Thời bao cấp Hà Nội cùng cả nước gồng mình xây dựng miền Bắc, chi viện cho miền Nam ruột thịt chiến đấu chống Mỹ.

Những khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả chi viện cho tiền tuyến”, “Thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ”… treo chi chít trên đường phố Hà Nội. Cả Thủ đô lúc ấy phải trải qua cuộc sống “thắt lưng buộc bụng” theo chế độ phân phối lương thực, nhu yếu phẩm của Nhà nước bằng tem phiếu...

Hà Nội và những ký ức hạnh phúc đơn sơ thời bao cấp ảnh 1
Cảnh buôn bán tấp nập của những cửa hàng tổng hợp, cửa hàng bách hóa...

Những ngày gian khó

Những người sinh trước năm 1983 hẳn vẫn còn nhớ như in cảnh xếp hàng từ sáng tinh mơ mua lương thực bằng sổ gạo, cửa hàng chất đốt dầu hỏa cắt phiếu, cửa hàng thịt lợn, cá biển, nước mắm cắt ô. Những hòn gạch, chiếc nón, cái rá là “đại diện” cho người xí chỗ. Ngày ấy, những gia đình có người đi làm cơ quan, công xưởng, nhà máy, xí nghiệp thường phân công người già, trẻ nhỏ ở nhà xếp hàng mua nhu yếu phẩm. Cuộc sống chỉ xoay quanh cảnh cơm áo gạo tiền. Hễ có được chút ít mấy thứ ấy là vui, cuộc sống chẳng cần gì hơn.

Có điều rất lạ rằng, tuy thiếu thốn, khó khăn, thậm chí cả đói khát, nhưng người Thủ đô lúc bấy giờ vẫn bình thản, vô tư. Cách sinh hoạt, các mối quan hệ, giao lưu vẫn đầy tình người. Những ngày chủ nhật, nghỉ lễ, họ đến với nhau bằng cốc trà xanh pha trong ấm tích, đĩa kẹo vừng, kẹo lạc. Xa xỉ hơn nữa là mời nhau chầu bún chả mà tem mua thịt đã phải nhịn cả tháng để tổ chức được ăn tươi một bữa.

Thời ấy, ngoài những ngày làm việc trong cơ quan ngành văn hóa, chiều thứ bảy tôi thường đạp xe về nhà ăn bữa cơm cùng gia đình. Cảm giác hạnh phúc vô ngần sau cả tuần trời ăn cơm bếp ăn tập thể. Ngay đầu phố tôi ở có cửa hàng ăn uống mậu dịch, từ sáng sớm đã mở cửa phục vụ khách hàng với món điểm tâm duy nhất là mì sợi chan nước suông mà mọi người quen gọi là “mì không người lái”.

Các chị nhân viên mậu dịch quàng chiếc tạp dề trắng, luôn chân luôn tay phục vụ. Khách đến ăn phải xếp hàng theo thứ tự, từng người đưa tích kê nhận bát mì rồi tự bê ra bàn ăn. Món mì, phở “không người lái” đã trở thành thứ quà sáng quen thuộc cho những người đi làm Nhà nước lúc bấy giờ.

Trong quầy hàng, một thùng nhôm to lúc nào cũng sôi sùng sục, đấy là nước dùng. Không xương, không thịt, chủ yếu là nước đun sôi với muối, mì chính, hành khô thái nhỏ phi với mỡ nước đổ vào ngoáy đều. Mỳ sợi gia công đựng trong chiếc rá to đùng đã chần qua nước sôi được chị mậu dịch viên dùng tay bốc vào bát tô dàn sẵn trên bàn. Thế mà vẫn thòm thèm, háo hức như thường.

Giá bát mỳ ngày ấy có 1,5 hào. Đôi lần, cửa hàng được cung cấp thịt lợn. Một chiếc bảng đen viết bằng phấn nguệch ngoạc treo ngoài cửa: “Hôm nay có phở thịt lợn, giá 3 hào/bát”. Tức thì tin tức được truyền đi nhanh như điện. Sáng hôm đó, cửa hàng xuất hiện một hàng dài trật tự ngay từ tinh mơ.

Hà Nội và những ký ức hạnh phúc đơn sơ thời bao cấp ảnh 2
Xếp hàng mua chất đốt thời bao cấp

Niềm vui nho nhỏ

Đến tầm 9 - 10h, cửa hàng ăn uống mậu dịch sẽ chuyển sang bán cà phê, giải khát. Cà phê pha vào những phin to được cải tiến từ cặp lồng nhôm, sau đó sẽ đổ sang một ấm nhôm đã pha đường. Khi khách hàng gọi thì nhân viên sẽ rót vào chiếc cốc thủy tinh rồi bỏ vài cục đá. Hồi đầu, khách sẽ tự ra rá lấy thìa, loại thìa được đục lỗ cho khỏi mất (y như nhiều nhà nghỉ bình dân bây giờ cắt cụt đầu dép nhựa trong phòng để tránh việc khách “vui chân” xỏ luôn mà mất dép). Thế mà loại thìa đục lỗ ấy vẫn cứ bị “thất thoát” nên các cửa hàng mậu dịch đành cho khách dùng đũa để… ngoáy.

