Sông Hồng là của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, muốn xây dựng phải hỏi ý kiến các tỉnh liên quan và cả Bộ TN-MT.
Bộ NN-PTNT vừa có văn bản chấp thuận với đề xuất của thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã chấp thuận xem xét tình trạng xây dựng tại 20 bãi sông.
Cụ thể, các khu vực được phép xây dựng gồm Bãi Tàm Xá-Xuân Canh được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng mới không vượt quá 61,2ha; bãi Long Biên-Cự Khối được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng mới không vượt quá 48,74ha.
18 bãi sông được nghiên cứu xây dựng không vượt quá 176,65 ha gồm: Phú Châu, Vân Nam, Thượng Cát-Liên Mạc, Hoàng Mai-Thanh Trì, Tự Nhiên, Hồng Thái; bãi Chu Phan-Tráng Việt, Đông Dư-Bát Tràng, Kim Lan-Văn Đức; Mai Lâm, Phù Đổng, Trung Mầu, Giang Biên, Phú Thị, Chi Nam-Đình Tổ, Bối Thuần Mỹ, Trung Giã, Bối Xuân Nộn.
Bên cạnh đó, quy hoạch phòng chống lũ chi tiết đề xuất xây dựng 6 tuyến đường giao thông ở bãi sông gồm các tuyến Chu Phan-Đại Độ, Tàm Xá-Xuân Canh, Chương Dương-Cự Khối, Thượng Cát-Liên Mạc, Nhật Tân-Vĩnh Tuy và Hoàng Mai-Thanh Trì với tổng chiều dài 52,2km, cao trình mặt đường cao hơn mực nước lũ báo động 3 là 0,5m. Với các đề xuất này của Hà Nội, Bộ NN-PTNT đề nghị phải báo cáo Chính phủ xem xét quyết định.
Bình luận về đề xuất trên của Hà Nội, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định, Hà Nội không nên mạo hiểm xây dựng nhà và các tuyến đường ở các bãi sông.
Phân tích cụ thể, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê được Bộ NN-PTNT gửi cho Hà Nội từ lâu, bản thân Hà Nội cũng đã cho đánh giá và cử các cơ quan tính toán lại.
Theo chuyên gia, việc xây dựng nhà và các tuyến đường ở 20 bãi sông ở Hà Nội chứa rất nhiều rủi ro. Ảnh minh họa: Hà Nội mới
Theo tính toán của TP Hà Nội, mật độ xây dựng trên các bãi sông khoảng 5-10%không làm dâng mực nước lũ, tức tuyến đê hiện nay vẫn an toàn. Ngoài ra, Hà Nội cũng muốn làm 6 tuyến đường giao thông ở bãi sông nhằm mục đích giúp giao thông không bị ách tắc.
Về đề xuất làm đường của Hà Nội, Bộ NN-PTNT cho rằng phải báo cáo Chính phủ xem xét quyết định, theo GS Hồng, là đúng. Tuy nhiên, với việc xây dựng nhà ở bãi sông, ông không đồng tình.
"Theo Bộ NN-PNTN, việc xây dựng không tạo ra lũ nhiều, nhưng điểm này chưa được một cơ quan nào thẩm định lại vì ở đây chỉ có Bộ NN tính. Việc này phải có ý kiến của các tỉnh ở vùng đồng bằng sông Hồng như Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và cả Vĩnh Phúc - phần thượng nguồn của Hà Nội.
Khi Hà Nội cho xây dựng nhà như vậy, cộng với việc làm đường thì không gian thoát lũ bị thu hẹp. Khi ấy, nó sẽ làm dâng mực nước ở thượng lưu và thu hẹp dòng chảy ở hạ lưu khiến phía dưới bị xói nhiều. Phía thượng lưu, tất cả các bãi sông khi ngập nước sẽ bị úng.
Sông Hồng không phải của riêng Hà Nội mà của cả vùng đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng đã giao cho Bộ TN-MT lập quy hoạch khai thác tài nguyên nước ở đồng bằng sông Hồng và Bộ thấy rằng việc này lớn nên đề nghị đổi thành quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng.
Bộ NN-PTNT có trách nhiệm phòng chống thiên tai, đánh giá lũ lụt nhưng khi thu hẹp dòng chảy, hạ du thiếu nước thì đụng đến trách nhiệm của Bộ TN-MT. Theo đánh giá của Bộ TN-MT, nước ở hạ lưu sông Hồng thiếu rất nhiều, có lúc nước chỉ còn 10cm, nước mặn ở hạ lưu sông Hồng - vùng Thái Bình đã tràn vào sâu tới 27km, gần như vùng đó bị nhiễm mặn hết.
Vì những lẽ đó, Bộ NN-PTNT phải xin ý kiến của Bộ TN-MT về vấn đề xây dựng tại 20 bãi sông ở Hà Nội, đồng thời xin ý kiến các tỉnh ở hạ lưu sông Hồng và thượng lưu Hà Nội xem họ có đồng ý không vì lưu vực sông Hồng là của chung đồng bằng Bắc bộ, không phải của riêng Hà Nội.
Trường hợp Bộ NN-PTNT không hỏi ý kiến Bộ TN-MT và các tỉnh là không hợp lý và không đúng thẩm quyền", GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.
Cũng theo Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, Hà Nội thấy 10 năm nay không có lũ nên không sợ và cho rằng sẽ không có lũ. Tuy nhiên, về điểm này, ông khẳng định có chút nhầm lẫn. Bởi nói đến lũ là phải nói tần suất bao nhiêu năm xuất hiện một lần. Hiện nay Hà Nội thiết kế 500 năm xuất hiện lũ 1 lần và sắp tới thiết kế 700 năm xuất hiện một lần.
"Như vậy, Hà Nội cần mấy trăm năm nữa mới có thể kết luận là không có lũ. Đúng ra UBND TP Hà Nội phải hỏi ý kiến các cơ quan phụ trách về phòng chống lụt bão của TP xem 10 năm không có lũ đã đủ an toàn chưa.
Khi sai kiến thức về lũ, rủi ro là rất lớn bởi tần suất lũ nói trên sẽ xảy ra mà con người không thể đoán trước được.
Khi lũ đến, các khu chậm lũ như Tam Thanh, Vĩnh Phúc đã bị bỏ sẽ khiến vùng đập đáy như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hà Nam không thể chịu nổi. Điều này cũng sẽ gây ra dư luận rất lớn rằng tại sao lòng sông của Hà Nội không để thoát lũ mà lại bắt khu của những vùng đập đáy phải chịu?", vị chuyên gia cảnh báo.
Đối với nhà đầu tư, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, chưa chắc họ đã vào, trừ Nhà nước đầu tư bởi không có một nước nào xây dựng ở bãi sông.
"Tôi tin rằng nếu Hà Nội đi hỏi các thành phố trên thế giới, chắc chắn sẽ nhận được lời khuyên không nên mạo hiểm", ông nói.
Nghìn tỷ bị bỏ hoang
Dư luận thắc mắc, không hiểu cái dự án KTX hiện đại bậc nhất Thủ đô giờ ra sao. |
Hà Nội bác đề xuất cáp treo vượt sông Hồng
Sở GTVT Hà Nội khẳng định việc làm cáp treo vượt sông Hồng thời điểm này là không phù hợp. Loại hình vận tải này ... |
Ngày đăng: 15:04 | 14/12/2018
/ http://baodatviet.vn