Tiếp sau lời hứa của Chủ tịch UBND TP Hà Nội với cử tri, với HĐND TP Hà Nội về các biện pháp hồi sinh các dòng sông, giảm thiểu ô nhiễm không khí bằng việc áp dụng thí điểm vùng phát thải thấp tại 2 quận trung tâm, Hà Nội sẽ tăng cường sự giám sát của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, thực hiện việc không đun bếp than tổ ong, đốt rơm rạ trên toàn TP…

Trong kỳ họp HĐND TP Hà Nội lần 20 HĐND TP Hà Nội khoá XVI vừa diễn ra, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm và chất vấn là việc giải quyết ô nhiễm cho các dòng sông Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu. Đây vốn là các dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí được gọi là sông "chết".

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sông Tô Lịch chỉ có 14km chiều dài nhưng mỗi ngày dòng sông này nhận khoảng 300.000m3 nước thải đô thị từ hơn 300 cống xả thải trực tiếp xuống, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hà Nội cũng đã nhiều lần xử lý ô nhiễm cho sông Tô Lịch, với rất nhiều phương án có sự tham gia của cả các chuyên gia nước ngoài nhưng chỉ được một thời gian, sông Tô Lịch lại trở về là dòng sông bốc mùi ô nhiễm.

Hà Nội
Thử nghiệm đưa nước hồ Tây vào sông Tô Lịch để giải quyết ô nhiễm.

Cách đây 5 năm Hà Nội đã thử nghiệm sử dụng chế phẩm Redoxy 3C để giải quyết tình trạng ô nhiễm, áp dụng trên 100 hồ. Nhưng việc này tiêu tốn rất nhiều tiền và hiệu quả lại không như kỳ vọng. Vấn đề cốt lõi, theo ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi nước thải từ sông Tô Lịch và sông Lừ được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và sông Sét, Kim Ngưu được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở thì không có nước bổ cập cho các con sông này. Chính vì không được cấp nước nên không thể xử lý được ô nhiễm.

Trong buổi kiểm tra tiến độ dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo, đối với công tác dẫn nước sông Hồng, qua hồ Tây về sông Tô Lịch, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, đến 2/9/2025 phải hoàn thành. Và để thực hiện được nhiệm vụ này, Sở Xây dựng Hà Nội đang phối hợp triển khai phương án bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây và bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch bằng đường ống riêng tách biệt. Đồng thời, việc triển khai làm sạch sông Tô Lịch phải triển khai đồng bộ với các sông Lừ, Sét, Kim Ngưu.

Theo ông Võ Nguyên Phong, trước hết phải tách toàn bộ nguồn nước thải ra 4 con sông trên, sau đó bổ cập nước cho các dòng sông này bằng hai nguồn. Nguồn thứ nhất là từ nước thải qua xử lý được trả lại các dòng sông và nguồn thứ hai là bổ cập nước từ sông Hồng. Sở Xây dựng Hà Nội dự kiến có 2 phương án bơm nước từ sông Hồng. Trong đó, phương án dự kiến đặt trạm bơm gần chân cầu Nhật Tân. Hai đường ống sẽ chạy dọc theo đường Võ Chí Công tới nút giao với Nguyễn Hoàng Tôn rồi về tới đường Trích Sài. Tại đây, một đường ống sẽ chạy về hồ lắng để bổ cập nước cho Hồ Tây nếu mực nước Hồ Tây xuống thấp. Một đường ống còn lại sẽ chạy ngầm dưới Hồ Tây, bơm bổ sung, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch với lưu lượng dự kiến là 3m3/s. Đây là phương án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá có tính khả thi. Còn theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thành Nam, đơn vị này đã triển khai đồng bộ nội dung cải thiện môi trường nước 4 con sông trong nội thành. Tuy nhiên quá trình hoàn thiện đề án có những khó khăn nhất định nên chưa trình UBND TP Hà Nội.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, với những động thái quyết liệt từ lãnh đạo TP Hà Nội, hy vọng đến năm 2035, sông Tô Lịch sẽ lại xanh, sạch như hồi năm 1935. TS Hoàng Dương Tùng cũng chia sẻ rộng thêm, phát triển đô thị xanh cần được nhìn nhận dưới góc độ riêng của từng đô thị, và Hà Nội cũng như vậy. Thời gian qua, mặc dù TP đã triển khai rất nhiều các biện pháp nhằm bảo đảm môi trường tại Thủ đô, nhưng có thể nói những biện pháp đó vẫn chưa đủ để xây dựng và phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững.

Không chỉ quyết tâm hồi sinh các dòng sông "chết", Hà Nội cũng vừa có Kế hoạch số 359 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp trên toàn TP. Đáng chú ý, Hà Nội đặt ra mục tiêu xây dựng cơ chế thưởng cho những người cung cấp thông tin hữu ích về các vi phạm liên quan đến xả thải. Đây là một trong những bước đột phá nhằm tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu rộng trong công tác bảo vệ môi trường, từ kiểm soát rác thải, nước thải đến cải thiện chất lượng không khí, nhằm xây dựng một môi trường sống trong lành, bền vững.

Trong kế hoạch này, một trong những mục tiêu quan trọng là khoảng 50% nước thải sinh hoạt đô thị trở lên được xử lý trước khi xả ra môi trường. Mục tiêu này sẽ góp phần cải thiện chất lượng sông hồ, vốn là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhiều năm qua của Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đặt mục tiêu phấn đấu 75% - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình, kiểm soát nồng độ PM2.5 trung bình năm đến năm 2030 ở phần lớn các trạm chuẩn trong khu vực nội đô dưới mức 40 µg/Nm3 và dưới mức 35 µg/Nm3 đối với các khu vực ngoại thành.

Để thực hiện mục tiêu này, kế hoạch nêu chỉ tiêu 100% các công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% khí thải từ các nhà máy công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam; 100% các hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; 100% không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời thực hiện giảm việc đốt vàng mã.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: "Hà Nội sẽ có kế hoạch làm sạch TP. Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm thì mới sạch được. Chúng ta đang đứng ở thời điểm phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, đặc biệt là sau khi luật Thủ đô thông qua".

https://cand.com.vn/Xa-hoi/ha-noi-tung-hang-loat-bien-phap-lam-sach-moi-truong-i753598/

Ngày đăng: 13:44 | 17/12/2024

Chi Linh / cand.com.vn