Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất với UBND TP cho mời đơn vị tư vấn độc lập vào đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt của thành phố.
Nhân viên xe buýt giới thiệu cho hành khách đi xe buýt biết tới bộ quy tắc ứng xử cho lái, phụ xe và hành khách.
Quyết loại doanh nghiệp buýt yếu kém
Liên quan đến hoạt động vận tải hành khách công cộng, theo thông tin của Báo Giao thông, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất với UBND TP cho mời đơn vị tư vấn độc lập vào đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt của thành phố. Cùng với đó, chuẩn bị triển khai Thẻ vé điện tử liên thông để bảo đảm minh bạch doanh thu, thuận tiện cho hành khách khi sử dụng xe buýt.
Ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội bày tỏ quyết tâm nâng cao chất lượng loại hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn bằng giải pháp quyết liệt, yêu cầu các doanh nghiệp phải đồng hành với quản lý Nhà nước, hướng tới mục tiêu tối thượng là vì cộng đồng. Doanh nghiệp cần chủ động đề xuất các giải pháp tăng sản lượng, tăng doanh thu, cải thiện chất lượng phục vụ, nhất là thái độ của nhân viên.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng yêu cầu doanh nghiệp xe buýt xác định rõ mục tiêu của mình là hành khách. Sản lượng khách sụt giảm, các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. Sở GTVT sẽ có những điều chỉnh trong công tác đấu thầu các tuyến buýt mới tới đây để tập trung vào tiêu chí chất lượng.
Đồng thời, đánh giá lại các tuyến đang vận hành, điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ, hiệu quả của các tuyến buýt dựa trên: Sản lượng, doanh thu, trợ giá... để điều chỉnh, thậm chí dừng các tuyến, doanh nghiệp buýt hoạt động không hiệu quả.
Doanh nghiệp buýt xây dựng riêng Bộ quy tắc ứng xử cho lái, phụ xe
Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - doanh nghiệp đang đảm nhiệm vận chuyển hơn 80% lượng khách đi xe buýt trên địa bàn Hà Nội - vừa xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho công nhân lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt.
Bộ quy tắc được ban hành với mục tiêu nhằm nâng cao chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên xe buýt, xây dựng văn hóa xe buýt ngày càng gần gũi, văn minh hơn với người dân Thủ đô.
Theo quy tắc, khi phục vụ hành khách di chuyển trên xe buýt, công nhân lái xe, nhân viên phục vụ có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ; Sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn và giúp đỡ hành khách lên, xuống xe, sắp xếp vị trí cho hành khách; Đeo thẻ, mặc đồng phục đúng quy định; Có thái độ, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện với hành khách, xin lỗi hành khách khi gặp sự cố về dịch vụ; Có thái độ ứng xử đúng mực khi có va chạm trên đường.
Cùng đó, để chung tay xây dựng văn hóa xe buýt, bộ quy tắc cũng đề nghị hành khách khi lên xe giữ gìn trật tự, an ninh, tôn trọng nội quy trên xe; Mua vé và giữ vé để kiểm tra; Nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ có thai; Xếp hàng khi lên, xuống xe tại các điểm dừng, đỗ; Chấp hành sự sắp xếp và điều hành của nhân viên phục vụ trên xe.
Hành khách không nói to, nói tục, chửi bậy, gây ồn ào, mất trật tự trên xe; Không mang hàng hóa, hành lý cồng kềnh lên xe; Không viết bậy, bôi bẩn thiết bị, tài sản trên xe; Không mang phương tiện, vật liệu dễ cháy, nổ lên xe; Không thực hiện hành vi quấy rối (trêu ghẹo, sàm sỡ…) đối với hành khách trên xe.
Bộ quy tắc ứng xử đang được Transerco triển khai, tuyên truyền rộng rãi trên 84 tuyến buýt và hệ thống các nhà chờ của thành phố, hệ thống các bến xe lớn, như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Đan Phượng…
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng: "Doanh nghiệp buýt ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho công nhân lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt sẽ giúp cho cả hành khách, nhân viên lái, phụ xe buýt hiểu rõ về các nội quy mà mình cùng phải thực hiện.
Từ đó, làm căn cứ điều chỉnh hành vi di chuyển trên các tuyến xe buýt theo hướng văn minh, lịch sự hơn. Việc này là cần thiết, chúng tôi cũng đang yêu cầu các doanh nghiệp buýt khác cũng cần phải xây dựng bộ quy tắc như vậy để trong suy nghĩ của người dân hình ảnh xe buýt thủ đô sẽ ngày càng tốt đẹp hơn và họ mong muốn di chuyển, yên tâm di chuyển thay thế phương tiện cá nhân".
TS Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông cho rằng, bộ quy tắc ứng xử ra đời sẽ là động lực để cả nhân viên phục vụ và hành khách đều thay đổi theo hướng tích cực hơn.
"Bộ quy tắc chặt chẽ, chi tiết, hoàn toàn đủ để áp dụng cho người phục vụ và người được phục vụ dịch vụ buýt. Tôi rất kỳ vọng xe buýt Thủ đô sẽ hấp dẫn hành khách hơn nữa trong thời gian tới", ông Bình cho hay.
Còn TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông đánh giá, là doanh nghiệp của thành phố, đảm nhiệm hơn 80% số lượng buýt trên địa bàn đưa ra bộ quy tắc ứng xử là đáng hoan nghênh, chúng ta kỳ vọng chất lượng phục vụ xe buýt trong thời gian tới sẽ được cải thiện hơn nữa.
Tuy nhiên, TS Đức cũng bày tỏ, bộ quy tắc cần thêm một số thông tin chi tiết như khi hành khách và nhân viên phục vụ vi phạm sẽ đưa ra các hướng xử lý thế nào. Đối với nhân viên phục vụ khi lần một thì sao, vi phạm lần hai sẽ thế nào.
Còn hành khách khi vi phạm nhiều lần có cấm sử dụng xe buýt trong một thời gian giống như hàng không vẫn cấm bay không… thì cần được xem xét đưa thêm vào.
Về chất lượng tuyến buýt, theo Sở GTVT Hà Nội, qua đánh giá 153 tuyến và nhánh tuyến, có 38 tuyến và nhánh tuyến đạt 5 sao (chiếm 24,48%); Có 104 tuyến và nhánh tuyến đạt 4 sao (chiếm 67,3%); Có 11 tuyến và nhánh tuyến đạt 3 sao (chiếm 7,84%); Không có tuyến nào bị đánh giá 1 sao và 2 sao.
Với hạng mục xếp hạng tiêu chí doanh nghiệp, trong tổng số 11 đơn vị vận hành buýt của Thủ đô, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đứng đầu và cũng là đơn vị duy nhất đạt tiêu chí 5 sao với điểm đánh giá đạt 85 điểm; 10 đơn vị khác đạt tiêu chí 4 sao với điểm đánh giá đạt từ 65-75 điểm.
Ngày đăng: 08:57 | 25/10/2023
Lê Tươi / Giao thông