Những ngày giáp Tết, nhiều tuyến đường của Thủ đô rơi vào tình trạng hỗn loạn và ùn tắc bất cứ lúc nào, có thêm 8 điểm ùn tắc nghiêm trọng.
Càng gần Tết, tình hình giao thông ở Hà Nội càng diễn biến phức tạp, ùn tắc gia tăng, cả trong những khung giờ thấp điểm.
Năm 2018 Hà Nội giảm được 12 điểm nhưng lại phát sinh 8 điểm ùn tắc mới.
Năm 2016 toàn thành phố có 41 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, đến năm 2017 là 37 điểm.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, trong năm 2019 TP sẽ nỗ lực để kéo giảm 10 điểm ùn tắc.
Những khu vực ùn tắc mới phát sinh trong năm vừa qua:
Cầu Định Công (quận Thanh Xuân)
Đây là nút giao nối các tuyến đường Định Công, Nguyễn Cảnh Dị, Lê Trọng Tấn thuộc quận Thanh Xuân sang quận Hoàng Mai. Các tuyến đường ở khu vực nối lên cầu rất nhỏ và hẹp nhưng tập trung một lượng lớn ô tô, xe buýt, xe máy, người đi bộ gần như không có vỉa hè. Ùn tắc thường diễn ra vào các giờ tan tầm buổi sáng và chiều tối, chủ yếu trên tuyến đường Định Công.
Đường Định Công nối đến cầu Định Công nhỏ hẹp nhưng lại phải "gánh" hàng nghìn phương tiện
Ùn tắc thường xuyên diễn ra
Đường Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy)
Ùn tắc hay xảy ra nhất ở khu vực đường Hoàng Quốc Việt - Phùng Chí Kiên hướng về vành đai 2 Nhật Tân - Cầu Giấy. Do trên tuyến đường này có nhiều đoạn giao cắt các ngã ba, ngã tư Tô Hiệu, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Sâm, Nghĩa Tân...
Nhiều trường ĐH, trung tâm hành chính lớn, chợ lớn tập trung ở khu vực này. Số lượng và thời gian dừng chờ đèn đỏ khá nhiều nên dễ xảy ra ùn ứ bất kể thời gian nào.
Vào giờ cao điểm, sáng từ 7- 8h và chiều từ 17 - 19h, cả tuyến đường chật kín người và phương tiện
Điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm)
Khi đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là Tố Hữu) được đưa vào sử dụng, người dân kỳ vọng có đường "thông, thoáng", giảm tải lưu lượng phương tiện cho đường Nguyễn Trãi, đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, tại khu vực ngã tư Tố Hữu - Trung Văn lại thường xuyên xảy ra ùn tắc, kể cả vào cuối tuần.
Nguyên nhân: Dòng phương tiện đi trên đường Tố Hữu rất đông, phố Trung Văn khá hẹp, nhưng cũng có nhiều xe cộ qua lại. Khi đến ngã tư Tố Hữu - Trung Văn, gặp đèn đỏ, dòng phương tiện từ các hướng ùn lại, vượt quá khả năng thông hành của nút. Để thoát khỏi đây, nhiều người tìm cách chạy xe lên vỉa hè, khiến giao thông luôn hỗn loạn.
Dòng xe đổ dồn về ngã tư Trung Văn - Tố Hữu, ùn dài khi đèn đỏ và kéo dài đến 2km
Đoạn đường Tố Hữu hướng về Lê Văn Lương thường xuyên ùn tắc kéo dài, năm ngoái tuyến đường "gây bão" với cảnh hàng trăm người dắt bộ xe đi ngược chiều để kịp giờ đi làm
Tắc cả dưới lòng đường lẫn trên vỉa hè
Đường Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu (quận Tây Hồ)
Âu Cơ là một trong những tuyến đường quan trọng tại cửa ngõ Tây Bắc thủ đô, nằm trên trục kết nối gần nhất trung tâm chính trị Ba Đình với sân bay Nội Bài. Đường dài hơn 3km, từ nút giao Nghi Tàm - Xuân Diệu đến nút giao Âu Cơ - Nhật Tân khá chật hẹp, giống như một đoạn thắt cổ chày.
Những điểm thường xuyên ùn tắc qua ngã ba Xuân Diệu, chợ hoa Quảng An, đoạn qua UBND phường Quảng An và đoạn tiếp nối cầu vượt Nghi Tàm.
