Trong những chiều suy tư ngang dọc, nhiều lần tôi tự hỏi vì sao, khi nói về vẻ đẹp Hà Nội, người ta vẫn cứ phải đi tìm những điều xưa cũ?
 

Sau một ngày chộn rộn, dòng người hối hả trở về nhà. Những ngày này, nếu bất chợt qua những con phố Nguyễn Du, Bà Triệu, Quán Thánh…, một mùi hương níu lòng ta lại. Thường thì phải mất vài giây bối rối, người ta mới nhận ra mùi hương thân quen, sau một vòng quay của sự xa cách. Hoa sữa. Không phải giữa đông khi hoa sữa nồng nàn, tôi ưa cái hương thơm dịu dàng khi những chùm sữa đầu tiên bung ra, lấp ló dưới những vòm xanh. Tờ lịch báo sang thu đã bóc từ lâu.

ha noi di tim nhung dau yeu
Hoàng hôn trên Hồ Tây

Nhưng tôi biết, rất nhiều người Hà Nội đợi những mùi hương trên phố mới đánh dấu tiết sang mùa. Người chọn sữa, có người lại chọn hoàng lan. Những tinh mơ, hay khi màn đêm buông xuống, bỏ lại những tiếng rú ga, bỏ lại những khói xăng, người ta mượn cớ qua những đường Điện Biên, phố Lý Thái Tổ, hay qua đầu làng Ngọc Hà…, để tìm cho mình một phút chênh chao khi gặp thoang thoảng hương hoàng lan… Thu Hà Nội luôn đến dịu dàng như thế.

Tôi đã giần giận người bạn phương Nam sau mấy ngày thăm Thủ đô và kết luận đất Hà Nội của tôi “chẳng có gì”. Đó không phải người duy nhất nghĩ về Hà Nội như thế. Hà Nội ồn ã. Hà Nội tắc đường. Hà Nội khói xe… Nhưng với tôi, Hà Nội sinh ra không phải để ngắm. Hà Nội của tôi là cô gái duyên thầm. Một cái ào qua vội vã làm sao cảm được lẩn khuất đâu đó nét rêu phong, làm sao có thể cảm được thời gian đọng lại trong nét khắc của người thợ làm dấu gỗ, trong chiếc lá bồ tát ngát những hương hoa của bà cụ già bán để dâng cúng tổ tiên? Và khi những cơn gió đã trở hanh hao, và khi những sợi nắng cứ mỏng dần đi như tơ như tóc, nét duyên của cô gái ấy thêm đằm thắm.

Tôi ưa đứng từ phố Hàng Chiếu mà nhìn ra cửa Ô Quan Chưởng những sớm mai. Hàng rong của những người sống ở ngoài đê thường vào phố qua nẻo ấy. Màu nắng sớm khẽ vàng in dáng xiêu xiêu của những cô, những chị hàng rong trên bức tường đượm màu xưa cũ. Gánh nặng mưu sinh mà vẫn chở cả chất thơ. Hàng hoa, hàng quà đủ cả. Mùa này, không mấy ai không mong những cốm, những hồng. Mùa sen đã úa tàn. Nhưng cây sen vẫn làm nốt nhiệm vụ cuối cùng. Cốm sẽ chẳng thu, nếu không được ướp trong mùi hương của những lá sen già. Những tinh túy của đồng quê được gói cả trong gói cốm xinh xinh, từ cái đượm hương của cọng rơm nếp, đến màu cốm non xanh như ngọc... Gánh hàng rong giờ thay bằng chiếc xe đạp, thường là cà tàng. Dẫu vậy, cái hương vị và sắc màu vẫn chung thủy như quá khứ trăm năm.

Trên tấm bản đồ Hà Nội hơn 3.300 km2, phổ cổ - phố cũ giờ chỉ như một cái chấm nhỏ. Ấy vậy mà, cái chấm ấy vẫn cứ là đại diện của Hà Nội, dù đã bao biến thiên vận đổi sao dời. Người ta bảo phố cổ dày đặc di tích. Tôi không tin vào những thống kê. Nhiều lần tôi đã làm thí nghiệm xem nó dày đến độ nào. Đứng từ một điểm bất kỳ, rồi đi về một hướng bất kỳ, quá lắm là cỡ hai trăm mét, đã gặp nếu không phải một ngôi đình, thì là một ngôi chùa, ngôi miếu. Một trong những nơi tôi từng làm thí nghiệm là phố Nhà Thờ. Đứng từ trước cửa Nhà thờ Lớn, đi ngược ra phía hồ Hoàn Kiếm, mấy chục bước chân, là gặp chùa Bà Đá, ngôi chùa dựng từ thời Lê, trên nền của tháp Báo Thiên lừng danh thời Lý.

Dấn thêm mấy bước nữa, gặp phố Hàng Trống. Rẽ trái một quãng, ta gặp dấu tích còn sót lại của đình Đông Hương. Nếu rẽ phải, mặt sau của Khu Di tích Vua Lê đã ngay trước mắt… Hà Nội là như thế. Cứ ngồi trên xe máy, hoặc giả là xe điện của tour du lịch đi nữa, làm sao có thể thẩm thấu được điều này? Và nếu thả bước qua khu vực này một sớm mai, hay trong một buổi đêm yên tĩnh, ta sẽ có dịp được nghe tiếng bính bong chuông chùa hòa trong tiếng leng keng chuông nhà thờ, có thể lắm, là cả tiếng hát văn từ những ngôi đình, đền vọng lại. Một sự dung hòa đến tài tình khi những tôn giáo thế giới và tín ngưỡng bản địa quần tụ bên nhau trong một góc phố. Cũng đừng quên, Hà Nội còn có một thánh đường Hồi giáo trên phố Hàng Lược, mà quanh nó, cơ man nào là những đình chùa.

