Sản xuất nông nghiệp của TP.Hà Nội thời gian qua đã hướng tới sản xuất hàng hóa, tuy nhiên tình trạng được mùa mất giá vẫn xảy ra. Trước thực trạng đó, nhiều đơn vị đã vào cuộc nhằm tìm giải pháp kết nối cung - cầu giúp nông dân.
Tiềm năng không nhỏ
Nhằm tháo gỡ nút thắt trong việc kết nối cung - cầu tăng chuỗi giá trị, ngày 6/6, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ứng Hòa tổ chức hội thảo “Tăng cường liên kết sản xuất và kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị”. Qua đó, các chuyên gia trong lĩnh vực cùng với địa phương đã giải đáp nhiều câu hỏi của nông dân, doanh nghiệp về vấn đề này.
Bà Đặng Thị Tươi - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là hơn 18ha thì có tới hơn 13ha là đất canh tác nông nghiệp. Với đặc thù là huyện thuần nông diện tích đất và mặt nước lớn, huyện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi.
Sản phẩm dưa lưới của nông dân xã Phù Lưu (Ứng Hòa, Hà Nội) được trình diễn bày bán bên lề hội thảo. Ảnh: T.A
Ông Triệu Thành Nam - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, cái yếu nhất trong chuỗi giá trị hiện nay chính là khâu kết nối giữa người sản xuất với đơn vị tiêu thụ. “Lâu nay người nông dân vẫn tự làm, tự bán mà chưa có nhiều đơn vị trung gian kết nối, bao tiêu nông sản tới kênh bán hàng. Muốn thúc đẩy chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng giá trị cho hàng hóa thì cần đẩy mạnh khâu này” - ông Nam chỉ rõ.
Vừa qua, huyện đã thực hiện được nhiều mô hình sản xuất rau củ, quả và chăn nuôi theo hướng an toàn. Có thể kể tới: Mô hình liên kết sản xuất lúa J02 tại HTX Đoàn Kết ở xã Hồng Quang; mô hình hợp tác sản xuất tiêu thụ trong chăn nuôi lợn của HTX Hòa Mỹ xã Vạn Thái; mô hình trồng bưởi diễn ở các xã Đồng Tiến, Viên Nội, Hòa Xá.
Ngoài ra, Ứng Hòa còn có các mô hình công nghệ cao như: Mô hình trồng rau trong nhà lưới ở xã Sơn Công, xã Phù Lưu; mô hình trồng dưa trong nhà lưới ở Phù Lưu...
Mặc dù có khá nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng hiện nay việc tiêu thụ nông sản vẫn chỉ được thực hiện nhỏ lẻ, manh mún. Đa phần mạnh ai người đó bán, sản phẩm được bán chủ yếu cho người dân địa phương và các chợ đầu mối nên giá trị hàng hóa không cao.
Ông Nguyễn Trí Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: “Thời gian qua, ngoài những chính sách chung nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển của trung ương và thành phố, huyện Ứng Hòa đã có những cơ chế đặc biệt như: Hỗ trợ thuê đất lâu dài, cho vay vốn, hỗ trợ giống cây, con... nhằm hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao phát triển. Tuy nhiên, việc kết nối đầu ra bao tiêu sản phẩm cho bà con vẫn còn nhiều hạn chế”.
Khó kết nối cung - cầu
Tham gia hội thảo, anh Nguyễn Văn Trung - chủ trang trại dưa lưới ở xã Phù Lưu (Ứng Hòa) cho biết, anh đã đầu tư một dây chuyền trồng dưa tự động của Nhật trị giá gần 1 tỷ đồng để sản xuất. Hoạt động sản xuất khá thuận lợi, sản phẩm cho năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, theo anh Trung, hiện nay sản phẩm của anh chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Khi có sản phẩm ngoài, việc bán ở chợ đầu mối, chợ dân sinh thì phải kêu gọi bạn bè tiêu thụ giúp.
Câu chuyện của anh Trung cũng là câu chuyện chung của rất nhiều nông dân vừa bắt tay mở rộng sản xuất hàng hóa trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, tình trạng nông dân mở rộng vùng sản xuất không theo quy hoạch, hoặc sản xuất tràn lan khi chưa có đủ giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, khiến cho việc liên kết sản xuất, kết nối cung - cầu theo chuỗi gặp nhiều khó khăn.
Bà Vũ Thị Hậu - Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng một số HTX, nông dân tham gia chuỗi liên kết giá trị, hàng hóa đã vào siêu thị vì có chứng nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian, sản phẩm của họ không đảm bảo đủ chất lượng nên đã bị loại khỏi chuỗi giá trị đó. Vì vậy, khi tham gia chuỗi giá trị, ngoài việc đảm bảo đúng cam kết đủ nguồn hàng, thời gian cung ứng, giá thành... thì người sản xuất còn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Còn theo ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP.Hà Nội, để nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa thì chúng ta cần chuyên môn hóa trong sản xuất, cung ứng. Điều đó có nghĩa là “ai làm việc người đó”, người sản xuất chỉ sản xuất, người thu mua chỉ thu mua vận chuyển, còn người bán lẻ chỉ làm công tác bán hàng và hậu mãi. Sự chuyên nghiệp trong cả một quá trình từ cung ứng tới sản xuất, tới vận chuyển, bán lẻ, hậu mãi sẽ mang lại chuỗi giá trị hàng hóa cao hơn.
Động thái mới từ Trung Quốc, Việt Nam buộc phải đổi cách chơi Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc quý I/2019 giảm 6,3% so cùng kỳ năm ngoái do rau quả Việt chỉ được ... |
Trung Quốc bất ngờ cắt cầu: Bà con Lào Cai buồn não ruột Trung Quốc không thu mua, dứa chín đầy nương rẫy, giá chỉ còn 1.800-2.000 đồng/kg nên những ngày này, bà con trồng dứa Lào Cai ... |
Ngày đăng: 13:41 | 13/06/2019
/