Thành phố đề nghị người dân không tẩy chay thịt lợn mà ăn chín để đảm bảo an toàn.
Trao đổi với báo chí chiều 12/3, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, toàn thành phố phát hiện 5 ổ dịch tả lợn châu Phi tại khu vực Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm và Sóc Sơn. 170 con lợn bị tiêu huỷ.
Hai ngày qua, thành phố không phát hiện ổ dịch mới, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch vẫn rất cao.
Hà Nội diễn tập ứng phó với dịch tả lợn châu Phi vào ngày 7/3. Ảnh: Ngọc Thành. |
Theo ông Đăng, lợn khoẻ mạnh trong khu vực có dịch vẫn được tiêu thụ nhưng chỉ được giết mổ, bán thịt trong khu vực đó mà không được vận chuyển ra ngoài để tránh lây lan dịch. Nhà chức trách giao cơ quan thú y lấy mẫu test nhanh ở các lò mổ và chợ truyền thống, nếu dương tính thì đề nghị dừng bán và hủy ngay.
"Đây là bệnh chỉ nguy hiểm về mặt kinh tế, không lây sang người. Chúng tôi khuyến cáo người dân ăn thịt lợn bình thường, nhưng phải ăn chín uống sôi, ăn thịt rõ nguồn gốc (kể cả trong thời điểm không có dịch)", ông Đăng nói.
Liên quan việc một số trường học trên địa bàn loại thịt lợn ra khỏi thực đơn, ông Đăng cho biết đã có khuyến cáo các trường nên "mua thịt có nguồn gốc, nấu chín thì rất an toàn". Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, việc chọn thực phẩm là quyền của nhà trường và phụ huynh.
"Người dân nên nấu chín, tuyệt đối không sử dụng tiết canh, nem chạo, thịt hun khói để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm", Chi cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo và cho biết do virus dịch tả lợn châu Phi không lây bệnh sang người, không lây cho các vật nuôi khác.
Hà Nội là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn thứ hai trên cả nước (sau Đồng Nai) với tổng đàn lợn gần 2 triệu con. Nhưng sản lượng thịt lợn của thành phố chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của người dân, còn khoảng 40% phải nhập từ các tỉnh. Tránh tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, Sở Nông nghiệp đã đề xuất thành phố mức hỗ trợ bằng 80% giá thị trường với lợn con và lợn thương phẩm; từ 1,8 đến 2 lần với lợn nái và mức hỗ trợ thấp nhất là 38.000 đồng/kg.
Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với các địa phương liên quan, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm tránh lây lan. Dự kiến từ ngày 15/3 đến 15/4, thành phố sẽ phát động đợt tổng tẩy uế môi trường.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy. Tại Việt Nam ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Tính đến cuối ngày 12/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 136 xã, phường trực thuộc 37 quận, huyện của 13 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định, với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy hơn 14.000 con. |
Võ Hải
Giá heo hơi giảm mạnh sau khi dịch tả châu Phi lan sang 13 tỉnh
Giá heo hơi đang giảm 8.000-12.000 đồng một kg và sụt mạnh ngay cả ở các tỉnh miền Nam dù chưa phát hiện ổ dịch ... |
Ngày đăng: 10:54 | 13/03/2019
/ VnExpress