Liên quan đến việc hỗ trợ người dân Sóc Sơn ảnh hưởng bởi rác thải, Hà Nội cho phép UBND huyện Sóc Sơn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân.
UBND thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn chịu trách nhiệm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân, trong đó có chính sách thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng. Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm chi trả tiền theo đúng phương án đã được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt theo quy định và theo thẩm quyền.
Yêu cầu Ban Quản lý dự án và UBND huyện khẩn trương chi trả tiền đối với các phương án đã có quyết định phê duyệt, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng Dự án.
Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn thực hiện phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư, cụ thể các trường hợp đã có kết luận rõ của Thanh tra Thành phố về việc cấp giấy chứng nhận sai quy định, UBND huyện Sóc Sơn cần thu hồi các giấy chứng nhận đã cấp sai, đồng thời phê duyệt phương án bồi thường đất ở theo đúng hạn mức quy định của pháp luật về đất đai.
Với các trường hợp chưa đủ cơ sở để Thanh tra Thành phố ra kết luận, UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn rà soát và xử lý theo hướng, nếu đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận (với diện tích đất ở vượt hạn mức) theo đúng quy định của pháp luật thì thực hiện bồi thường theo đúng diện tích đất ở ghi trên giấy chứng nhận.
Nếu không đủ điều kiện, UBND huyện phê duyệt phương án theo hạn mức đất ở quy định; Trường hợp các hộ vẫn có kiến nghị, đề nghị được bồi thường theo đúng diện tích đất ở ghi trên giấy chứng nhận, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt phương án theo giấy chứng nhận đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý các sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đối với các trường hợp đã chuyển nhượng hết phần diện tích đất ở trên giấy chứng nhận đã cấp, hiện đang ăn ở trên diện tích đất vườn ao liền kề còn lại, UBND huyện Sóc Sơn thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo đúng loại đất thu hồi và chính sách đã được UBND Thành phố chấp thuận, đồng thời xét bố trí tái định cư cho các hộ theo quy định.
Đối với những thửa đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản không nằm trong cùng thửa đất ở, cho phép UBND huyện Sóc Sơn ngoài việc bồi thường theo giá đất nông nghiệp, được áp dụng chính sách hỗ trợ khác tối đa không vượt quá mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định của UBND Thành phố.
Đối với các trường hợp được giao đất tái định cư theo quy định tại các khu tái định cư của Dự án nhưng có số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất không đủ để nộp tiền sử dụng đất theo phương án tái định cư đã được phê duyệt, UBND thành phố cho phép UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt hỗ trợ bổ sung số tiền chênh lệch còn thiếu để đảm bảo các hộ đủ tiền mua đất tái định cư.
Với các tài sản, công trình xây dựng không có đơn giá trong quyết định của UBND Thành phố, Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo phòng Quản lý đô thị huyện thẩm định giá trị dự toán công trình làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ; trường hợp có vướng mắc, báo cáo Sở Xây dựng để được hướng dẫn.
Về chính sách hỗ trợ tạm cư đối với các trường hợp nhận tiền để tự lo tái định cư, UBND thành phố thống nhất ý kiến đề xuất các Sở, ngành, đơn vị dự họp, cho phép UBND huyện Sóc Sơn thực hiện chính sách hỗ trợ tạm cư trong thời gian 6 tháng để các hộ xây dựng nhà ở mới do phải di chuyển chỗ ở.
Trước đó, để bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn, hiện nay TP đã hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế cho các hộ dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 1.000m. Số thẻ bảo hiểm y tế được cấp là 6.268 thẻ (trong đó, xã Nam Sơn: 1.885 thẻ, xã Hồng Kỳ: 1.038 thẻ, xã Bắc Sơn: 3.345 thẻ).
Từ năm 2016, TP đã nâng mức hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng tăng từ 2 - 3 lần quy định cũ. Hàng năm, TP giao UBND huyện Sóc Sơn lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ. Năm 2017: 3,79 tỷ đồng, năm 2018: 5,8 tỷ đồng, năm 2019: 7,66 tỷ đồng.
Cung cấp nước sạch cho người dân 3 xã vùng bán kính 1.000m. Đến nay, số hộ được cấp nước sạch là 2.738 hộ dân trong vùng ảnh hưởng môi trường.
Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Y tế Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn phối hợp khám chữa bệnh cho nhân dân 3 xã. Cụ thể, năm 2016 khám 3.226 lượt. Năm 2017 là 9.860 lượt. Năm 2018 là 8.076 lượt. Năm 2019 là 11.303 lượt . Năm 2020 là 10.082 lượt. Đồng thời, thường xuyên thực hiện phun thuốc diệt ruồi, muỗi trong vùng ảnh hưởng môi trường...
PV (th)
Hà Nội đối thoại với người dân sống gần bãi rác Nam Sơn |
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh chỉ đạo khắc phục tồn tại của bãi rác Nam Sơn |
Dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Có khuyết điểm của chính quyền |
Ngày đăng: 10:39 | 05/11/2020
/ Nghề nghiệp và cuộc sống