Phố cổ - phố chưa bao giờ chịu thôi khiến người ta bất ngờ. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo, người nổi tiếng về những bức ảnh kiến trúc, cuộc sống Hà Nội bảo rằng, sẽ thật nhàm chán nếu những ngôi nhà phố cổ cứ đều chặn chặn một khuôn. Những con phố còn nhiều nhà cổ, nhà cũ, bên một ngôi nhà dáng dấp Á đông, có thể lắm là một ngôi nhà theo kiến trúc Pháp. Cạnh đó, lại là một kiến trúc giao lưu Pháp - Việt. Đông - Tây nằm cạnh nhau. Đông - Tây kết hợp. Thế mà chúng không “cãi nhau” mới lạ. Nếu tìm đến những nét giao lưu văn hóa Đông - Tây, rõ nhất là những kiến trúc, những biệt thự ở khu phố cũ. Người ta sẽ sớm bị mê hoặc với những họa tiết trang trí phương Đông trên những công trình kiến trúc Pháp. Hà Nội còn có những phố làng. Những vùng đất ven kinh thành xưa Kẻ Mơ, Kẻ Mọc, Kẻ Bưởi… Lãng mạn hơn cả, phải kể đến vùng hồ Tây. Xưa, “Tây Hồ bát cảnh” làm nao lòng thi nhân mặc khách. Người ta bảo, ngày trước, khi cuối thu đầu đông, đứng từ đê Cố Ngự (đường Thanh Niên ngày nay), khi bàng sắp mùa rụng lá, rừng bàng Yên Thái sẽ rực đỏ ánh mặt trời lúc hoàng hôn. Cũng khi bắt đầu trở rét, sâm cầm sẽ về rợp trời. Chẳng còn những bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, sâm cầm hồ Tây, hay chợ đêm Khán Xuân… Nhưng vẫn còn đó những rêu phong dấu cũ.

Dọc phố Thụy Khuê, những chiếc cổng làng cổ còn sót lại giữa phố vẫn đang kể chuyện trăm năm. Những chiếc cổng cổ như ưu tư hơn, trong cái se se chuyển mùa này. Nhiều cổng cổ nhất lại chính là làng Yên Thái, nổi tiếng với câu ca “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. Nghe đâu, quận Tây Hồ đang có dự án khôi phục giấy dó Yên Thái để làm du lịch. Liệu mai này, sẽ lại nghe vẳng tiếng chày? Đối diện với Kẻ Bưởi bên kia hồ Tây là những làng hoa. Làng hoa xưa mười phần thì nay chỉ còn một. Nhưng giờ lại có một chợ hoa, “trung tâm giao dịch hoa” của Hà Nội. Chợ họp từ đêm đến sáng. Người ta vẫn kháo nhau, đời không đi chợ hoa Quảng Bá một lần, chưa được xem là yêu Hà Nội. Trong những chiều suy tư ngang dọc, nhiều lần tôi tự hỏi vì sao, khi nói về vẻ đẹp Hà Nội, người ta vẫn cứ phải đi tìm những điều xưa cũ? Những điều tự hào nhất về Hà Nội vẫn cứ khoanh vùng trong những gì thuộc về quá khứ để lại? Tại sao Hà Nội hôm nay chỉ đẹp, chỉ đáng yêu tong những khoảnh khắc nhất định, vào những sớm mai, những đêm khuya, hay những ngày nghỉ, khi mà phố phường vắng vẻ? Hà Nội giờ có hàng chục khu đô thị mới. Cao ốc có cả nghìn. Đại diện cho Hà Nội “mới” - những tòa cao ốc vươn mình lên trong khu phố cũ, len lỏi cả vào trong những ngóc ngách. Rồi đây, lại có những tòa nhà 50-70 tầng mọc lên giữa phố đông. Không ai chê chúng không hiện đại, không đẹp. Song, rất hiếm người dẫn bạn bè mình đến những cao ốc mà hãnh diện với bạn bè rằng: Đây là Hà Nội của tôi. Phải chăng, khi quy hoạch, khi xây dựng, người ta chưa chú tâm đến cái mạch văn hóa, kiến trúc. Để rồi, Hà Nội “mới” chưa bắt được đúng cái mạch chảy của ngày xưa?

Tôi bắt đầu thôi giận người bạn phương xa khi nói những điều chưa hay về Hà Nội. Vẫn những con phố ấy, những hàng cây ấy. Nhưng giờ, mỗi khi cảm xúc về Hà Nội dâng lên, tôi lại phải lặn lội đi tìm những dấu yêu…

ha noi di tim nhung dau yeu Khách Tây: \'Người Hà Nội lười, lúc nào cũng thấy trà đá vỉa hè\'
ha noi di tim nhung dau yeu Xe điện tự chế phóng như bay trên phố đi bộ Hồ Gươm

http://nhipsonghanoi.vn/tin-tuc/cam-nhan/819298/ha-noi---di-tim-nhung-dau-yeu

Ngày đăng: 16:07 | 11/10/2017

/ Theo PV/Báo Hà Nội mới