19 năm nay, người dân tại thôn Nội (xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã lập trạm thu tiền của người dân và phương tiện khi đi qua cầu bắc qua sông Nhuệ trên địa bàn thôn.
"BOT làng" thu phí suốt 19 năm
Ông Hoàng Tăng Báu (ở xã Vạn Điểm) cho biết, đây là luật lệ của làng xã đã có từ lâu. “Mỗi lần qua đây, phí phải trả là 4.000đ. Nếu không đi qua cầu thì phải đi vòng xa hơn khoảng 4-5km. Dân ở đây đầu tư xây dựng cầu thì họ thu phí. Tôi thấy cũng bình thường”, ông Báu nói.
Ông Nguyễn Xuân Hải - Trưởng thôn Nội, xã Văn Hoàng cho hay, cây cầu được xây dựng từ năm 1998 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất canh tác của người dân. Do kinh phí xây dựng cầu lúc ấy là khá lớn, nên sau khi cầu hoàn thành, cán bộ và nhân dân thôn Nội đã thu phí để duy tu bảo dưỡng.
Theo đó, tất cả người dân không phải là dân thuộc xã Văn Hoàng đều phải trả phí. Tại thời điểm này, mức phí qua cầu như sau: Người đi bộ, đi xe đạp 1.000đ/lượt; người đi xe điện 3.000đ/lượt; người đi xe máy 4.000đ/lượt; ôtô 4-5 chỗ 5.000đ/lượt; các xe có trọng tải lớn lên đến 1 tấn: 10.000đ/lượt.
“Hàng năm, thôn giao thầu cho một hộ trong thôn. Người trúng thầu sẽ có trách nhiệm trông nom, quản lý. Mỗi năm, thôn đều phải dành 30-35 triệu đồng cho việc tu sửa cầu. Nếu thừa, số tiền còn lại sẽ được dùng để chi trả cho các công trình phúc lợi của địa phương”, ông Hải thông tin.
Phép vua thua lệ làng
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu - cán bộ Văn phòng UBND xã Văn Hoàng cho rằng, cây cầu bê tông bắc qua sông Nhuệ do người dân thôn Nội đóng góp xây dựng nên họ thu phí để bảo dưỡng, duy tu cầu hàng năm là chuyện “hết sức bình thường”. Do chính quyền xã không có nguồn kinh phí cho việc bảo dưỡng cầu nên xã đã ủy quyền cho thôn tự thu phí để thực hiện việc này.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng thừa nhận “xét về khía cạnh quản lý nhà nước và pháp luật, việc thu phí là chưa đúng”.
Ông Hiếu cũng thông tin, ngày 7.12.2017, UBND xã Văn Hoàng đã nhận được văn bản số 246/TB-UBND của UBND huyện Phú Xuyên yêu cầu Chủ tịch UBND xã Văn Hoàng dừng ngay việc thu phí cầu tại thôn Nội, xã Văn Hoàng theo đúng quy định pháp luật. Báo cáo đề xuất UBND huyện xử lý vi phạm (nếu có) trước ngày 10.12.2017.
Tuy nhiên, đến nay việc thu phí tại cầu vẫn diễn ra bình thường. Trả lời về việc này, ông Hiếu cho biết, ngày 10.12.2017, UBND xã Văn Hoàng đã có báo cáo lên huyện và đề nghị được tiếp tục thu phí để bảo dưỡng cầu phục vụ việc đi lại sản xuất cho nhân dân cho đến khi UBND huyện triển khai xây dựng cây cầu mới từ trạm bơm Văn Trai qua sông Nhuệ xã Văn Hoàng bằng nguồn vốn của cấp trên.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng về góc độ pháp luật, việc người dân tự ý lập chốt và thu phí là sai. Tuy nhiên, về góc độ xã hội thì việc này đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và người dân xung quanh đó đều tự nguyện đóng góp.
"Theo Luật Phí lệ phí, đây không phải là khoản phí lệ phí được pháp luật quy định nên việc người dân thu là sai. Về vấn đề này, chính quyền cần phải xem xét và có phương án để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân khi cấm người dân thôn Nội thu phí", LS Truyền nói.
Tháo dỡ trạm thu phí hầm sông Sài Gòn 6 năm không hoạt động
Chiều 19.12, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, UBND TPHCM vừa đồng ý cho phép Sở tiến hành tháo dỡ trạm thu ... |
Chính thức giảm phí BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp
Kể từ 0 giờ ngày 20-12, Trạm thu phí BOT Cần Thơ- Phụng Hiệp tại Km2079+535 (thuộc dự án BOT mở rộng quốc lộ 1, ... |
Ngày đăng: 08:02 | 22/12/2017
/ https://laodong.vn