Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, giải pháp ban đầu của tình trạng tránh lãng phí sách giáo khoa (SGK) là nhà trường có thể “vay“ tiền của phụ huynh để xây dựng tủ SGK.
Hiện tại, tiến độ xây dựng Chương trình GDPT và biên soạn SGK được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Đến thời điểm này, Chương trình tổng thể (bộ khung của Chương trình GDPT) và tất cả các chương trình môn học đã được các hội đồng quốc gia thẩm định chương trình thông qua. Hiện chúng tôi đã hoàn thành và chuyển sang các vụ chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) để xem xét. Chậm nhất là tháng 10 có thể ban hành được chương trình.
Về việc biên soạn SGK, sau khi Bộ GDĐT công bố dự thảo lấy ý kiến nhân dân (ngày 19.1.2018), một số tổ chức xuất bản đã bắt tay vào việc tổ chức biên soạn SGK mới. Viết SGK là việc cần nhiều thời gian nên không thể chờ toàn bộ Chương trình GDPT chính thức được ban hành rồi mới triển khai.
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới.
Năm học tới hoặc chậm nhất là đầu năm học 2020 - 2021, Chương trình GDPT mới được triển khai. GS có thể chia sẻ triết lý giáo dục của chương trình này?
- SGK lần này là nhằm chuyển một nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang một nền giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực của người học.
Chương trình GDPT mới là một chương trình mở. Mở trước hết là tạo điều kiện cho người học lựa chọn những nội dung học tập phù hợp để từ đó tự phát hiện và phát triển tiềm năng của mình. Chương trình cũng tạo điều kiện phát huy quyền tự chủ, sáng tạo của giáo viên; quyền sáng tạo của người biên soạn SGK.
Còn đối với cơ sở giáo dục, đây là lần đầu tiên Chương trình GDPT không làm thay Ban giám hiệu các trường, quy định số tiết học cho mỗi môn học trong từng tuần. Để chương trình sát hơn với thực tế, đáp ứng yêu cầu về đào tạo nhân lực của mỗi địa phương, Chương trình GDPT dành 245 tiết cho nội dung giáo dục của địa phương.
Hiện có những thông tin cho rằng sẽ xem xét lại chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Tôi rất ngạc nhiên trước những ý kiến bất ngờ về chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”. Dĩ nhiên, về mặt thẩm quyền, Quốc hội hoàn toàn có thể sửa Nghị quyết 88. Nhưng liệu có nên quay trở lại tình trạng độc quyền xuất bản SGK mà một vị đại biểu khác đã lên án gay gắt là “trái luật” không?
Chủ trương của Nghị quyết số 88 thực hiện “một chương trình, nhiều SGK” phù hợp với xu hướng chung của các nền giáo dục tiên tiến, chắc chắn sẽ huy động được nguồn lực của xã hội, tạo điều kiện để các bộ SGK cạnh tranh nhau về chất lượng, làm lợi cho người học.
Giáo dục Việt Nam muốn đổi mới không thể đi ngược với xu thế “một chương trình, nhiều SGK” của thế giới. Việc một môn học có nhiều SGK chắc chắn sẽ phức tạp, nhưng không vì thế mà chúng ta lại không làm.
"Không thể xếp các tác giả SGK vào “nhóm lợi ích SGK”" - GS Nguyễn Minh Thuyết.
Có hay không chuyện nhóm lợi ích đứng đằng sau việc biên soạn SGK, thưa ông?
- Tham gia làm SGK có tác giả sách và đơn vị xuất bản là NXB Giáo dục Việt Nam. Tác giả SGK hiện hành được trả thù lao theo tiết học, cụ thể là 300.000 đồng/tiết (những năm sau tăng lên 500.000 đồng/tiết), mỗi lần sách tái bản được 25% nhuận bút lần đầu. Như vậy có nghĩa là quyền lợi của tác giả không phụ thuộc vào số lượng SGK được in và phát hành, vì vậy không thể xếp các tác giả SGK vào “nhóm lợi ích SGK”.
Có ý kiến phê phán gay gắt tình trạng để học sinh viết vào SGK khiến sách không thể sử dụng nhiều lần. Từ đó, ý kiến này nâng lên thành nhận định đây là “chiêu trò” để NXB Giáo dục in sách, bán sách, phục vụ “lợi ích nhóm”. Tôi không nghĩ rằng NXB Giáo dục ung dung làm trái luật từ hàng chục năm nay mà không có cơ quan nào phát hiện ra?
Tới nay, Nghị quyết số 88 của Quốc hội đã quy định “một chương trình, nhiều SGK”. Luật Xuất bản tuy chưa thay đổi nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã “cấp phép” cho nhiều NXB làm SGK. Chúng ta sẽ phải quen với việc hằng năm có thể xuất hiện những quyển SGK mới có sự thay đổi rõ rệt. Tư duy “quạt tai voi” hàng chục năm không thay đổi mẫu mã chắc cũng sẽ phải thay đổi theo.
Để học sinh không phải lo chuyện mua sách mới, có lẽ đã đến lúc nhà trường phải mua SGK cho học sinh sử dụng tại lớp học như ở các nước phát triển. Chúng ta có thể nghiên cứu phương án tạm thời như vay tiền cha mẹ học sinh để xây dựng tủ SGK ở trường. Cha mẹ học sinh mỗi khoá chỉ cần cho nhà trường vay một lần, cuối khoá lấy lại tiền. Sau từ 3-5 năm, chắc chắn mỗi lớp sẽ có một tủ SGK để học sinh sử dụng.
Hãy để nhiều bộ óc khác biệt nhau cống hiến cho giáo dục
“Thế giới thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, chúng ta không thể khăng khăng một chương trình một bộ sách giáo ... |
GS Nguyễn Minh Thuyết: "Có phải 80 triệu USD chui vào túi mấy ông làm chương trình đâu"
GS Nguyễn Minh Thuyết đã phân tích phần tài chính và thù lao của các chuyên gia khi làm chương trình chương trình giáo dục ... |
GS Nguyễn Minh Thuyết: "Một bộ sách giáo khoa là ngược xu hướng thế giới"
Tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa sẽ phức tạp, nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng không thể sợ điều đó mà đi ngược ... |
Học sinh đọc chữ theo ô vuông, GS Nguyễn Minh Thuyết: "Đó là dẫn dắt vấn đề theo kiểu con tằm nhả ra tơ"
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới cho rằng học sinh luyện tập thao ... |
Ngày đăng: 15:27 | 25/09/2018
/ http://danviet.vn