Như Báo Lao Động đã thông tin, dọc tuyến sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn TP.Hà Nội hiện có hàng trăm bến thủy không phép nhưng vẫn công khai hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, lạ một điều, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp ở Hà Nội lại thiếu kiên quyết trong xử lý, mặc cho chúng tung hoành, bất chấp các quy định pháp luật.
Ngang nhiên hoạt động
Men theo tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn Hà Nội, không khó để có thể thấy khoảng 1.000 bến thủy nội địa đang hoạt động công khai. Trong số ấy, rất ít bến thủy có giấy phép hoạt động, đặc biệt là các bến bãi vật liệu xây dựng.
Tại khu vực chân cầu Thăng Long, hàng chục bến thủy nội địa không phép ngang nhiên và công khai hoạt động ngày đêm. Những chiếc tàu, xà lan chở cát, đá ra vào bến liên tục. Bên trên, máy xúc, băng tải, máy bơm hút cát, ôtô tải... rầm rầm như một công trường khổng lồ. Bến thủy không phép to như con voi chứ đâu phải cái kim, nhưng dường như cơ quan chức năng và chính quyền sở tại không hề hay biết.
Còn ở khu vực chân cầu Thanh Trì, những bến thủy không phép hoạt động sôi động không kém. Khu vực thượng lưu, hạ lưu sông Hồng đoạn chảy qua cầu Thanh Trì dài hơn 2km có hàng chục bến thủy không phép đang công khai hoạt động. Thậm chí, nhiều tàu “cát tặc” còn ngang nhiên cập bến, bơm hút cát trực tiếp từ phía dưới tàu lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ của sông Hồng. Thế nhưng, Hà Nội lại “bất lực” không thể xử lý?
Mặc dù thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm những bến thủy không phép hoạt động trên địa bàn, đồng thời tổ chức hô “khẩu hiệu”, ra quân một cách rầm rộ, nhưng rồi đâu lại vào đó. Các bến không phép vẫn hoạt động, trong khi đó an toàn của các phương tiện lưu thông trên sông Hồng, an toàn hành lang thoát lũ, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân thì thường xuyên bị đe dọa. Mà một phần nguyên nhân cũng bởi các bến thủy không phép này.
Ngoài ra, với việc hoạt động “chui”, các bến thủy không phép chỉ cần “làm luật”, còn nhà nước rất khó có thể kiểm soát được các mặt hàng qua bến thủy này, đồng thời thất thu ngân sách là điều dễ thấy.
Chính quyền “bảo kê” hay “bất lực”?
Trên thực tế, vận tải đường thủy nội địa là một trong những hoạt động đem lại nguồn thu rất lớn. Thế nhưng, đối với các bến thủy trái phép, việc thu thuế sẽ tiến hành như thế nào, ai chịu trách nhiệm, kết quả ra sao, không cơ quan chức năng nào dám trả lời. Đó là một lỗ hổng lớn trong quản lý nhà nước mà chính quyền các cấp vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Phải chăng Hà Nội đang “bất lực” trong công tác xử lý đối với các bến thủy nội địa trái phép, hay có một thế lực ngầm nào đó “bảo kê” cho các bến thủy này ngang nhiên lộng hành.
Còn nhớ, khi thực hiện loạt bài: “Bến thủy không phép trên sông Hồng”, phóng viên Báo Lao Động đã rất vất vả mới mục sở thị những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động của các bến thủy nội địa ở đây. Đặc biệt là chất thải vật liệu xây dựng, thậm chí nhiều bãi cát còn chất thải “cao như núi” nằm ngay sát bờ sông, khiến nhiều đoạn sông Hồng sạt lở nghiêm trọng. Ấy thế nhưng, chính quyền ở Hà Nội vẫn dường như coi đó không phải việc của mình, mặc cho các bến thủy trái phép này lộng hành.
Cũng trong quá trình tác nghiệp, Báo Lao Động còn ghi nhận được rất nhiều trường hợp các đơn vị, cá nhân mở bến thủy nội địa trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích và “chỉ mặt, gọi tên” hàng chục doanh nghiệp hoạt động như vậy. Tuy nhiên, đến nay, các bến thủy nội địa trái phép này vẫn công khai hoạt động, bất chấp các quy định pháp luật. Dư luận đặt câu hỏi, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp ở Hà Nội có “bảo kê” cho các bến thủy này, hay “bất lực” trước hành vi của cá nhân, doanh nghiệp (?!).
Hà Nội: Hàng nghìn người nhiều ngày vạ vật xếp hàng xách nước |
Lộc vừng thay lá, Hà Nội đẹp mơ màng |
Quá khủng khiếp: 52 chiếc taxi trên mỗi km2 |
Ngày đăng: 16:16 | 15/09/2019
/ laodong.vn