Sau cuộc đại điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô, nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ cho cả chính quyền, các chuyên gia quy hoạch và người dân.

Năm 2008, Đề án mở rộng địa giới hành chính thủ đô được đặt lên bàn Quốc hội. Lý do mà Chính phủ đưa ra là “hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện hữu của Hà Nội không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa, sức hút đầu tư ngày càng lớn và sự gia tăng dân số ngày càng cao”.

Mười năm sau mở rộng, các đầu mối quản lý đã được tinh giản, nhiều trục giao thông cửa ngõ đã thành hình, hạ tầng nông thôn được hiện đại hoá. Song, n

hiều dự tính từ năm 2008 vẫn nằm trên giấy. Quy hoạch Hà Nội đến 2030 đứng trước nguy cơ lùi tiến độ.

Cuộc mở rộng lịch sử

“Việc mở rộng là cần thiết vì một đô thị phát triển phải có đủ diện tích, nếu diện tích quá bé sẽ không đủ điều kiện để chúng ta cơ cấu những chức năng của đô thị” - ông Trần Ngọc Chính, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Tháng 5/2008, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 đã thông qua một quyết tâm chính trị cao trong việc mở rộng Hà Nội. Dù có những tranh luận gay gắt về lý do cũng như hiệu quả, nhưng cùng với việc quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị, Hà Nội được quyết định mở rộng với 92,9% số phiếu đồng ý.

Trong 5 phương án mở rộng Bộ Xây dựng trình, phương án sáp nhập tỉnh Hà Tây, một phần của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình được chọn.

Ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300 km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu người.

Hàng loạt dự án giao thông lớn được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt trên cao Hà Nội Metro… Riêng 8 tuyến đường bộ lớn, tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 2 tỷ USD, một con số tương đương 70% thu ngân sách trong năm 2007 của Hà Nội.

ha noi sau 10 nam mo rong

Một góc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Hạ tầng nông thôn cũng được cải thiện. Đường bê tông chạy tới những xã nghèo nhất ở cực Tây thành phố, nơi sinh sống của đồng bào Mường trước thuộc tỉnh Hòa Bình. Hạ tầng y tế và trường học được đầu tư đồng đều theo mặt bằng thủ đô. Đời sống người dân nhiều nơi được cải thiện.

Viễn cảnh về một đại đô thị trải dài từ tả ngạn sông Hồng đến cận vùng trung du phía Bắc đồng thời cũng tạo ra cơn sốt đất ở nhiều nơi. Giá đất thổ cư tại một số phường của Hà Đông từ quãng 5-7 triệu đồng lên tới 35-40 triệu đồng/m2.Một làn sóng đầu tư bất động sản lớn chưa từng có về các vùng Hà Nội mở rộng được kích hoạt.

Hơn 700 dự án bất động sản được đầu tư, hàng trăm nghìn hecta đất được thu hồi, 180.000 nông hộ bị ảnh hưởng.

Trong hai năm 2011-2012, hàng trăm dự án khắp các vùng Hà Tây và Vĩnh Phúc cũ trở thành dự án treo. Cư dân nhiều địa phương mất đi sinh kế cùng đất nông nghiệp.

“Quy hoạch Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi có những vấn đề đang chệch hướng” - Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu trong một hội thảo tháng 1/2017, chín năm sau ngày mở rộng.

ha noi sau 10 nam mo rong

Áp lực giao thông và mật độ dân cư vùng lõi thủ đô có chiều hướng gia tăng sau 10 năm mở rộng. Ảnh: Bá Đô.

Tương lai chưa rõ nét

Mười năm sau ngày sáp nhập, bên cạnh những điểm sáng, Hà Nội vẫn đang phải rà soát các dự án đầu tư có thu hồi đất, đồng thời hoàn thiện các bản quy hoạch để thực hiện “mục tiêu giãn dân”.

Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất là một trong những địa phương tiêu biểu cho cuộc mở rộng. Mảnh đất bán sơn địa nằm ở cực Tây Hà Nội, trước thuộc Hòa Bình, từng nổi tiếng vì đói nghèo và lạc hậu, nơi các thày cô chỉ ao ước một ngôi trường có sân gạch và tường bao; cán bộ y tế mong có tủ bảo quản vắc xin riêng.

Công cuộc mở rộng thủ đô đã mang đến cho vùng nông thôn này một hệ thống điện-đường-trường-trạm khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% xuống chỉ còn hơn 2%.

ha noi sau 10 nam mo rong

Nhiều dự án dang dở tại vùng Hà Tây cũ trở thành bãi chăn trâu. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường.

Nhưng cuộc sáp nhập cũng mang đến cho Tiến Xuân một trong những khu đô thị treo lớn nhất miền Bắc. Dự án khu đô thị Tiến Xuân với 1.200 hecta đất được thu hồi, nay vẫn nằm trên giấy như rất nhiều dự án lớn khác ở phía Tây Hà Nội.

Sơn Tây, với quy hoạch đến 2030 trở thành một “đô thị văn hóa lịch sử du lịch sinh thái, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp” nay gặp bế tắc trong việc làm du lịch; không phát triển được làng nghề có thương hiệu và giá trị sản xuất nông nghiệp không tăng đáng kể.

Công cuộc xây dựng các đô thị vệ tinh vẫn ngổn ngang. Thậm chí với Hòa Lạc, tiến trình này gần như chưa bắt đầu vì “chưa phê duyệt quy hoạch”. Các tuyến đường kết nối khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên, Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn vẫn chưa hoàn thiện.

Trong khi đó, các vùng đất nông nghiệp trù phú thuộc Hà Tây cũ bị xé nhỏ bởi hàng trăm đại dự án bất động sản.

10 năm qua, cùng với việc đầu tư cho nông thôn, Hà Nội tiếp tục khắc phục các điểm yếu trong quy hoạch và thu hồi nhiều dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch chưa thống nhất về triết lý phát triển Hà Nội trong tương lai: xây dựng “đô thị nén” - tập trung phát triển hạ tầng trung tâm để tăng tải; hay theo đuổi mô hình “đô thị vệ tinh”, giãn dân từ nội đô ra bên ngoài.

Thực tế này khiến không ít người nhớ lại tháng 5/2008, thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng Hà Nội với nhiều kịch tính bất ngờ.

ha noi sau 10 nam mo rong Hợp nhất Hà Nội: 10 năm trước, nói \'dự án tiền tỷ\' thấy ngại

Hạ tầng thay đổi, thu nhập người dân tăng gấp nhiều lần so với các năm trước, lãnh đạo xã Tiến Xuân thật thà: 10 ...

ha noi sau 10 nam mo rong Hợp nhất Hà Nội: Cả tuần mất ngủ vì phải cắt giảm 500 thượng tá, đại tá

Thiếu tướng Phùng Đình Thảo - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô nhiều đêm mất ngủ và sụt cân vì bài toán gần ...

ha noi sau 10 nam mo rong Hà Nội sau 10 năm mở rộng: Giải quyết khối lượng việc khổng lồ “như nước sông Hồng”

Đó là đánh giá của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát về khối lượng công việc TP Hà ...

Ngày đăng: 15:00 | 24/07/2018

/ VnExpress