Một số bệnh viện của Hà Nội trong tuần qua ghi nhận lượng bệnh nhân thủy đậu nhập viện tăng cao, đặc biệt đã có khá nhiều chùm ca bệnh như trẻ bị lây bệnh ở lớp học rồi về nhà lây sang người thân…

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc thủy đậu tại BVĐK Hà Đông

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ngày 28-3 cho biết, trong tuần qua (từ ngày 17 đến 24-3), số ca mắc thủy đậu trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 86 trường hợp mắc thủy đậu (tăng 16 trường hợp so với tuần trước đó), nâng tổng số ca mắc từ đầu năm 2023 đến nay lên 634 trường hợp, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 6 ca.

Số mắc ghi nhận nhiều ở nhóm tuổi mầm non (37,5%) và tiểu học (36,5%). Bệnh nhân phân bố tại 17/30 quận, huyện, dẫn đầu là Chương Mỹ với 241 ca, tiếp đến là Mê Linh với 96 ca, Ba Vì (83 ca), Nam Từ Liêm (58 ca), Mỹ Đức (51 ca)…

Đặc biệt, thông tin từ các bệnh viện của thành phố cho biết, thời điểm này ghi nhận nhiều người lớn mắc thủy đậu, trong đó có những trường hợp bị lây từ trẻ em.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tuần qua đã tiếp nhận những chùm ca thủy đậu như trẻ nhỏ bị lây bệnh ở lớp học, sau đó khi về nhà lây bệnh sang cho bố mẹ hoặc người thân trong gia đình.

Theo bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, ngay từ giai đoạn thời kỳ ủ bệnh. Do đó, khi bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng, nguy cơ lây cho cả nhà là rất cao. Gần như trong nhà có người mắc bệnh thủy đậu thì nhiều người trong nhà bị lây nhiễm và trong lớp có học sinh mắc thủy đậu thì nhiều bạn trong lớp cũng nhiễm bệnh.

Hà Nội xuất hiện nhiều chùm ca bệnh thủy đậu, đặc biệt đã có cả trường hợp tái phát ảnh 2
Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng cần phòng tránh thủy đậu
 
Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, số trẻ mắc thủy đậu đến khám và điều trị trong tháng 3 này tăng 30% so với tháng trước. Theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng Khoa Nhiệt đới - BVĐK Hà Đông, các trường hợp thủy đậu thường nhập viện với các dấu hiệu như sốt, đau đầu, nhức cơ, nổi ban tròn đỏ khắp cơ thể, tiến triển thành bọng nước, mụn mủ; trẻ có kèm ho và tiêu chảy…

Hay tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung - Khoa Bệnh nghề nghiệp của bệnh viện cho biết, điểm đáng lưu ý là gần đây đã tiếp nhận một số trường hợp tái mắc bệnh thủy đậu.

Theo các chuyên gia y tế, rất hiếm trường hợp bị tái mắc bệnh thủy đậu. Bởi sau khi mắc bệnh, cơ thể đã tự tạo miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, virus gây bệnh sẽ đi sâu vào các rễ thần kinh và tồn tại ở đó, một khi hệ miễn dịch con người suy yếu, virus sẽ hoạt động trở lại.

Số mắc sốt xuất huyết tăng gần 19 lần cùng kỳ năm 2022

Cũng theo CDC Hà Nội, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 17 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước). Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 189 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 19 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 120/579 xã, phường, thị trấn.

https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-xuat-hien-nhieu-chum-ca-benh-thuy-dau-dac-biet-da-co-ca-truong-hop-tai-phat-post535243.antd

Ngày đăng: 08:42 | 29/03/2023

Duy Tiến / ANTD