Sở Y tế Hà Nội kiểm tra 40 bệnh viện cả công lập và tư nhân, trong đó có 7 bệnh viện an toàn ở mức thấp, Bệnh viện Mắt Sài Gòn-Hà Nội 1, Bệnh viện Mắt Việt Nhật, Bệnh viện Mắt Hi-Tech không an toàn.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc tại cuộc họp. (Nguồn: Vietnam+)
Chiều 21/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội đã họp trực tuyến với các quận huyện để tiếp tục triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý chỉ đạo hội nghị.
Ba bệnh viện không đảm bảo an toàn phòng dịch
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, từ ngày 19-21/8, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân tại Bệnh viện E, chiều 20/8, sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, Bộ Y tế đã rút trường hợp BN 994 ra khỏi danh sách những người mắc COVID-19 và cho phép bệnh viện E tiếp tục hoạt động trở lại.
Ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết, đến 12 giờ ngày 21/8 đã lấy được 71.842 mẫu các trường hợp về từ Đà Nẵng; đã có kết quả 49.158 mẫu, ghi nhận 1 trường hợp dương tính (BN979). Đến nay cả 30 quận, huyện, thị xã đã cơ bản hoàn thành công tác lấy mẫu xét nghiệm.
Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 40 bệnh viện cả công lập và tư nhân. Qua đó, 30 bệnh viện được đánh giá là bệnh viện an toàn; 7 bệnh viện an toàn ở mức thấp; 3 bệnh viện không an toàn là Bệnh viện Mắt Sài Gòn-Hà Nội 1, Bệnh viện Mắt Việt Nhật, Bệnh viện Mắt Hi-Tech.
Bệnh viện Mắt Việt-Nhật. (Nguồn: Internet)
“3 ngày qua, Hà Nội không ghi nhận ca mắc, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm vẫn tiềm ẩn nhất là trong bệnh viện và tại nhà hàng, quán ăn. Vì vậy, cần tiếp tục chủ động, kiên quyết triển khai hiệu quả, mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch,” ông Hoàng Đức Hạnh nhận định.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường cho biết người dân bày tỏ phấn khởi khi biết thông tin Bệnh viện E đã dỡ bỏ cách ly.
Tuy nhiên, người dân vẫn còn tỏ ra lo lắng khi vẫn còn một cơ sở y tế để bệnh nhân di chuyển nhiều và tiếp xúc nhiều với cán bộ y tế.
Đáng chú ý, ông Trường cho biết, nhân dân thấy nhiều nơi chưa tuyên truyền quyết liệt xử lý các vi phạm các quy định về phòng chống dịch.
“Chúng ta đã xử lý những trường hợp vi phạm, song việc tuyên truyền về việc xử lý này chưa nhiều cho nên có cảm giác chúng ta chưa quyết liệt trong việc này,” ông Nguyễn Sỹ Trường cho hay và đề nghị, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các đơn vị về thực hiện những nhiệm vụ được giao trong công tác phòng chống dịch; tăng cường tuyên truyền để nhân dân biết và cùng tham gia giám sát các nhiệm vụ phòng, chống dịch ngay tại cơ sở.
Vẫn còn hàng quán vỉa hè không thực hiện giãn cách
Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch được xem là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Nhân dân thành phố, Ban chỉ đạo, các quận, huyện, thị xã đã có giải pháp phòng chống dịch phù hợp trong từng thời điểm.
Quang cảnh cuộc họp. (Nguồn: Vietnam+)
Ban chỉ đạo cũng đã tận dụng, phối hợp với Bộ Y tế, các chuyên gia hỗ trợ trong qúa trình phòng chống dịch, do đó, đã chủ động về mặt chuyên môn và có những quyết sách kịp thời.
