“Chung sống an toàn” với dịch Covid-19, nới lỏng nhưng không buông lỏng trong phòng chống dịch là những thông điệp đang được Hà Nội nhấn mạnh trong những ngày này. Nhịp sống bình thường ở Thủ đô đang trở lại trong sự kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh.
Các khu chợ dân sinh tại Hà Nội thực hiện giãn cách nhau 2m giữa người bán và người mua |
Hiệu quả tích cực từ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh
Trong vòng hơn 10 ngày, thành phố Hà Nội đã 3 lần ban hành văn bản nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch. Từ các quy định còn ở mức hạn chế ban hành ngày 16-9, hình thức nới lỏng được mở rộng thêm vào ngày 21-9, và đến ngày 28-9 thì cho phép mở thêm hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời (nhưng không được tập trung quá 10 người) cùng các trung tâm thương mại, cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm, các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về…
Việc Hà Nội từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới được nhiều người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá là phù hợp. Thực tế cho thấy, để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, thành phố đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; tập trung đánh giá tình hình dịch tễ trên địa bàn, xác định nguy cơ; tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; gặp gỡ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.
Trước hết là bằng việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả hai “mũi giáp công” là tầm soát, bóc tách F0 khỏi cộng đồng và hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine phòng Covid-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tranh thủ “thời gian vàng” các đợt giãn cách xã hội, thành phố đã triển khai xét nghiệm tầm soát thần tốc, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm; đã phát hiện và đưa đi cách ly, điều trị kịp thời nhiều ca F0, truy vết và cách ly triệt để các trường hợp F1. Chính nhờ đó mà trong những ngày gần đây, không có ca F0 trong cộng đồng được phát hiện.
Theo con số thống kê, từ ngày 27-4 (thời điểm bùng phát đợt dịch thứ tư) đến nay, trong số 3.973 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 được phát hiện, 3.271 trường hợp đã được chữa khỏi. Hiện trên toàn thành phố chỉ còn 13 điểm phong tỏa, 2.831 người đang cách ly. Đêm 28-9, “điểm nóng” căng thẳng nhất về dịch Covid-19 tại ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) với gần 600 ca liên quan đã được gỡ phong tỏa sau hơn 1 tháng cách ly y tế. Người dân tiếp tục theo dõi sức khoẻ bản thân và người thân tại gia đình chứ không còn phải ở khu cách ly tập trung.
Tập trung đầu tư vào công cụ phòng, chống Covid-19 bằng tiêm vaccine, tính đến hết ngày 29-9, thành phố đã tiêm được gần 7 triệu mũi vaccine, trong đó có hơn 5,8 triệu mũi 1 (đạt 96,7% dân số trên 18 tuổi và 70,2% tổng dân số), gần 1,2 triệu mũi 2 (đạt 19,4% dân số trên 18 tuổi và 14,06% tổng dân số). Những người chưa tiêm là đối tượng nằm ngoài quy định và những người có bệnh chưa thể tiêm.
Bên cạnh biện pháp về y tế, quản lý, việc triển khai các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến ngày 29-9, tổng số địa điểm quét mã QR trên địa bàn thành phố là 464.079 địa điểm, tăng 198.491 địa điểm so với ngày 16-9 là thời điểm bắt đầu nới lỏng giãn cách. Tổng số tờ khai báo y tế trên hệ thống phần mềm là 8.882.997.
Hà Nội còn là một trong những địa phương đã triển khai tốt, ứng dụng và khai thác hiệu quả nền tảng khai báo y tế điện tử để giám sát, xử lý các trường hợp ho, sốt, khó thở… của người dân. Qua thông tin khai báo 13.579 trường hợp ho, sốt qua ứng dụng Bluezone và tokhaiyte.vn, cơ quan y tế của Hà Nội đã xác định 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (chiếm 0,7%); truy vết tiếp xúc và tiếp tục xét nghiệm các trường hợp liên quan, đã phát hiện thêm 691 ca mắc tại cộng đồng thuộc chùm ho sốt thứ phát. Tổng số F0 phát hiện được từ hoạt động giám sát người có triệu chứng nghi ngờ chiếm gần 40% số ca mắc ghi nhận của toàn thành phố.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn để khôi phục sản xuất, dịch vụ
Kết quả đó đã mở ra những điều kiện cần thiết để Hà Nội áp dụng những giải pháp đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, vừa chống dịch, vừa lao động sản xuất. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đang áp dụng Chỉ thị 15 chứ chưa phải nới lỏng hoàn toàn. Dù dịch bệnh đã nằm trong tầm kiểm soát nhưng với biến chủng mới Delta rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh, chưa thể nói thành phố đã thực sự an toàn.
Tinh thần chỉ đạo chung của thành phố là nới lỏng nhưng không buông lỏng, tiếp tục coi phòng chống dịch là nhiệm vụ số 1. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu ngay cả khi xem xét nới lỏng một số hoạt động dịch vụ thì vẫn phải tuyệt đối không được chủ quan, lơ là chống dịch vì nguy cơ các ca F0 cộng đồng vẫn còn. Chỉ cần tâm lý chủ quan, “xả hơi” xuất hiện ở một vài nơi, một vài người, cũng có thể dẫn đến những hệ quả khó đoán trước, làm uổng phí công sức của cả xã hội.
Thực tế những ngày gần đây cho thấy, vẫn có một bộ phận người dân rất chủ quan. Mặc dù thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời với yêu cầu không được tập trung quá 10 người, nhưng tại nhiều nơi công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang. Cũng có tình trạng các cửa hàng dịch vụ ăn uống ở một số địa phương thực hiện không nghiêm quy định chỉ được bán hàng mang về và vẫn cho khách ngồi ăn uống tại chỗ.
Vì thế, yêu cầu hiện nay là các địa phương của Hà Nội phải thật cẩn trọng, tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, say sưa với kết quả ban đầu sau thời gian dài thực hiện phòng, chống dịch và nóng vội, chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch.
Để có thể “sống chung” an toàn với Covid-19, điều kiện tiên quyết là phải tiêm vaccine. Hiện tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 tại Hà Nội cơ bản đã được bao phủ. Thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn rà soát tiêm mũi 2 cho người dân theo thời hạn khuyến cáo của từng loại vaccine nhằm đảm bảo hiệu quả tiêm chủng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu này vào đầu tháng 11-2021, trên cơ sở đó tính toán phương án học sinh trở lại trường.
Bên cạnh đó, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh “5K” như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách 2m với người khác, khử khuẩn… Bài học quan trọng nhất trong công tác phòng, chống dịch mà Hà Nội rút ra là mối tương quan từ hai phía chính quyền và người dân. Nếu chính quyền mạnh mẽ quyết liệt trong công tác phòng chống dịch nhưng người dân không hưởng ứng, không tuân thủ sẽ rất khó phòng, chống dịch. Chính vì vậy, điều quan trọng trong công tác phòng chống dịch đó là cân bằng từ hai phía mới đạt được tốt hiệu quả như mong đợi.
Cùng với chống dịch là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, Hà Nội đề ra 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quý 4 năm đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm đạt 4,54%. Chỉ tiêu cao trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp là bài toán khó đặt ra. Tuy nhiên, các cấp chính quyền Hà Nội đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, tháo gỡ mọi rào cản kinh doanh để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất... quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Hà Nội ghi nhận 1 ca dương tính SARS-CoV-2 cộng đồng ở Bệnh viện Việt Đức
Chiều 30/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thông tin trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại Bệnh viện Hữu ... |
Ngày đăng: 06:59 | 01/10/2021
/ anninhthudo.vn