Một cô giáo huyện Phú Xuyên hát “Hà Lội mến yêu của ta/ Thủ đô mến yêu của ta". Khán giả cười khúc khích, cô giáo không hay biết.
8h sáng cuối tháng 10, tiết tập đọc của lớp 5B trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên (Hà Nội) là bài Đất Cà Mau của nhà văn Mai Văn Tạo. Học sinh đọc ba đoạn, cô giáo Bích Ngọc nheo mắt, căng tai nghe từng từ, đến câu cuối: "Tinh thần thượng võ của cha ông được lung đúc và lưu truyền để khai phá giữ gìn mũi đất tận cùng lày của Tổ quốc", một học sinh đọc sai "n" thành "l".
Cô Ngọc kẻ đường phấn chia đôi tấm bảng, viết lên hai từ "nung đúc", "này" rồi quay xuống lớp yêu cầu học sinh vừa đọc sai đứng lên: "Em chú ý, khi phát âm phụ âm n đầu lưỡi hạ xuống hàm dưới. Nung đúc, này, em đọc lại theo cô". Sau hai lần đọc lại, học sinh đã phát âm đúng.
Tiết học tập đọc của học sinh lớp 5B Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Tất Định
Giờ tập đọc sửa ngọng của cô giáo Bích Ngọc nằm trong chương trình Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n của Hà Nội. Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội vào cuối năm 2008, theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Phú Xuyên có tỷ lệ giáo viên, học sinh nói ngọng "l, n" nhiều nhất thành phố. 30% trong tổng số 890 giáo viên được khảo sát phát âm ngọng, 48% trong hơn 13.560 học sinh ngọng, viết sai "l, n".
Tiểu học thị trấn Phú Xuyên có 43 giáo viên thì 42 người phát âm sai "l, n"; 86% học sinh ngọng. Một cô giáo khi giao lưu văn nghệ giáo viên thành phố đã hát "Hà Lội mến yêu của ta/ Thủ đô mến yêu của ta". Phía dưới khán giả cười khúc khích, cô giáo không biết, say sưa hát hết bài Hà Nội niềm tin và hy vọng.
"Kết thúc buổi giao lưu, giám khảo gọi riêng tôi ra nói nhỏ: Các chị xem thế nào sửa ngọng đi, chứ giáo viên Thủ đô nói ngọng, hát cũng ngọng thì buồn cười lắm", Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Mai nhắc lại. Giống như hầu hết giáo viên trong trường, cô Mai cũng đọc phụ âm n thành l. Phải mất gần một năm cô mới phát âm chuẩn, nói nhanh không bị sai.
Vì tỷ lệ ngọng quá cao, Tiểu học thị trấn Phú Xuyên được chọn là nơi đầu tiên thí điểm chương trình dạy phát âm chuẩn của thành phố, bắt đầu từ tháng 4/2009. Hàng tháng chuyên viên của Sở Giáo dục được mời về trường nói chuyện với giáo viên, học sinh. Bắt đầu mỗi tiết tập đọc, giáo viên đều nhắc lại cách đặt lưỡi phát âm chuẩn "l, n", sửa cho những học sinh nói ngọng.
Trưởng phòng Giáo dục huyện chật vật sửa ngọng
Trực tiếp tham gia tổ chức lớp tập huấn sửa ngọng, đưa tài liệu về trường tiểu học từ những ngày đầu tiên, ông Lưu Luyến, Trưởng phòng giáo dục Phú Xuyên, khi đó đang là phó phòng, chia sẻ mình cũng ngọng và bắt đầu ý thức phải tự sửa, nhưng chuyển biến khá chậm. "Mình đứng trước giáo viên, học sinh trong huyện nói thì khó phát hiện vì hầu như ai cũng như mình. Kể cả phát hiện ra, mọi người vẫn ngại nhắc lãnh đạo phòng", ông Luyến kể.
Đầu năm 2012, ông Luyến được luân chuyển về làm Chánh văn phòng UBND huyện Phú Xuyên, người phát ngôn của UBND huyện. Công việc đòi hỏi thường xuyên phát biểu trong các cuộc họp, cung cấp thông tin cho báo chí.
