UBND TP Hà Nội đã thống nhất thanh toán tạm ứng cho nhà thầu khiếu nại về chậm trễ dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội và yêu cầu nhà thầu sớm quay trở lại thi công đoạn ngầm trong tháng 8/2022.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình triển khai dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tiến độ thực hiện đoạn ngầm dự án (4km tuyến hầm và 4 ga ngầm), quá trình triển khai GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ thi công gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, quá trình thi công 4km ngầm đã có 50 tòa nhà bị ảnh hưởng do có móng xung đột với ống hầm, cần phải phá dỡ 7 nhà và tạm cư 43 nhà. Trong khi đó, khung chính sách và quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho các tòa nhà này còn nhiều vướng mắc về thủ tục dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu từ 1 - 6 năm.
UBND TP đang quyết tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm các tồn tại về GPMB trước ngày 30/9/2022.
Đề cập đến tiến trình làm việc với liên danh nhà thầu Huyndai (Hàn Quốc) - Ghella (Italia) đảm nhận thi công gói thầu CP03 đoạn ga ngầm, ông Dương Đức Tuấn cho biết, việc thương thảo ký kết các phụ lục hợp đồng với nhà thầu cũng hết sức khó khăn.
Đoạn ngầm dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội đã bị tạm dừng hơn 1 năm qua |
Cụ thể, do phát sinh các khiếu nại, tranh chấp hết sức phức tạp do sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng quốc tế FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành, nhà thầu CP03 đã tạm dừng thi công từ tháng 8/2021, đưa các vấn đề tranh chấp và chi phí bổ sung do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng ra Ban xử lý tranh chấp và yêu cầu gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 31/10/2026.
UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án và các Sở, ngành liên quan khẩn trương thương thảo với nhà thầu về phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian, bổ sung kinh phí để sớm quay lại thi công.
“Tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP và nhà thầu vào ngày 5/8, UBND TP Hà Nội đã cam kết một số nội dung quan trọng như: hoàn thành công tác GPMB, bàn giao phần còn lại cho nhà thầu trước ngày 15/10/2022; Thanh toán tạm ứng cho nhà thầu khiếu nại số 1 về chậm trễ ngày khởi công trước ngày 28/8/2022; Tiếp tục thương thảo phụ lục hợp đồng các nội dung còn lại, tuân thủ đúng các điều khoản hợp đồng đã ký và yêu cầu nhà thầu sớm quay trở lại thi công trong tháng 8/2022”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng cho biết, trước những khó khăn phát sinh, UBND TP đã chỉ đạo chủ đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định hiện hành với mốc thời gian thực hiện dự án điều chỉnh từ 2009 - 2022 thành 2009 - 2027.
Trong đó, đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao trong năm 2022. Đồng thời, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng.
Căn cứ vào quy định tại Nghị định 29/2021 của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng trường hợp thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án không thể hoàn thành trong năm 2022, dự án vẫn được tiếp tục thi công, giải ngân và điều chỉnh các hợp đồng để quá trình triển khai dự án không bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chặt chẽ các điều khoản trong hợp đồng FIDIC đã ký kết và việc tuân thủ hợp đồng sẽ được áp dụng trong trường hợp có khác biệt với quy định Việt Nam.
Nhằm đảm bảo tiến độ cấp bách lựa chọn tư vấn hỗ trợ vận hành trong giai đoạn đầu trước ngày 15/10/2022, UBND TP Hà Nội đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong việc lựa chọn tư vấn.
“Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), Bộ GTVT, Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu Nhà nước, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cần tiếp tục ưu tiên, hướng dẫn phối hợp chặt chẽ với UBND TP đẩy sớm công tác nghiệm thu, bàn giao, chứng nhận hệ thống an toàn cho dự án”, UBND TP Hà Nội đề nghị.
Ngày đăng: 08:38 | 08/08/2022
Ngân Tuyền / anninhthudo.vn