GS.TS Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu T.Ư - chia sẻ tối 3.10 về luồng dư luận cho rằng buổi chia tay ông về hưu với bệnh nhân và nhân viên Viện Huyết học Truyền máu T.Ư trong nước mắt nghẹn ngào là dàn cảnh.
“Xin cho em khóc một ngày”
Những hình ảnh xúc động mà báo chí và mạng xã hội đã đưa tin tại buổi chia tay giữa tôi và các bệnh nhân, nhân viên chiều 2.10 là hoàn toàn chính xác. Có thể yêu cầu người khác đứng được, vỗ tay được, nhưng không ai có thể yêu cầu người khác khóc được.
Nước mắt đưa tiễn GS Trí chiều 2.10. Ảnh: Viện Huyết học Truyền máu T.Ư
Ngay cả cậu lái xe của tôi, những ngày tôi chuẩn bị về hưu cứ rơm rớm nước mắt suốt. Đến ngày tôi nghỉ chính thức thì nhắn tin cho tôi “xin cho em một ngày được khóc thoải mái”. Còn sau buổi chia tay ngày 2.10, một cô nhân viên đã chia sẻ với tôi “cả viện đều bị đau mắt đỏ rồi thầy ơi”.
Nước mắt chan chứa của nhiều bệnh nhân và nhân viên trong buổi chia tay khiến tôi thấy vinh dự, cảm động nhưng tôi không ngạc nhiên. Vì hàng chục năm tôi làm bác sĩ, làm Viện trưởng, làm thầy, tôi luôn được bệnh nhân, nhân viên, học trò đối xử như vậy.
Khi nghỉ hưu, tôi rất buồn, không phải buồn vì “mất chức” mà vì phải rời xa tập thể yêu quý, nặng tình người, đồng lòng đoàn kết, rời xa các bệnh nhân thương yêu. Nhưng đồng thời tôi cũng hết sức mãn nguyện vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mãn nguyện về những thành tựu mà Viện đã có được trong thời gian tôi làm quản lý. Mãn nguyện và tự hào đan xen nhau.
Tôi cũng vui vì thôi vai trò quản lý để tập trung làm việc chuyên môn của một GS.TS, bác sĩ về huyết học, đồng thời tập trung trí tuệ, thời gian để làm tốt hơn nữa vai trò đại biểu Quốc hội, đóng góp nhiều sức lực hơn cho nhân dân.
Hình ảnh bệnh nhân chan hoà nước mắt trong buổi chia tay GS Trí về hưu chiều 2.10.
Ngay sau khi chia tay chiều hôm qua, tôi đã lên Hoà Bình để dự định nghỉ ngơi, thư giãn vài ngày. Nhưng anh em báo chí lại nhiệt tình hỏi thăm, điện thoại, xin được phỏng vấn nên tôi lại vội vã quay về Hà Nội. Con người tôi là như vậy, luôn coi ý kiến của người khác là một mệnh lệnh mà mình nên tìm mọi cách để thực hiện. Ví như một bệnh nhân nhắn tin yêu cầu giúp đỡ, tôi sẽ ghi nhớ để tìm cách giúp đỡ. Cũng có khi không giúp được, nhưng đó là vì điều đó nằm ngoài tầm với chứ không phải vì mình chưa làm.
Tôi tin chắc rằng, cho dù xã hội có thay đổi ra sao thì ngành y vẫn là ngành cao quý, được mọi người quý trọng, tôn trọng, trân trọng. Dù đâu đó vẫn có những hình ảnh bác sĩ chưa tốt như thuốc giả, gian lận, trục lợi bảo hiểm y tế, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như cắt nhầm chân, mổ nhầm thận…
Những điều này đều phải lên án mạnh mẽ, tuy nhiên, đại đa số các bác sĩ, nhân viên y tế vẫn nỗ lực cứu sống người bệnh với tinh thần tận tuỵ, trách nhiệm cao nhất.
Từ y - bác sĩ đến anh bảo vệ đều không cầm được nước mắt khi chia tay lãnh đạo của mình.
Coi mọi bệnh nhân đều là người nhà của mình
Tôi luôn coi việc phục vụ bệnh nhân là niềm hạnh phúc lớn lao, đặc biệt là khi chữa được những ca bệnh khó, bệnh nặng, giúp được nhiều người. Ví dụ như trước đây, máu như “ăn đong” hàng ngày, lúc nào cũng nơm nớp máu thiếu sẽ đe doạ đến tính mạng bệnh nhân. Còn giờ đây, nhờ sự nỗ lực của tập thể Viện, chúng tôi luôn có hàng chục nghìn đơn vị máu sẵn sàng cung cấp cho hàng trăm bệnh viện. Thành tích này khiến tôi rất mãn nguyện.
Tôi luôn lan toả suy nghĩ, nhắc nhở các nhân viên của Viện Huyết học “mọi bệnh nhân đều là người nhà của tôi”, ai cũng quan trọng. Đã là người nhà của Viện trưởng thì "ai dám" lơi là, đều phải phục vụ chu đáo, hết lòng tận tuỵ, bình đẳng như nhau. Điều này khiến anh em “dễ hiểu” và luôn có ý thức trong việc chăm sóc bệnh nhân.