Ngoài cà phê thì các cửa hàng còn thứ nước giải khát là siro, giá 1 hào/cốc. Những chai siro đặc màu mận chín được đổ vào thùng nhôm to rồi pha loãng với nước đun sôi để nguội. Khách mang tích kê đến mua, nhân viên sẽ dùng chiếc gáo nhôm múc đổ vào cốc, không quên cho vào vài cục đá. Có thế thôi mà ai nấy rạng rỡ đón cốc nước mát đứng tại chỗ uống liền. Ngày hè nóng nực, được cốc nước lạnh vừa ngọt, vừa thơm, giá lại rẻ khiến người ta khoan khoái làm sao.

Vào những ngày nghỉ, tôi và anh bạn gần nhà thường hay có thú vui dạo phố (hồi đó người ta hay dùng từ “bát phố”). Tối thứ bảy luôn là buổi tối đẹp đẽ, vui sướng nhất của cánh thanh niên. Ngay từ chiều, vừa ăn cơm xong là đã xúng xính chuẩn bị bộ cánh sang chảnh nhất. Đi chơi mùa đông sẽ có hẳn áo nilon trần bông, quần simili lông chuột, đầu chải mượt, chúng tôi cưỡi chiếc xe đạp Junior Tiệp Khắc (hoặc xe cuốc Liên Xô) đã cọ rửa, lau chùi cho sáng bóng từ sáng.

Chúng tôi sẽ cùng nhau lượn lên hồ Hoàn Kiếm, nơi được mệnh danh là “thiên đường Thủ đô” lúc bấy giờ. Quanh khu vực Bách hóa Tổng hợp (nay là Tràng Tiền Plaza), đèn đường lấp lánh, băng rôn, khẩu hiệu treo rộn rã phố phường, người đi lại tấp nập, nhộn nhịp. Từng đôi nam thanh nữ tú chở nhau trên xe đạp, mặt mũi rạng ngời. Những ông bố, bà mẹ dắt con đi chơi cũng tươi như hoa. Được đi chơi Bờ Hồ, thế đã là vui lắm.

Hà Nội và những ký ức hạnh phúc đơn sơ thời bao cấp ảnh 3
Xếp hàng mua bia hơi thời bao cấp

Hoài niệm xa xưa

Lượn vài vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, nếu có tiền thì thế nào cánh thanh niên cũng tấp vào “Bốn Mùa” - cách gọi tắt quen miệng của dân Hà Nội về cửa hàng mậu dịch phục vụ ăn uống cùng tên nằm ven hồ. Ngày ấy, đây là nơi ưa thích nhất của rất nhiều người vì có nhiều trai thanh gái lịch tụ tập. Thêm nữa còn được nghe những bản Tango, Blue nhẹ nhàng, êm dịu.

Ngồi trong đó, đưa mắt nhìn ra ngoài ngắm tháp Rùa được kết đèn in bóng lung linh mặt nước, thấy hạnh phúc cũng chỉ đến thế là cùng. Và khi ngoài phố đã dần vãn người thì chúng tôi sẽ tìm đến nhà sách ngoại văn trên phố Tràng Tiền. Ở đó tối thứ bảy, chủ nhật vẫn hay được nghe đĩa nhạc nước ngoài.

Chúng tôi sẽ ngồi nguyên trên xe đạp, một chân chống xuống đất, còn tai dỏng lên nghe giai điệu quen thuộc La Paloma, Sibone, sóng Danube, Con chim xanh… hay thi thoảng là giọng ca của ca sĩ thần đồng người Ý Robertino Loretti với “Trở về Surriento”, “Mặt trời của tôi”, “Santa Rusia”… qua thùng loa treo ngoài cửa. Nghe nhạc ké thế mà người mỗi lúc một đông, toàn thanh niên đứng hóng trên hè, rồi tràn cả xuống đường.

Cuộc sống cứ thế trôi đi trong êm ả, thanh bình. Tuy có thiếu thốn, khó khăn về vật chất, nhưng tinh thần vô cùng thoải mái. Các hoạt động âm nhạc, thể thao luôn nhộn nhịp. Chưa kể còn cái thú nhất là được xem phim Liên Xô trong các tuần lễ phim kinh điển như “Othelo”, “Người thứ 41”, “Sông Đông êm đềm”, “Đêm giao thừa”, “Tiểu thư Mary”, “Hai số phận, một cuộc đời”, “Trên cao”, “Con đường dốc”…

Và quên làm sao được, cả những cuộc tình hò hẹn trên ghế đá đường Cổ Ngư, những buổi hoàng hôn mùa hạ chở nhau trên chiếc xe đạp đi ăn kem Tràng Tiền… Vậy mà thời nay, khi vật chất đã quá đủ đầy, nhưng hình như người ta lại thấy ít những nụ cười vô tư như ngày ấy.

Những đám cưới thời bao cấp Những đám cưới thời bao cấp
Trở về thời bao cấp với ảnh kỷ yếu sáng tạo của học sinh Hà Tĩnh Trở về thời bao cấp với ảnh kỷ yếu sáng tạo của học sinh Hà Tĩnh
Xem loạt ảnh này mà rưng rưng nhớ thời bao cấp Xem loạt ảnh này mà rưng rưng nhớ thời bao cấp

Ngày đăng: 23:20 | 12/12/2021

/ anninhthudo.vn