Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đề xuất bổ sung đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh 26.000 tỷ đồng và kiến nghị được tháo gỡ những vướng mắc để các địa phương đưa nguồn lực hỗ trợ an sinh đến các đối tượng kịp thời.
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH về tình hình triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP (gói 26.000 tỷ đồng) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo Sở LĐ-TB&XH, trong quá trình triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, các ngành, địa phương đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm, tháo gỡ.
Cụ thể, về chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định, người lao động được hỗ trợ khi thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong thành phần hồ sơ giải quyết chế độ người lao động ngừng việc phải có “Bản sao văn bản” yêu cầu cách ly của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Mặc dù vậy, qua thực tế người lao động trong các khu vực phong tỏa không được nhận quyết định phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc cung cấp bản sao để giải quyết chế độ gặp nhiều khó khăn.
Đối với hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ hỗ trợ cho đối tượng F1 đã hoàn thành cách ly, tại khoản 4, điều 27 của Quyết định số 23 quy định, hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với F1 đã kết thúc cách ly gồm 4 loại giấy tờ, trong đó có “biên nhận thu tiền ăn của cơ sở cách ly”.
Tuy nhiên, đa số đối tượng F1 không có giấy biên nhận thu tiền ăn (cơ sở cách ly không cấp hoặc đã cấp nhưng đánh mất hoặc chuyển khoản chung cả nhóm). Vì vậy, nhiều quận, huyện không thu được hồ sơ, hoặc có rất ít hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Về chính sách vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, điều 38 của Quyết định số 23 quy định, người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Trong khi đó, việc quyết toán thuế đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động thì để hoàn thành quyết toán cần thời gian khá dài.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội, việc quyết toán thuế của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện này, dẫn đến số doanh nghiệp được vay vốn trả lương còn thấp.
Đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác, người lao động không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm làm việc tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã và các đơn vị khác không phải là đối tượng đặc thù của từng địa phương, mà chung của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Do vậy, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đề nghị bổ sung đối tượng nêu trên được hưởng theo Nghị quyết số 68.
Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc trên và báo cáo Chính phủ xem xét, tạo điều kiện để các địa phương đưa nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội đến các đối tượng thụ hưởng kịp thời.
Gói 26.000 tỷ đồng: Hàng rong, quà vặt, buôn chuyến cũng sẽ được hỗ trợ
Cục Thuế Hà Nội vừa có hướng dẫn về điều kiện, thủ tục để hộ kinh doanh được hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng ... |
12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn từ gói 26.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã ban hành nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng ... |
Ngày đăng: 15:11 | 29/08/2021
/ anninhthudo.vn