Hà Nội nghiên cứu sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 trở vào trung tâm.
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 4/7/2017 của HĐND TP về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030.
Hà Nội dự kiến cấm xe máy tại các quận sau năm 2025 |
UBND TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu nhằm hạn chế ùn, tắc giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm TP với 2 nội dung.
Với Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đo kiểm khí thải mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Liên quan đề án này, ngày 15/6, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có thông báo về kết luận, trong đó giao các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án này trên cơ sở bám sát nội dung đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND.
Đặc biệt, các cơ quan nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.
Với Đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng sẽ xây dựng đề án thu phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo điều kiện để tổ chức thực hiện trong thời điểm thích hợp; xin ý kiến của các cấp các ngành, các nhà khoa học để tổ chức triển khai thực hiện.
Cũng theo báo cáo, thành phố Hà Nội đã xử lý được 63 điểm ùn tắc giao thông, bình quân giải quyết 12 điểm/năm. Năm 2021, thành phố còn 31 điểm (đã xử lý 6 điểm, phát sinh 7 điểm). Các điểm ùn tắc giao thông phát sinh thêm chủ yếu tập trung ở các công trình đang thi công, sẽ được xử lý triệt để khi công trình hoàn thành. Bên cạnh đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng đều hàng năm…
Về mặt tồn tại, hạn chế, theo UBND TP Hà Nội, hiện tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết; Chưa có lộ trình di dời các cơ quan Trung ương trong nội thành.
Bên cạnh đó, các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Với tổng lượt xe buýt hiện nay 140 tuyến tương đương 18.888 lượt xe thì năng lực cung ứng của xe buýt hiện nay là 31% (chưa tính đến năng lực vận chuyển của đường sắt đô thị tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông).
Đồng thời, một số nhiệm vụ liên quan đến những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có tác động đến thói quen sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của rất nhiều người dân trong, ngoài thành phố và các nhóm lợi ích trong xã hội.
Vì vậy, UBND TP Hà Nội cho rằng trong quá trình thực hiện đã gặp phải nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí khác nhau từ dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai một số nội dung còn chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết đề ra, cụ thể là Đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông.
MINH TUỆ
Xe buýt điện VinBus chính thức tham gia mạng lưới vận tải công cộng Hà Nội |
Xe buýt điện VinBus bắt đầu hoạt động ở Hà Nội |
Ngày đăng: 22:06 | 06/12/2021
/ vtc.vn