, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục dễ dàng, tiếp cận các khu du lịch, các dịch vụ giải trí cũng dễ dàng. Hệ quả là chất lượng của cuộc sống được nâng cao.

Thực tế cho thấy, đột phá hạ tầng giao thông là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nhiệm kỳ này. Ông nhìn nhận về việc này thế nào?

Ngay sau khi kiện toàn vào tháng 4/2021, Chính phủ đã đề ra Chương trình hành động với một trong những trọng tâm là “tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại”, theo đúng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bộ GTVT là một trong những bộ đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc sau khi ông nhậm chức để nắm bức tranh chung của ngành và giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng nhiệm vụ thời gian tới.

Hai năm qua, Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã có nhiều chuyến công tác tới khắp công trường từ Bắc vào Nam… với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng lớn. Trong đó, chuyến công tác xuyên Tết – xuyên Việt dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần kéo dài 3 ngày, trên lộ trình dài gần 1.600km cho thấy quyết tâm, sự sát sao của người đứng đầu Chính phủ để hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm trong nhiệm kỳ này.

Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ

Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện đột phá kết cấu hạ tầng giao thông sau 2 năm thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII?

Việc thực hiện đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Thứ nhất, nhận thức về tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng giao thông đã được nâng cao.

Thứ hai, quyết tâm tạo ra cho bằng được đột phá kết cấu hạ tầng giao thông đã được thể hiện.

Thứ ba, một loạt công trình quan trọng đã được khởi công hoặc được đẩy nhanh tiến độ, một số công đoạn đã được hoàn thành.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, Quốc hội, Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nghiêm túc và khẩn trương.

Sự đồng hành của Quốc hội thể hiện ở nhiều quyết sách quan trọng, nhanh chóng, kịp thời ở từng dự án giao thông cụ thể. Ngay tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra vào tháng 1/2022, Quốc hội đã khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Cùng đó, thời gian qua Quốc hội cũng quyết nghị những cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, dự án Vành đai 4 TP Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM.

Tiếp đến là sự thần tốc của Chính phủ trong hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với hàng loạt cơ chế đặc thù.

Ưu tiên dành nguồn lực

Hạ tầng giao thông hiện đại - Chìa khóa để đất nước hóa rồng 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành bấm nút phát lệnh khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 ngày 1/1/2023

Theo ông, để tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cần ưu tiên dành nguồn lực ra sao, thay đổi tư duy, cách làm thế nào?

Lĩnh vực nào cũng vậy, muốn tạo được đột phá, cần phải ưu tiên dành nguồn lực, đổi mới tư duy, cách làm.

Về nguồn lực, cần xác lập lại ưu tiên cho đúng, thay vì đầu tư quá dàn trải cho quá nhiều lĩnh vực, những thứ chưa thật cần thiết. Cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên hàng đầu là hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác công tư trong lĩnh vực này. Đã nói đến hợp tác công tư, thì lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Chắc chắn cần phải quan tâm hơn nữa đến lợi ích của các nhà đầu tư, đồng thời cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc chia sẻ rủi ro cho họ.

Bối cảnh đất nước, tình hình thế giới đang tạo ra cho chúng ta cơ hội có đủ sức, đủ điều kiện, khả năng để làm cùng lúc hiện đại hóa cả 5 lĩnh vực giao thông. Còn ưu tiên theo tôi, ngắn hạn cần giải quyết xong tuyến cao tốc Bắc - Nam, giao thông đường thủy (vốn đầu tư không nhiều), sau đó là cảng biển và đường sắt.

Trong cảng biển và đường sắt, đường hàng không cần ưu tiên trước cho việc kết nối ra thế giới để nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước, hướng đến vị trí là quốc gia quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong 3 đột phá chiến lược, đột phá về hạ tầng được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Các Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội 6 vùng trọng điểm, tất cả đều nhấn mạnh phát triển hạ tầng giao thông. Bộ Chính trị cũng định hướng phát triển đường sắt tốc độ cao; cùng với những công trình trọng điểm khác đã và đang được triển khai, ông có cho rằng đây sẽ là tiền đề đưa đất nước cất cánh?

Trong số các nước đang kỳ vọng hóa rồng, Việt Nam là một trong những nước có cơ hội rất lớn. Thế kỷ XX, Nhật Bản đã vươn lên, Singapore, Hàn Quốc, các nước Âu Mỹ đã vươn lên từ trước.

Nhưng từ đó đến nay, Malaysia, hay nhiều nước khác cũng có thể đã phát triển tương tự như Singapore hay Hàn Quốc đã làm thì chưa có nước nào. Và quốc gia có văn hóa, nguồn lực, con người… để có cơ hội vươn lên như vậy, có vẻ là Việt Nam. Và chắc chắn, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ là chìa khoá để mở ra điều đó.

Cảm ơn ông!

ĐBQH Phạm Văn Thịnh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

3 yếu tố then chốt để giao thông bứt phá

 

Để hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước trở nên hùng cường, sự bứt phá về hạ tầng giao thông là yếu tố rất quan trọng. Và để làm được điều này cần phải quan tâm đến 3 yếu tố then chốt.

Thứ nhất, về phương thức thực hiện, cần đưa PPP trở thành phương thức chủ yếu, cơ bản trong đầu tư và quản lý khai thác các dự án, công trình giao thông trọng điểm. Vì xét cho cùng PPP vẫn là phương thức đem lại lợi ích tổng thể lớn nhất, giảm thiểu chi phí nhất, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Thứ hai, cần đặt các công trình giao thông trong không gian khu vực hoặc không gian theo hướng tuyến để lập dự án tổng thể, gắn với khai thác và phát huy giá trị quỹ đất khu vực xung quanh.

Việc này vừa đảm bảo công trình sau đầu tư sẽ phát huy nhanh chóng hiệu quả, vừa đảm bảo có nguồn vốn để thực hiện công trình giao thông khác, giải quyết được bài toán vốn đầu tư.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ trong quản lý và khai thác các công trình giao thông, trong đó ít nhất và trước hết là việc thu phí giao thông (đường bộ, cảng biển, sân bay) theo hướng xóa bỏ các trạm thu phí hữu hình, chuyển sang thu phí qua vệ tinh.

P. Đô (Ghi)

https://www.baogiaothong.vn/ha-tang-giao-thong-hien-dai-chia-khoa-de-dat-nuoc-hoa-rong-d589610.html

Ngày đăng: 15:40 | 01/05/2023

Phùng Đô / Giao thông