Ngành chăn nuôi và thú y Hà Nội xác nhận gần 200 xã của Hà Nội tái phát dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Tuy nhiên, số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy chỉ khoảng 200-300 con/ngày.

ha noi xac nhan gan 200 xa tai phat dich ta lon chau phi
Chăn nuôi công nghệ cao góp phần ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết:

Tính đến ngày 4.11, bệnh ASF đã xảy ra tại 32.696  hộ chăn nuôi của Hà Nội (chiếm 40,5% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) trên tổng 2.384 thôn, tổ dân phố của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã (gồm Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm).

Dịch ASF đã khiến 541.330 con lợn bị mắc bệnh và phải tiêu hủy (chiếm 28,9 % tổng đàn) với trọng lượng 37.007 tấn.

Trước câu hỏi của phóng viên về nguyên do dịch ASF tái phát mạnh mẽ trên nhiều xã, ông Nguyễn Ngọc Sơn giải thích: Do đặc điểm của virus ASF và phương thức truyền lây phức tạp nên đến nay trên địa bàn thành phố có 193 xã, phường dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng tái phát trở lại. “Việc tái phát sinh dịch bệnh ở cấp xã chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn ít; nhiều địa phương chỉ phát sinh 1 hộ và đã có 77/193 xã tái phát đến nay đã qua 30 ngày không phát sinh”-ông Sơn nói.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, bệnh ASF là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh. Phòng, chống dịch bệnh chỉ dựa bào thực hiện an toàn sinh học. Virus ASF có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm thịt lợn như xúc xích, giămbông, salami vài chục ngày đến 1.000 ngày (ở thịt đông lạnh); có khả năng chịu được nhiệt độ 56°C trong 70 phút, 70°C trong 20 phút, 100°C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5-11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày; đường lây truyền và cách thức lây truyền của virus ASF rất phức tạp; chưa có nghiên cứu, đánh giá nào cụ thể về việc này.

Trong khi đó, tổng đàn lợn của TP.Hà Nội lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng còn chiếm tỉ lệ cao. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật lớn (800-1.000 tấn/ngày) trong khi việc kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, Luật Thú y không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh, nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ở các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh; các tổ chức, cá nhân dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.

Đặc biệt, việc chỉ tiêu hủy lợn ốm, chết và có kết quả xét nghiệm dương tính đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã gây khó khăn trong kiểm soát, xử lý ổ bệnh và tạo điều kiện phát tán virus.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, so với thời điểm dịch ASF bùng phát mạnh nhất (tháng 5-6), bình quân mỗi ngày phải tiêu hủy đến 7-8 nghìn con lợn, thì nay bình quân mỗi ngày chỉ phải tiêu hủy khoảng 200-300 con. Điều này cho thấy việc kiểm soát dịch đang dần đạt kết quả tốt hơn.

Ngày đăng: 17:10 | 05/11/2019

/ laodong.vn