Chiều 24/4 vừa qua, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết TP đang xây dựng thêm một nhà máy xử lý rác ở bãi Nam Sơn ngoài nhà máy Thiên Ý. Để "biến bãi rác thành công viên", Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội sớm lên phương án khai quật rác và tổ chức đấu thầu để tìm ra đơn vị tiếp nhận xử lý số rác này.

Đây không phải lần đầu tiên, ý tưởng biến bãi rác thành công viên được người đứng đầu TP Hà Nội nhắc tới. Vào cuối tháng 9/2023, cũng trong buổi tiếp xúc với cử tri huyện Sóc Sơn trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, dự kiến đầu năm 2024, nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) hoàn thành với công suất 2.500 tấn một ngày đêm, cộng với Nhà máy rác Thiên Ý công suất 4.000 tấn tại bãi rác Nam Sơn, TP cơ bản không còn tình trạng chôn lấp rác.

“Hiện có nhà đầu tư đề xuất "móc" toàn bộ số rác đã chôn ở các bãi Nam Sơn, Xuân Sơn lên để đốt. Nhưng do chưa có cơ chế, định mức nên TP đang giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất để sớm xử lý toàn bộ số rác đã chôn. Sau khi xử lý hết số rác chôn lấp trước đó, những khu xử lý rác thải sẽ được xây dựng thành công viên để người dân hưởng lợi chứ không phải chịu đựng nữa", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Hà Nội muốn biến bãi rác lớn nhất thành công viên -0
Bãi rác Nam Sơn là nơi chôn lấp rác thải lớn nhất Hà Nội.

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật để nâng cao đời sống người dân khu vực xung quanh bãi rác Nam Sơn. Theo ông, khi các nhà máy hoàn thành, toàn bộ rác hằng ngày về bãi sẽ được xử lý triệt để. TP cũng sẽ khai quật toàn bộ rác đã chôn lấp trước đây lên để xử lý. "Khi những phần việc trên được triển khai, môi trường bãi rác gần như công viên, trở thành điểm check-in, nơi quảng bá công nghệ xử lý môi trường của TP", ông Nam nói. Để "biến bãi rác thành công viên", Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường sớm lên phương án khai quật rác và tổ chức đấu thầu để tìm ra đơn vị tiếp nhận xử lý số rác này.

Rác thải là vấn đề lớn lâu nay với TP có khoảng 10 triệu dân như Hà Nội. Mỗi ngày, chỉ riêng rác thải sinh hoạt cần phải thu gom, xử lý đã lên tới khoảng 7.000 tấn. Việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt rất lớn này hiện chủ yếu được thu gom về 2 khu liên hợp xử lý rác thải là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Được biết, bãi rác Nam Sơn là khu xử lý rác thải lớn nhất ở Hà Nội, được đưa vào sử dụng từ năm 1996, chủ yếu rác ở đây được chôn lấp. Bãi rác lớn nhất TP này đã gây ô nhiễm môi trường, khiến nhiều lần người dân sống xung quanh phản ứng bằng cách chặn đường không cho xe chở rác vào.

Ý tưởng biến bãi rác Nam Sơn thành công viên công cộng là một ý tưởng được người dân mong đợi. PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển Cộng đồng nhận định, việc cải tạo bãi rác thành công viên là một việc làm đạt được nhiều mục tiêu, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng. Mặc dù vậy, bà An cho rằng, vẫn cần có những điều kiện để hiện thực hóa dự án. Theo đó, bãi rác Nam Sơn phải đủ điều kiện thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, trên cơ sở đó Nhà nước mới có thể tiến hành cải tạo. Bởi cải tạo bãi rác không đủ các tiêu chuẩn quy định có thể dẫn đến việc rò rỉ, gây ô nhiễm môi trường. “Để hiện thực hóa dự án biến bãi rác thành công viên, cơ quan chức năng cần thực hiện khảo sát cụ thể về đặc thù của bãi rác Nam Sơn, xem xét mức độ ô nhiễm và xây dựng lộ trình quy hoạch bãi rác hợp lý. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện phân loại rác triệt để từ đầu nguồn ở các hộ gia đình giúp lượng rác chôn không còn quá nhiều. Từ đó, diện tích chôn lấp xử lý rác thải sẽ giảm đi đáng kể”, PGS.TS An chia sẻ.

Còn theo TS Phạm Quang Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, tại nhiều TP lớn trên thế giới, mô hình biến bãi rác thành công viên đã thực hiện thành công, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng như ở Seoul (Hàn Quốc), ngay từ năm 1992, chính quyền đã biến bãi chôn lấp rác thành công viên Sodokwon nổi tiếng. Nhờ xử lý tốt, quy hoạch bài bản, công viên chủ đề "Dream Park" ngay tại bãi rác rộng lớn đã đem lại không gian vui chơi cho cộng đồng, không hề phát sinh mùi rác. “Chắc chắn việc biến hơn 100ha bãi rác Nam Sơn thành công viên là điều mà từ người dân cho đến chính quyền đều mong muốn.Khi hoàn thành, không chỉ người dân xung quanh bãi rác Nam Sơn mà người dân cả Hà Nội đều được hưởng lợi từ dự án. Không những vậy, ý tưởng biến bãi rác Nam Sơn thành công viên không chỉ mang lại giá trị cho cộng đồng, mà còn giúp Hà Nội xây dựng được nhiều bãi rác hơn bởi khi đó, người dân không còn tâm lý "kỳ thị bãi rác"”, ông Long chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cũng nhận định, việc cải tạo bãi rác thành công viên công cộng hoàn toàn khả thi nếu có lộ trình hợp lý và phương án đánh giá cẩn thận các tác động đến môi trường. “Để hiện thực hóa dự án, Nhà nước cần triển khai quy hoạch địa giới khu vực và cân nhắc cẩn thận, phân chia ranh giới rõ ràng như khu vực nào có thể làm công viên, khu vực nào vẫn có những công trình xử lý rác thải đang hoạt động trên bãi chôn lấp để tránh gây ảnh hưởng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đánh giá tác động đến môi trường. Đặc biệt, cần quan tâm đến vấn đề ảnh hưởng của nước đầu vào và nước thải ra của hệ thống nước rỉ rác của bãi rác Nam Sơn và các hệ thống quan trắc môi trường, các ống thu hồi khí ga. Trong diện tích bãi chôn lấp cần phủ một lớp đất thổ nhưỡng dày khoảng 50-60cm để phục vụ cho việc trồng cây sau này và không nên xây dựng các công trình cao tầng”, ông Dũng nêu ý kiến.

Ngày đăng: 08:17 | 28/04/2024

Chí Linh / CAND