Nhiều người đứng mua hoa khiến giao thông qua đây ách tắc
Đào Tấn - Nguyễn Văn Ngọc (quận Ba Đình)
Công trình đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội được thi công, một phần đường Kim Mã bị cấm thu hẹp, các phương tiện được phân làn để đi vào phần đường còn lại. Do lượng phương tiện tăng đột biến, đặc biệt vào khung giờ cao điểm, nên các tuyến đường phụ cận như Đào Tấn, Liễu Giai, Kim Mã nhỏ... đã xảy ra tình trạng ùn tắc.
Đặc biệt những ngày trời mưa gió, ùn tắc diễn ra phức tạp với hàng dài ô tô từ đầu đường đến cuối đường.
Mỗi lần phải đi qua nút giao Kim Mã - Đào Tấn là một nỗi lo lắng đối với người đi đường. Đặc biệt, khi trời mưa, ngã tư này thường bị rối loạn dẫn đến các phương tiện phải chôn chân đợi khá lâu, ùn ứ kéo dài
Các phương tiện phải chờ đợi 4 - 5 nhịp đèn mới thoát qua
Cầu Lạc Trung - Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng)
Khu vực cầu Lạc Trung - Kim Ngưu, vào mỗi buổi sáng, việc đi lại của người dân từ bờ bên này sang bờ bên kia luôn rất khó khăn.
Cùng với dự án mở rộng đường Minh Khai, áp lực giao thông vào giờ cao điểm do những “nút cổ chai” gây ra ở các điểm Minh Khai - Đại La, Minh Khai - Kim Ngưu, Minh Khai - Tam Trinh...
Ngõ 80, 82, 84 Chùa Láng (quận Đống Đa)
Phố Chùa Láng, nơi tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện, vào những giờ cao điểm luôn xảy ra tình trạng ách tắc nghiêm trọng do lưu lượng người tham gia giao thông lớn, đường hẹp, hàng quán “mọc” chi chít trên vỉa hè.
Đặc biệt, từ khi BV Nhi TƯ và BV Phụ sản Hà Nội cho mở cửa phụ đi sang khu vực ngõ 80 Chùa Láng thì giao thông càng trở nên phức tạp.
Đoạn qua Học viện Ngoại giao xe cộ rất đông đúc trong mọi khung giờ
Ngõ 84 lối dẫn vào các bệnh viện thường xuyên ùn ứ giao thông do ô tô, taxi vào đưa đón bệnh nhân
Đường gom từ đường Cổ Linh lên cầu Thanh Trì (huyện Gia Lâm)
Tuyến đường gom nối Cổ Linh với cầu Thanh Trì để ra vào trung tâm thủ đô, thường xuyên ùn tắc và va chạm giao thông, nhất là trong giờ cao điểm. Lượng phương tiện lớn đủ cả xe khách, xe tải, xe máy, xe container... đi ngang qua hay từ trên cầu Thanh Trì đi xuống và từ dưới đi lên cầu diễn ra liên tục, trong khi mặt đường lại hẹp.
Phương tiện lưu thông theo 2 hướng ngược chiều nhau trong một đoạn đường không đủ rộng, cộng thêm việc một số xe ở cả 2 hướng cùng di chuyển lên cầu và xe từ trên cầu di chuyển xuống khiến tuyến đường gom dễ xảy ra ùn tắc.
Rất nhiều phương tiện lưu thông trên tuyến đường gom ra vào trung tâm TP
Ảnh: Cận Tết Nguyên đán, Hà Nội ùn tắc kinh hoàng
Hàng vạn người và phương tiện đổ ra đường dịp cuối năm đã khiến nhiều tuyến phố Hà Nội tắc nghẽn kéo dài. |
Xe cộ đổ dồn về Thủ đô giáp Tết, không khí ô nhiễm báo động
Những ngày giáp Tết, lưu lượng phương tiện tại Hà Nội tăng đột biến gây ùn tắc giao thông. |
2 vụ tai nạn liên tiếp trong vòng 1 tiếng, cầu Thanh Trì ùn tắc hàng dài ngày cuối tuần
2 vụ tai nạn xảy ra trên cầu Thanh Trì theo hướng từ Gia Lâm về trung tâm Hà Nội, khiến nhiều phương tiện bị ... |
Ngày đăng: 08:49 | 30/01/2019
/ https://vtc.vn