Không cố gắng trở thành thần tượng
Tôi luôn đặt mục tiêu cho cuộc đời mình, ví như vào đại học, trở thành bác sĩ nội trú (vì tôi thích học), 28 tuổi phải lấy vợ, phải trở thành tiến sĩ, giáo sư… Cứ mỗi mốc mục tiêu lại nỗ lực cố gắng. Nhưng có nhiều cái cũng không dự định được như trở thành Anh hùng Lao động; đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh; giải Nhân tài đất Việt… Mình cứ nỗ lực cống hiến, làm việc thôi…
Giống như hiện nay, tôi không cố gắng trở thành thần tượng của ai cả. Tôi rất cảm động khi anh em, học trò thần tượng mình. Tôi cũng cảm ơn họ rất nhiều vì đã tin yêu mình, nhưng mà đồng thời tôi cũng thấy lo lắng vì giữ được hình ảnh thần tượng khó lắm. Tôi sẽ luôn phải đặt cho mình mục tiêu tiếp theo phải cống hiến, đóng góp như thế nào để giữ cho hình ảnh thần tượng không đổ vỡ.
Ngày 26.9, ngay trước ngày nghỉ hưu, một cháu bé bị bỏ rơi trong Viện, GS Trí lên mạng kêu gọi, thuyết phục người mẹ quay lại nhận con đã trở thành hiện tượng mạng xã hội với hơn 1.600 chia sẻ và 5.400 like. (Ảnh: FB Nguyễn Anh Trí)
TS Bạch Quốc Khánh đủ mọi tiêu chuẩn để làm một Viện trưởng tốt
Tôi đã bồi dưỡng TS Bạch Quốc Khánh trong một thời gian dài rồi. Từ khi cậu ấy không là đảng viên, tôi dìu dắt cậu ấy trở thành đảng viên. Khánh chỉ là thạc sĩ, tôi đốc thúc tạo điều kiện “ép” cậu ấy học lên cao hơn và cũng là người hướng dẫn luận án tiến sĩ cho Khánh. Tôi cho cậu ấy đi học lý luận chính trị cao cấp… Về chuyên môn, Khánh cũng là người rất giỏi.
Như vậy, nói về các điều kiện để có thể trở thành một Viện trưởng, TS Bạch Quốc Khánh hội tụ đủ. Đồng thời cùng với một tập thể đoàn kết, các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tôi tin Khánh sẽ làm tốt và giúp Viện Huyết học Truyền máu có thêm nhiều thành tựu mới. Tôi không còn gì vui hơn khi chuyển giao vị trí, trách nhiệm cho một người đàn em xứng đáng.
Những tình cảm ngây thơ của bệnh nhi khiến GS Trí cảm động.
Bệnh nhân giúp tôi đam mê với nghề hơn
Cách đây vài ngày, khi tôi sắp nghỉ, bỗng một chiều có 5 cháu bé chừng 5-6 tuổi chạy ùa ra, vây quanh lấy tôi líu ríu kêu: “Ông Trí, ông Trí sắp nghỉ hưu à, không đến viện nữa à?”. Tôi đã khóc vì sự hồn nhiên, ngây thơ của các bệnh nhân nhí như vậy.
Đây cũng là một trong những tình cảm đáng trân trọng, đáng quý mà bệnh nhân đã dành cho tôi. Chính nhờ những tình cảm như vậy mà tôi đã nỗ lực để có những thành tựu như ngày hôm nay. Báo chí viết cần có bạn đọc, không có bạn đọc thì chán đến mức nào. Viết Facebook không có người đọc còn chán nữa là. Cũng như bác sĩ phải có bệnh nhân, phải được họ cần đến, họ quý mến.
Tôi có cuộc sống như hiện nay, những danh hiệu như hiện nay đều nhờ bệnh nhân. Vì vậy, tại sao lại không cảm ơn họ chứ? Tôi cũng đã luôn truyền đạt suy nghĩ này cho bác sĩ, nhân viên y tế trong Viện để họ luôn cư xử với bệnh nhân bằng lòng biết ơn.
Hy vọng trong thời gian tới, tôi có thể làm nhiều điều hơn trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, để có thêm cơ hội cảm ơn người bệnh, tri ơn nhân dân.
http://danviet.vn/tin-tuc/gs-anh-tri-co-the-yeu-cau-xep-hang-nhung-khong-the-bao-nguoi-ta-phai-khoc-810435.html
Cuộc chia tay hiếm có của GS.Nguyễn Anh Trí
GS.Nguyễn Anh Trí rời chức Viện trưởng viện Huyết học Truyền máu TƯ, bệnh nhân đã khóc khi chia tay ông. Một cuộc chia tay ... |
"Thuyền trưởng" Nguyễn Anh Trí là ai mà nhiều người xúc động phút chia tay?
GS.TS. Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nổi tiếng với câu nói: “Một giọt máu cho đi, ... |
Ngày đăng: 09:08 | 04/10/2017
/ Theo Diệu Linh/báo Dân Việt