Phó Bí thư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, cấp ủy và người đứng đầu các đơn vị phải coi phòng chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, quán triệt kết luận mới nhất của Thành ủy. Tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
“Trên cùng một con phố mà có chỗ làm tốt, chỗ vẫn bán hàng vỉa hè, không đảm bảo giãn cách. Các quận, huyện, thị xã căn cứ vào quy định của thành phố kiểm tra và xử lý các vi phạm nhất là các hàng quán vỉa hè. Ban chỉ đạo tham mưu Thành ủy khởi động lại 5 đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra đột xuất tại các quận, huyện, thị xã…,” Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố nói.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố cũng lưu ý các quận, huyện, thị xã dưới sự tham mưu cơ quan Y tế chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của cơ quan chuyên môn. Rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, từ Đà Nẵng, kiểm tra và tăng cường hướng dẫn cho các cơ cơ sở y tế, các quận, huyện, thị xã, trung tâm y tế nhất là các cơ sở y tế ngoài công lập.
Rà soát điều kiện để phục vụ phòng chống dịch; tổ chức mua sắm nếu cần thiết trên tinh thần đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền. "Không làm người dân hoang mang nhưng phải có tinh thần phòng chống dịch", bà Ngọc nói.
Đảm bảo phòng dịch phục vụ khai giảng năm học mới
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý nêu 2 bài học lại trường hợp ở Bệnh viện E.
Thứ nhất, ngay khi có thông tin, các đơn vị đã thực hiện đồng bộ công tác; trong 1 đêm rà soát và đưa các trường hợp F1 đi cách ly, tổ chức cách ly F2 tại nhà. Thứ hai, qua xét nghiệm các y bác sỹ; bệnh nhân có bệnh nền nặng đều âm tính.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ngô Văn Quý tại cuộc họp. (Nguồn: Vietnam+)
Ông Quý nhấn mạnh: “Như vậy là trong bệnh viện không có nguồn lây. Tuy nhiên việc bệnh nhân đi qua 4 khoa ở bệnh viện này cũng rất đáng lo ngại và ngay ngày mai (22/8) thành phố sẽ mời Bộ y tế cùng họp với tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh.
Ngoài ra, thành phố cũng đã hoàn thành việc lấy mẫu người từ Đà Nẵng về và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh: “Việc này cũng giúp loại trừ thêm 1 mối lo.”
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố lưu ý nguồn lây bệnh vẫn có thể còn trong hơn 22.000 mẫu người về từ Đà Nẵng chưa có kết quả xét nghiệm; Hà Nội là trung tâm kết nối; người dân còn chủ quan… và nhấn mạnh: “Hiện nay lo nhất là bệnh viện, cửa hàng ăn uống; đám cưới, đám hiếu… Đó là những điểm từng xuất hiện ổ dịch trên cả nước.”
Yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc phòng chống dịch ở cơ sở, theo phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo “Chính quyền xã phường, thị trấn vào cuộc quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn người dân thì sẽ làm tốt. Khi có thông tin phản ánh của người dân hay báo chí về các trường hợp, các nơi vi phạm thì phải xử lý ngay.”
Lưu ý, Sở Y tế và Sở Giáo dục còn chậm chễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn về phòng chống dịch cho các cơ sở giáo dục để phục vụ khai giảng năm học mới, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu chậm nhất đến thứ hai phải ban hành văn bản này bởi “Phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục rất quan trọng vì đây là nơi tập trung đông học sinh phải có hướng dẫn thật cụ thể”./.
Hà Nội: Dừng các hoạt động tại không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm từ 21/8
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có 3 không gian đi bộ gồm khu vực Hồ Hoàn Kiếm, chợ đêm Hàng Đào-Đồng Xuân và ... |
Ngày 20/8, Hà Nội hoàn thành xét nghiệm RT-PCR cho người từ Đà Nẵng về
Hà Nội đã lấy gần 67.000 mẫu xét nghiệm của những người từ Đà Nẵng về Hà Nội trong thời gian từ 15-29/7/2020. |
Ngày đăng: 16:49 | 21/08/2020
/ www.vietnamplus.vn