Để giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông, Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp trong đó có đẩy nhanh xây dựng đường sắt đô thị.
Ông Vũ Hà - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nói như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn VnExpress.
- Trong giai đoạn vừa qua, kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội được đầu tư như thế nào, thưa ông?
- Những năm qua, ngân sách của thành phố đã dành khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường. Trong đó ưu tiến bố trí vốn dành cho giao thông ngoại thành và hỗ trợ các địa phương khu vực ngoại thành đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trung bình khoảng 2.500 tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều công trình giao thông trọng điểm do thành phố thực hiện đã được hoàn thành, góp phần cải thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, giảm ùn tắc hiệu quả như: vành đai 2; cầu Vĩnh Tuy; vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ); quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi); cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - Thanh Niên... Nhờ đó, giao thông đã và đang phát huy tích cực vai trò nguồn lực quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố.
- Ông đánh giá ra sao về kết cấu hạ tầng giao thông ở của thủ đô hiện nay?
- Những kết quả nêu trên mới chỉ là bước đầu, chưa chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của thủ đô. Nguyên nhân do chưa có tuyến vành đai nào được đầu tư hoàn chỉnh; các cầu vượt sông còn thiếu so với nhu cầu.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung chưa đầu tư hình thành đồng bộ; các tuyến đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.
Đặc biệt khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% so với nhu cầu thực tế, 80% là huy động từ các nguồn xã hội hoá (PPP), ODA...
Có thể nói một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Thiếu vốn hay sử dụng vốn không linh hoạt, hợp lý là những nguyên nhân chủ yếu làm chậm bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thủ đô.
-Trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ tập trung phát triển hạ tầng như thế nào?
- Để tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội thì kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước. Trong 5 năm tới, kết cấu hạ tầng giao thông mà Hà Nội tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với năm đô thị vệ tinh.
Hệ thống giao thông kết nối thủ đô với các tỉnh, địa phương thuộc vùng thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm cũng sẽ được quan tâm đầu tư, như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 3, quốc lộ 6, quốc lộ 21, quốc lộ 21B; các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; Các đường vành đai như vành đai 3,5, đường vành đai 4, vành đai 5.
Một số cầu vượt sông cầu vượt sông như cầu Tứ Liên; Hồng Hà và Mễ Sở (vành đai 4); Ngọc Hồi (vành đai 3,5); Đuống 2 (trên QL1A cũ)... Trong đó, tuyến vành đai 3,5 và cầu Ngọc Hồi được hình thành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho vành đai 3 và cầu Thanh Trì đang quá tải.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách liên tỉnh khu vực vành đai 4 theo quy hoạch. Đây là các đầu mối giao thông quan trọng, vận chuyển hành khách kết nối khu vực đô thị trung tâm với các địa phương và tỉnh, thành trong cả nước.
Hà Nội cũng sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông), tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội).
Đặc biệt, thành phố phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm bốn tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo; tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại làm cơ sở khởi công trong giai đoạn tiếp theo.
- Với khối lượng hạ tầng lớn như vậy thì việc huy động vốn như thế nào?
- Để huy động hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, thành phố sẽ tập trung rà soát quỹ nhà, đất để chủ động lập quy hoạch, tổ chức đấu giá, tạo nguồn thu theo đúng quy định.
Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (mô hình đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm) để khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị..., tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý khai thác vận hành chính các tuyến này.
Hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá, vừa tạo nguồn thu vừa tạo mặt bằng phục vụ thi công các công trình.
Thành phố cũng sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải...
Quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội Tuyến số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh; dài khoảng 38,7 km. Tuyến số 2: Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình; dài 35,2 km. Tuyến số 3: Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 21 km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây; tổng chiều dài dự kiến 48 km. Tuyến số 4: Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Bắc Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh; dài 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5. Tuyến số 5: Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc; dài 39 km. Tuyến số 6: Nội Bài - khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và tuyến số 7 tại Dương Nội; dài 43 km. Tuyến số 7: Mê Linh - đô thị mới phía Tây Nhổn - Vân Canh - Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội; dài khoảng 35 km. Tuyến số 8: Cổ Nhuế - vành Đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá; dài khoảng 28 km. |
Ngày đăng: 10:09 | 12/10/2020
/ vnexpress.net