Khi mẹ nói: “Thầy Đại rất quan tâm đến con, ngày nào đến cũng hỏi về con”, Ngô Bảo Châu trả lời: “Không phải thầy hỏi con mà vì mẹ đẹp đó”.

Chia sẻ về kỷ niệm trong quãng thời gian dạy học tại Trường Tiểu học Thực nghiệm, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cho biết, đến nay ông vẫn không quên được ngày tháng từng gắn bó với những cô cậu học trò của trường, nhất là Ngô Bảo Châu.

Ngày đó, Ngô Bảo Châu hay bị bạn bè bắt nạt nhưng thường không phản kháng. Cậu ấy là học trò học giỏi, làm thơ, làm Toán rất hay, ngày xưa, Châu làm thơ hay tới mức cô giáo không tin đó là do học trò của mình làm.

Khi đó, chính cô giáo nói lại với tôi. Tôi mới bảo, cô đã hỏi học sinh chưa? Cô giáo trả lời: "Nó nói là của nó". Nghe xong, tôi bảo: "Vậy là của nó”.

gs ho ngoc dai tung bi hoc tro ngo bao chau treu choc

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chia sẻ về kỷ niệm của những người học trò khiến thầy nhớ mãi.

Những năm còn gắn bó với trường Thực nghiệm, mỗi ngày thầy Đại thường đặt nhiều câu hỏi với học sinh Ngô Bảo Châu như: “Đi học có vui không?”, “Có muốn đi học không?”... Sự quan tâm này của ông còn bị học trò mang ra trêu chọc.

Có lần, mẹ Ngô Bảo Châu kể lại với GS Đại, khi chị nói với con: “Thầy Đại rất quan tâm đến con, ngày nào đến cũng hỏi về con”. Ngô Bảo Châu trả lời: “không phải thầy hỏi con mà vì mẹ đẹp đó”.

GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ, ông không quan trọng học trò làm chức gì trong xã hội, mà điều quan trọng là sống đàng hoàng, có lý tưởng, bản lĩnh là vui rồi.

Học trò nào ông cũng quý, từ những học sinh học giỏi như Ngô Bảo Châu nay là Giáo sư nổi tiếng, Nguyễn Lân Hiếu nay là Đại biểu Quốc hội và cũng là bác sĩ nổi tiếng, tới những người học trò bình dị, làm công việc thông thường nhưng việc gì cũng giỏi.

Học trò của thầy Đại không biết quay cóp là gì

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cho biết, nhiều người nói học trò ông Đại ngố lắm, không bao giờ biết quay cóp là gì. Mỗi lần ai nói vậy, ông Đại đều rất vui, điều đó cho thấy học trò của ông là những đứa trẻ trung thực và tự tin.

“Ngay từ đầu, tôi tin tưởng vào học trò của mình, nhưng sự thực nhiều bố mẹ thì phải có thời gian mới tin con cái của mình. Tôi bằng lòng, tự hào về các thế hệ học trò, rất chân thành, chân thật của tôi”, GS Hồ Ngọc Đại nói.

GS. Hồ Ngọc Đại kể, ông vẫn nhớ cậu học trò Nguyễn Khương Trang (hiện làm việc tại Bộ Ngoại giao). Lần đó, tới giờ học, cậu này đi vào lớp miệng vẫn còn nhai kẹo.

Hành động này của Trang khiến giáo viên không thoải mái, cô giận nói: "Em thích ăn kẹo lắm sao?" Rồi cô đưa cho học sinh 5.000 đồng đi mua kẹo.

Học sinh này điềm nhiên nhận tiền, đứng dậy đi mua kẹo và về để trên bàn cô giáo rồi nói: “Kẹo của em đã ăn, đây là kẹo em mua về cho cô”.

"Nhiều người khác sẽ đánh giá cậu học trò này là hư và hỗn nhưng tôi thì thấy Khương Trang rất có chính kiến và đúng như vậy, sau này em trở thành một nhân viên khá xuất sắc có chính kiến, có quan điểm", GS Hồ Ngọc Đại nói.

GS Đại kể, có lần, một giáo viên chủ nhiệm lớp lên báo cáo về học sinh cá biệt và đề nghị kỷ luật đuổi học học sinh này. Ngày nào đến lớp học sinh này cũng đánh bạn, hễ ai làm trái ý là xông vào đánh. Cô giáo nhiều lần mời phụ huynh, kỷ luật ở mức nhẹ nhưng không hiệu quả.

Sau đó, GS Đại gặp trực tiếp để hỏi cậu học sinh này thì biết được: \'Em đánh bạn vì bắt chước bố, ngày nào em cũng bị bố đánh\'.

Chỉ nghe đến đó là ông hiểu. GS Đại gọi bố học sinh đó đến trường, thẳng thắn yêu cầu ông này dừng việc đánh con lại trong một ngày, hai ngày, rồi tiếp các ngày sau đó. Cứ như vậy trong vòng nửa tháng, cậu học trò không còn đánh bạn mỗi khi đến lớp nữa.

Ngày đăng: 17:46 | 19/11/2018

/ https://vtc.vn