Trong tuần (từ ngày 29-3 đến 5-4), số ca mắc tay chân miệng ghi nhận trên địa bàn Hà Nội tăng so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp, số ca mắc tay chân miệng tại Hà Nội gia tăng.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 29-3 đến 5-4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 47 trường hợp so với tuần trước đó).
Bệnh nhân phân bố rải rác tại 26 quận, huyện; trong đó, một số đơn vị có nhiều bệnh nhân như: Bắc Từ Liêm ghi nhận 10 ca, tiếp đến là Mê Linh, Nam Từ Liêm - mỗi nơi có 9 ca; Hà Đông, Hoàng Mai - mỗi nơi có 8 ca. Ngoài ra, trong tuần có thêm 1 ổ dịch tay chân miệng tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì với 2 ca bệnh.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 cho đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 424 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 155 ca so với cùng kỳ năm 2023).
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố cũng đã ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng. Hiện còn 4 ổ dịch đang hoạt động.
Không chỉ tại Hà Nội, mà số ca mắc tay chân miệng vào thời điểm này trên cả nước cũng gia tăng. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 8.200 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Cao điểm của bệnh tay chân miệng là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie vi rút A16 và Enterovirus 71 (EV71). Do đó, CDC Hà Nội dự báo, trong thời gian tới, có thể gia tăng ca mắc tay chân miệng.
“Trong tuần tới, sẽ tăng cường giám sát công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại hai huyện Ba Vì và Đông Anh. Đồng thời, tập huấn hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh tay chân miệng cho cán bộ y tế các quận, huyện, thị xã”, CDC Hà Nội nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, tay chân miệng là bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người. Giai đoạn lây lan mạnh là những tuần đầu tiên khi mắc bệnh. Đường lây truyền chủ yếu là đường tiêu hoá, từ người bệnh thông qua dịch tiết mũi họng, nước bọt, kể cả khi hắt hơi, ho cũng phát tán vi rút. Ngoài ra, con đường lây bệnh có thể qua việc tiếp xúc với dịch tiết từ các nốt phỏng, các chất bài tiết của người bệnh trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, rèm cửa, nền nhà…
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Để tích cực phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện 6 biện pháp phòng bệnh: Vệ sinh cá nhân; vệ sinh ăn uống; làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; thu gom và xử lý chất thải của trẻ; theo dõi phát hiện sớm; cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh.
https://hanoimoi.vn/ha-noi-ghi-nhan-124-ca-tay-chan-mieng-trong-mot-tuan-663006.html
Ngày đăng: 08:36 | 08/04/2024
Thu Trang / HNM.com.vn