Ngày 9-9, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung người và phương tiện để khắc phục sự cố cây gãy, đổ do bão số 3 gây ra.
Đông Anh: Trồng lại và chăm sóc cây đa trong Khu di tích Cổ Loa
Này 9-9, UBND xã Cổ Loa thông tin, bão số 3 vừa qua đã làm đổ, gãy hơn 400 cây các loại trên địa bàn xã.
Đáng chú ý, tại Khu di tích Cổ Loa, có 23 cây bị đổ, gãy, trong đó có cây đa được trồng trước cửa Am thờ Công chúa Mỵ Châu.
Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương cho biết, đây là cây đa được trồng thay thế cây đa nghìn tuổi, tương truyền từ thời Ngô Quyền. Ngay sau khi bão qua, xã yêu cầu thống kê thiệt hại, đổ, gãy đồng thời cùng lực lượng chức năng tiến hành xử lý, bảo đảm đời sống cho người dân sau bão.
Riêng đối với cây đa và một số cây trồng khác tại Khu di tích, xã yêu cầu các lực lượng chức năng cắt cành, đào đất và trồng lại cây đa tại địa điểm cũ. Đối với cây trước cửa Am thờ Công chúa Mỵ Châu, công tác cắt, trồng khôi phục đã được hoàn thành trong sáng 9-9, Ban quản lý di tích Cổ Loa và xã tiếp tục chăm sóc.
Đối với số cây khác trong Khu di tích và toàn xã, đến nay, các lực lượng đã hoàn thành cắt cành, tổ chức trồng lại đối với những cây có khả năng sống sót cao, cơ bản các cây đều có thể trồng lại.
Quận Bắc Từ Liêm xử lý cây gãy, đổ xong trong ngày 9-9
Ngày 9-9, UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, trên địa bàn quận có 1.944 cây cây xanh bị gãy, đổ do cơn bão số 3; 146,5ha cây hoa màu bị ngập. Đến 6h ngày 9-9, các điểm ngập úng đã rút nước, tình trạng ngập úng không đáng kể.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận đã tập trung chỉ đạo các đơn vị và UBND các phường khẩn trương khắc phục tiếp trong thời gian sớm nhất để bảo đảm sinh hoạt của nhân dân. Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm huy động 100% quân số xử lý các sự cố mất điện, hiện đã khắc phục và khôi phục dần các trường hợp mất điện. Nguyên nhân chủ yếu do cây đổ vào đường điện nên phải cắt điện để bảo đảm an toàn trong quá trình xử lý cây, khi xử lý xong sẽ vận hành trở lại để phục vụ sinh hoạt của người dân.
Quận ủy - HĐND - UBND quận chỉ đạo các phòng, ban, ngành và UBND các phường tuyên truyền nhân dân tập trung khắc phục ảnh hưởng của bão số 3, hỗ trợ cùng chính quyền các cấp thực hiện tổng vệ sinh môi trường, vớt bèo cỏ rác, khơi thông cống rãnh lưu thông dòng chảy, hiện các điểm ngập úng cơ bản đã tiêu thoát. Xí nghiệp Thủy lợi Từ Liêm đã vận hành máy bơm tại Trạm bơm Tây Tựu 1, Tây Tựu 2 để tiêu thoát nước cho khu vực sản xuất nông nghiệp, hiện cơ bản nước đã rút.
Quận cũng bố trí 5 điểm tập kết cây xanh sau xử lý và triển khai phương án "4 tại chỗ", huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, công an, UBND các phường cùng sự hỗ trợ của nhân dân nhanh chóng xử lý cây gãy, đổ.
Đến 6h ngày 9-9, 1.497 cây đổ, gãy trên các tuyến đường giao thông chính của quận đã cơ bản được xử lý xong, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường được thông suốt, thuận lợi. Một số cây gãy, đổ tiếp tục được xử lý xong trong ngày 9-9.
Quận Nam Từ Liêm giải tỏa cây đổ xong trước ngày 12-9
Tính đến 6h30 ngày 9-9, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có 1.229 cây đổ và 421 cây gãy cành. UBND các phường đã chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn thực hiện cắt dọn, di dời đảm bảo an toàn cho người dân và tạo thuận lợi cho việc lưu thông.
Nhằm đảm bảo kịp thời giao thông được thông suốt trên địa bàn quận, đặc biệt là các tuyến đường chính, UBND quận đã tập trung chỉ đạo, huy động toàn bộ lực lượng Quân sự, Công an, đơn vị quản lý cây xanh, các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các phường tập trung toàn bộ trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy trước mắt để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, tuyến phố chính trên địa bàn quận xong trước ngày 9-9.
Cùng với đó, tiếp tục xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh, thu hồi củi gỗ. Việc thực hiện giải tỏa cây đổ xong trước ngày 12-9. Đối với các cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, quý hiếm có giá trị kinh tế cao chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá có thể chống dựng tại chỗ thì triển khai thực hiện, trường hợp không thể chống dựng thì chuyển về vườn ươm của đơn vị để chăm sóc và trồng vào vị trí phù hợp trên địa bàn. Đối với những cây đổ ra lòng đường, để đảm bảo giao thông sẽ chuyển các cây sau khi cắt lên hè để phục vụ công tác trồng lại cây xanh. Việc trồng lại cây xanh dự kiến xong trước ngày 15-9.
Quận Ba Đình: Gần 95% cây xanh gãy, đổ đã được xử lý
Theo UBND quận Ba Đình, tính đến sáng 9-9, toàn quận có 803 cây xanh gãy, đổ. Sau thời gian tập trung tổng lực, các lực lượng chức năng quận đã xử lý 762 sự cố (gần 95%), hiện đang tiếp tục xử lý đối với 41 sự cố. Ngoài ra, ước tính khoảng gần 100 cây xanh bị gãy, đổ trong khuôn viên Công viên Bách Thảo và các vườn hoa, công viên trên địa bàn quận.
Trong bão số 3, trên địa bàn quận Ba Đình còn xảy ra 26 sự cố gãy, đổ cột điện, dây viễn thông, trạm biến áp trên địa bàn 9 phường; đến nay đã xử lý được 20/26 sự cố.
Ghi nhận trong sáng 9-9, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh Viên Hải Tuệ cho biết, lực lượng chức năng phường đã phối hợp xử lý, giải tỏa xong 2 cây bàng nghiêng, đổ chắn lối vào của xe cấp cứu tại cổng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bảo đảm hoạt động cho cơ sở y tế.
Tại phường Đội Cấn, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND phường Đội Cấn Ngô Thị Minh Hằng cho biết, các lực lượng đang tập trung giải tỏa cây đổ ảnh hưởng đến lưới điện và một số cây gãy, đổ khác ảnh hưởng đến nhà dân tại ngõ 210 phố Đội Cấn.
https://hanoimoi.vn/ha-noi-tong-luc-xu-ly-cay-xanh-gay-do-do-bao-so-3-677286.html
Ngày đăng: 14:04 | 09/09/2024
Nhóm PV / HNM.com.vn