"Tôi đã cố dùng câu diễn đạt khác đi, tránh những từ, câu có phụ âm n mà mình phát âm chưa chuẩn. Nhưng từ Hà Nội vẫn xuất hiện thường xuyên trong báo cáo, bài phát biểu. Tôi đọc Hà Lội, nhiều vị trong phòng họp cười, tiếng cười nhỏ, vẫn đủ để mình nghe thấy. Từ đó tôi quyết tâm phải sửa bằng được, người phát ngôn của huyện không thể nói ngọng", ông Luyến nhớ lại.
Ông Luyến về nhờ vợ là giáo viên ngữ văn chỉ lại cách uốn lưỡi khi đọc "l, n". Hàng ngày ông luyện đọc "Nên nói hay nên làm", "Hà Nội", sau đó nhờ vợ kiểm tra lại. Kiên trì, ông đã sửa thành công. "Bây giờ, tôi nói Hà Nội, l, n nuột luôn", ông Luyến cười lớn, nói nhanh để chứng minh.
Năm 2015, ông Luyến trở lại ngành giáo dục huyện với vị trí Trưởng phòng Giáo dục. Sở Giáo dục thành phố đã không còn đưa ra kế hoạch chương trình sửa ngọng, thay vào đó để các phòng giáo dục tự thực hiện. Riêng Phú Xuyên là một trong số ít huyện ngoại thành còn quan tâm tới chương trình luyện phát âm chuẩn, đưa vào tiêu chí thi đua của các trường, giáo viên.
12 huyện ngoại thành khác của Hà Nội áp dụng chương trình sửa ngọng từ năm 2011, nhưng đến năm 2015 thì dừng. Những huyện tỷ lệ giáo viên, học sinh ngọng cao như Mê Linh, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thường Tín..., việc luyện âm chuẩn "l, n" hầu như không còn được nhắc đến.
10 năm tỷ lệ ngọng của giáo viên Tiểu học Phú Xuyên vẫn là 25%
Theo khảo sát mới nhất của Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên vào tháng 4/2018, có 12 giáo viên (chiếm 25%), 338 học sinh (chiếm 30%) phát âm ngọng. Lý giải sau 10 năm tỷ lệ ngọng vẫn còn cao, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Mai nói: "Trường còn nhiều giáo viên cao tuổi, thói quen từ lâu năm nên sửa phát âm chậm. Sửa nói ngọng cho học sinh gặp khó khăn vì ông bà, bố mẹ, người xung quanh đều ngọng. Ở trường các em nói chuẩn, nghỉ hè xong lại tái ngọng".
Ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ứng Hòa, đánh giá tình trạng giáo viên, học sinh phát âm lệch chuẩn l, n ở huyện còn phổ biến. Trước đây huyện từng áp dụng chương trình sửa ngọng, nay các trường tổ chức dưới dạng chuyên đề, nếu nhiều trường đề xuất thì mở lớp tập huấn. "Nói ngọng do thói quen địa phương, giáo viên học sinh tự ý thức sửa mới được", ông Sơn nói.
Là một trong những người đóng góp ý tưởng xây dựng chương trình Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, đánh giá chương trình đã đạt được hiệu quả tích cực. "Kết quả có thể nhìn thấy ngay là trong cuộc họp giao ban, các hiệu trưởng đã phát âm chuẩn l, n. Học sinh cũng bớt nói ngọng hơn trước rất nhiều", ông nói.
Đánh giá tỷ lệ ngọng hiện vẫn còn cao, ông Tiến cho biết khi làm kế hoạch, Sở bỏ ngỏ thời gian dự kiến hoàn thành, "bởi luyện viết đúng chính tả thì dễ, xóa nói ngọng thì 10 năm, 20 năm thậm chí cả một thế hệ chưa chắc đã thành công". Vì một số lý do khác, Sở tạm thời không triển khai chương trình như trước, nhưng vẫn nhắc nhở các trường thực hiện.
Hạn chế nói ngọng, nói lắp e khó lắm
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa trình UBND TP.Hà Nội Dự thảo Quy định về chuẩn mực văn hóa phát ngôn của ... |
Ngày đăng: 16:44 | 08/11/2018
/