Là thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản lớn nhất nhì cả nước, để đảm bảo thực phẩm an toàn, Hà Nội cần liên kết chặt chẽ và tạo điều kiện cho nông sản an toàn các địa phương có cơ hội được đến với người tiêu dùng Thủ đô.
Đã liên kết với 43 tỉnh, thành cung ứng nông sản
Tại Hội nghị đánh giá kết quả Chương trình phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023 do Sở NN&PTNT Hà Nội cùng Cục Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) tổ chức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực hiện chương trình phối hợp, TP Hà Nội đã triển khai ký kết với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 51 chuỗi so với năm 2022 và 211 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020, tương đương tăng 21%), hoàn thành vượt chỉ tiêu theo chương trình phối hợp.
Riêng Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi, trong đó nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường và xuất khẩu, như: Chuỗi rau an toàn Văn Đức, chuỗi thịt Hợp tác xã Hoàng Long, Vinh Anh, chuỗi trái cây bưởi Diễn Chương Mỹ, nhãn Đại Thành, gạo Bảo Minh...
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều chuỗi giá trị nông sản được triển khai có hiệu quả đã tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Trong năm 2023, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện lấy trên 2.000 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó, 98% mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 650 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, qua đó phát hiện 60 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền 185 triệu đồng.
Lượng thực phẩm đưa vào Hà Nội tiêu thụ phần lớn vẫn từ các tỉnh, thành |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong khuôn khổ chương trình phối hợp, nhiều hoạt động kết nối giao thương như: Hội chợ, Festival, hội nghị, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản vùng miền giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố được thực hiện hiệu quả.
Nhiều sản phẩm vùng miền, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các tỉnh được đưa đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội với số lượng lớn như: Tỉnh Hòa Bình cung ứng trên 1.600 tấn cá sông Đà, trên 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng trên 19.000 tấn rau, củ quả; tỉnh Hải Dương cung cấp trên 30.000 tấn thủy sản; tỉnh Lâm Đồng cung cấp từ 7-10% sản lượng rau của tỉnh cho Hà Nội với trên 66.000 tấn; tỉnh Bình Thuận cung cấp trên 100.000 lít nước mắm...
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiểm soát
Dù vậy, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội vẫn lo ngại về lượng rau củ, nông, lâm thủy sản từ các tỉnh, thành khác đưa về thị trường Hà Nội còn chiếm tỷ lệ lớn trong khi chưa được kiểm soát về chất lượng cũng như nguồn gốc.
Theo đó, diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội rất lớn, diện tích trồng lúa 159.000 ha, diện tích trồng rau đạt 34.000 ha, cây lâu năm 24.000ha; đàn lợn 1,4 triệu con, đàn gia cầm đạt 40 triệu con (đứng đầu cả nước; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung; 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...).
Hà Nội nên tạo điều kiện cho các địa phương đưa sản phẩm nông sản an toàn đến người tiêu dùng trên địa bàn |
Tuy nhiên, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản làm ra mới chỉ đáp ứng 20-70% (tùy theo các sản phẩm) cho hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, hữu cơ...
Chất lượng sản phẩm của từng mùa vụ chưa đồng đều, tỷ lệ sản phẩm truy xuất nguồn gốc còn thấp. Do đó, gây khó khăn cho việc quản lý an toàn thực phẩm của các ngành chức năng.
Công tác kiểm soát quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển từ một số tỉnh, TP về Hà Nội chưa đạt yêu cầu. Do đó, khi các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra về vệ sinh an toàn vẫn phát hiện một số mẫu vi phạm về chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp đánh giá cao công tác phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong mọi tình huống.
Để công tác phối hợp phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Hà Nội cần giới thiệu địa điểm thuận lợi để hỗ trợ các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức điểm bán sản phẩm theo nhu cầu, tập trung vào dịp lễ, Tết, mùa thu hoạch nông sản; đẩy mạnh công tác thông tin, phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội và ngược lại.
Ngày đăng: 08:54 | 20/12/2023
Tuyết Nhung / ANTĐ