Sau 35 năm công tác, khi nghỉ hưu cô Phạm Thị Cầm chỉ được nhận hơn 7 triệu đồng tiền trợ cấp 1 lần từ bảo hiểm xã hội mà không nhận được bất cứ đồng lương hưu nào.
Phản ánh tới báo Người Đưa Tin, cô Phạm Thị Cầm Phạm Thị Cầm, SN 1956, trú tại xã Hợp Lý, Lý Nhân, Hà Nam, cho biết: Cô bắt đầu vào công tác trong ngành giáo dục từ năm 1976, sau 35 năm đi dạy, khi nghỉ công tác vào tháng 10/2011. Tuy nhiên, thay vì số tiền lương hưu ổn định hàng tháng để trang trải cuộc sống tuổi già thì cô chỉ được nhận hơn 7 triệu đồng tiền trợ cấp 1 lần từ bảo hiểm xã hội.
Sau 35 năm công tác, cô Cầm được nhận 7 triệu đồng tiền trợ cấp 1 lần.
Chia sẻ với phóng viên, cô Cầm kể: “Năm 1976, tôi được cử đi học tại trường sư phạm Mầm non của tỉnh Hà Nam Ninh. Sau đó trở về quê gây dựng phong trào giáo dục mầm non ở địa phương và gắn bó với nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Lý Nhân. Thời gian bắt đầu công tác, lương của tôi được 7 kg thóc/1 tháng. Rồi cứ thế, đến thời điểm trước nghỉ hưu lương của tôi được 900 nghìn/tháng sau khi đã đóng bảo hiểm”.
“Bao năm cống hiến với hy vọng có lương hưu để rau cháo tuổi già, nhưng thật sốc khi tháng 10/2011 tôi nghỉ hưu và Bảo hiểm thông báo là tôi chỉ được nhận tiền trợ cấp 1 lần với số tiền hơn 7 triệu đồng. Tôi thực sự rất buồn. Suốt bao ngày tháng tôi ăn cơm bằng nước mắt”, cô Cầm nghẹn ngào.
Năm 2002, cô Cầm được Bộ trưởng bộ GD&ĐT tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục.
“Trong suốt thời gian công tác tôi đã luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2002 tôi được Bộ trưởng bộ GD&ĐT tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, đó là thứ duy nhất đến bây giờ tôi có được sau 35 năm công tác, nhưng cũng chẳng có thể giúp tôi có cuộc sống tốt”, cô Cầm nói.
Kể về quá trình công tác và tham gia bảo hiểm xã hội của mình, cô Cầm chia sẻ: “Năm 2004, sau gần 30 năm đi dạy, tôi mới được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Mức lương giáo viên hợp đồng của tôi rất thấp, chỉ có vài trăm nghìn nên số tiền đóng bảo hiểm cũng chẳng được là bao. Tính đến khi về hưu, tôi chỉ có 7 năm 8 tháng tham gia bảo hiểm xã hội”.
Được biết, năm 1991, khi 35 tuổi, cô giáo Cầm kết hôn với một thương binh nặng, bị mù cả hai mắt, khi đó đang được chăm sóc đặc biệt tại trung tâm điều dưỡng thương binh nặng gần nhà. Năm 1995 cô sinh hạ một cậu con trai, từ đó công việc gia đình cũng nhiều hơn. “Thấy tôi lương thấp, chồng bắt tôi nghỉ dạy để ở nhà. Nhưng vì quá yêu nghề nên tôi không nghỉ, sau đó ông ấy đã quyết định bỏ tôi và đứa con. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, con tôi học hết cấp 2 rồi nghỉ đi làm phụ hồ để phụ giúp mẹ”, cô Cầm kể về hoàn cảnh của mình.
“Sau khi nghỉ, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn một gia đình trong xóm đã gửi con cho tôi trong hàng ngày để tôi có tiền trang trải cuộc sống. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, sau đó tay tôi bị yếu và đau nhức không thể bế các cháu được nữa. Hiện tại tôi không thể lao động mà sống nhờ vào tiền con tôi đi phụ hồ thuê ở Hà Nội gửi về”, cô Cầm bùi ngùi.
Chúng tôi sẽ liên hệ với ngành giáo dục tỉnh Hà Nam cũng như phía Bảo hiểm xã hội để thông tin thêm về vụ việc của cô Cầm.
Những áp lực “bủa vây” nhà giáo trong xã hội hiện đại
Trong những ngày cả nước tôn vinh, tri ân đội ngũ làm nghề trồng người cao quý, bên cạnh những “dấu lặng” ngậm ngùi như ... |
Chuẩn giáo viên mới- có chuẩn tiền lương mới?
Chuyện thời sự nhất của “mùa” 20.11 năm nay là hàng trăm giáo viên mầm non nghỉ hưu nhận lương 1,3 triệu đồng/ tháng và ... |
http://www.nguoiduatin.vn/ha-nam-giao-vien-mam-non-cong-tac-35-nam-huong-luong-huu-0-dong-a347100.html
Ngày đăng: 16:00 | 16/11/2017
/ Công Luân/nguoiduatin.vn